Venezuela sắp trở thành nền kinh tế “thảm hại” nhất thế giới

khởi vũ| 26/04/2019 08:07

Với tỷ lệ lạm phát dự báo đạt hơn 8 triệu phần trăm trong năm 2019, Venezuela sẽ trở thành nền kinh tế “thảm hại” nhất thế giới, theo bảng xếp hạng Misery Index của Bloomberg.

Venezuela sắp trở thành nền kinh tế “thảm hại” nhất thế giới

Một người đàn ông đang đếm tiền trước khi mua cà phê và đường tại khu ổ chuột Petare thuộc thành phố Caracas, Venezuela.

Theo Bloomberg, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp quốc gia Nam Mỹ này đứng đầu Misery Index - bảng xếp hạng chỉ số “thảm hại” của 62 nền kinh tế trên thế giới, được tính bằng tổng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp dự báo trong năm. Bảng xếp hạng chỉ số này so sánh mức dự báo trung bình trong năm 2019 của các chuyên gia kinh tế so với số liệu thực tế công bố vào năm 2018.

Được biết, dự báo từ các chuyên gia kinh tế có sự khác biệt lớn so với chỉ số Cafe Con Leche Index của Bloomberg; trong đó, tỷ lệ lạm phát của Venezuela năm nay dự báo đạt 219.900%. Lần lượt theo sau Venezuela trong nhóm những quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng là Argentina, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Ukraine. 

So với năm ngoái, thứ hạng của nhóm 5 nền kinh tế “thảm hại” nhất này không có sự thay đổi. Các nước này đều đang phải một mình vật lộn với tình trạng siêu lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao, áp lực kinh tế lớn, ít sự cải thiện trong kiềm chế tăng giá cũng như tạo việc làm cho người lao động. Được biết, kể từ năm 2016, chính phủ Venezuela đã ngừng công bố dữ liệu kinh tế.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách thuộc phần lớn những quốc gia khác lại đang phải đối mặt với một thách thức rất khác vào năm nay. Đó là sự kết hợp khó chịu giữa tình trạng lạm phát đứng yên và tỷ lệ thất nghiệp thấp, khiến các chỉ số liên quan đến tình trạng sức khỏe của nền kinh tế thêm phần phức tạp, gây khó khăn cho việc đưa ra những chính sách phù hợp.

Ở top sau của Misery Index, Thái Lan tiếp tục được dự báo sẽ đứng cuối bảng xếp hạng, giữ vững danh hiệu nền kinh tế ít “thảm hại” nhất; dù cách thức kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp độc nhất của chính phủ nước này không nổi bật bằng Thuỵ Sĩ - quốc gia sẽ vươn lên vị trí thứ 2 trong năm nay. Singapore sẽ rơi xuống vị trí thứ ba, đồng hạng với Nhật Bản. Còn Mỹ và Vương quốc Anh đứng lần lượt ở vị trí 13 và 16 từ dưới lên.

Bảng xếp hạng chỉ số “thảm hại” của Bloomberg được xây dựng dựa trên một khái niệm đã có từ lâu, rằng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp thấp nhìn chung sẽ thể hiện mức độ hài lòng của một cư dân thuộc nền kinh tế. Tuy nhiên, đôi khi chỉ số “thảm hại” thấp lại phản ánh điều hoàn toàn khác: Tình trạng giá cả thấp kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu, và tỷ lệ thất nghiệp quá thấp sẽ khiến người lao động khó có cơ hội chuyển sang những công việc tốt hơn.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế được khảo sát, năm nay, gần một nửa số nền kinh tế trong bảng xếp hạng sẽ sở hữu tỷ lệ lạm phát thấp hơn năm 2018. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp cũng được cho là sẽ giảm ở phần lớn quốc gia.

Ngoài ra, tư duy của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong năm nay cũng có sự thay đổi. Nếu năm ngoái, các nền kinh tế mới nổi đã theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và lạm phát tiềm ẩn, thì kể từ đầu năm nay đã bắt đầu có những đợt nới lỏng. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay liên tiếp bị các tổ chức, mà gần đây nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hạ dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Venezuela sắp trở thành nền kinh tế “thảm hại” nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO