Vén màn bí mật nhiều giao dịch trên thị trường nghệ thuật Mỹ

Thùy Chi| 07/07/2021 06:00

Bí mật” từ lâu đã trở thành một đặc điểm của các giao dịch trên thị trường nghệ thuật. Nhưng ngày nay, các nhà làm luật của Mỹ lo ngại rằng sự bí mật này đang bị lợi dụng để thực hiện những hành vi phạm pháp hoặc thu lợi bất chính và cần phải được xem xét.

Vén màn bí mật nhiều giao dịch trên thị trường nghệ thuật Mỹ

Bức tranh Salvator Mundi của Leonardo da Vinci chưa từng xuất hiện công khai sau khi được bán hồi năm 2017 với mức giá 450,3 triệu USD

Mới đây, phóng viên điều tra chuyên mảng Văn hoá của The New Yorks Times, ông Graham Bowley, đã có một bài viết về các động thái của nhà cầm quyền Mỹ sau những sự việc xảy ra những năm gần đây trên thị trường nghệ thuật.

Theo đó, vào năm 2015, các đặc vụ điều tra liên bang đột nhập vào nhà của một kẻ buôn bán ma tuý tên Ronald Belciano ở ngoại ô Philadelphia và phát hiện cần sa cùng 2,5 triệu USD tiền mặt cất trong một ngăn bí mật dưới bể cá. Điều gây bất ngờ hơn cả là họ còn tìm thấy 14 bức tranh đang treo trên tường và 33 tác phẩm khác xếp chồng lên nhau trong một nhà kho, cách căn nhà của Belciano vài dặm. Các tác phẩm nghệ thuật được tìm thấy là tác phẩm của Renoir, Picasso, và Salvador Dalí.

Belciano mua những tác phẩm nghệ thuật này từ các gallery nghệ thuật để hợp thức hoá tiền mặt từ hoạt động mua bán thuốc phiện của hắn. Belciano đã bị kết án hơn 5 năm tù vì buôn bán ma tuý và rửa tiền bằng cách lợi dụng tính chất bí mật của các giao dịch trên thị trường nghệ thuật.

Hàng tỷ USD được giao dịch trao tay mỗi năm trên thị trường nghệ thuật, với rất ít hoặc không có thông tin công khai. Người mua gần như không biết nguồn gốc tác phẩm họ mua đến từ đâu. Người bán cũng tương tự, không biết tác phẩm sẽ được bán đi đâu. Không giống những giao dịch tài sản khác như bất động sản hay chứng khoán, các giao dịch trên thị trường nghệ thuật không đòi hỏi phải có đầy đủ giấy tờ để các cơ quan quản lý có thể theo dõi việc mua bán hoặc lợi nhuận.

Nhưng giờ đây các nhà chức trách Mỹ lo ngại những vụ việc như vụ Belciano như một cảnh báo về việc các giao dịch nghệ thuật trở thành công cụ cho những kẻ rửa tiền. Họ đang cân nhắc về việc tăng cường giám sát thị trường và làm tăng tính minh bạch của các giao dịch.

Vào tháng 1 vừa qua, quốc hội Mỹ đã mở rộng những quy định cấp liên bang về phòng chống rửa tiền. Các quy định này được đặt ra để kiểm soát hoạt động ngân hàng, nhắm vào những người buôn bán cổ vật. Luật yêu cầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ tham gia cùng các cơ quan khác nghiên cứu về việc áp dụng các quy định chặt chẽ trên phạm vi rộng đối với thị trường nghệ thuật. Nỗ lực của Mỹ theo sau các quy định mới đây được ban hành ở châu Âu. Theo đó người môi giới và các nhà đấu giá phải xác minh danh tính khách hàng cũng như nguồn gốc tài sản của họ.

Đối với những người đã gắn bó với thị trường nghệ thuật, tính ẩn danh có liên quan đến sự tự do ra quyết định, truyền thống và đẳng cấp. Họ cho rằng phản ứng trên là thái quá và sẽ gây tổn hại cho thị trường. Những người này lo ngại về việc sẽ làm cho khách hàng ái ngại tránh xa nếu phải đưa ra những câu hỏi thăm dò, khi mà theo họ là có quá ít dấu hiệu vi phạm.

Ông Andrew Schoelkopf, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Nghệ thuật Hoa Kỳ phát biểu trong một cuộc hội thảo của ngành, sẽ có rất nhiều công việc liên quan đến giấy tờ cần phải làm, rất nhiều quy định phải tuân thủ, mà ông không cho rằng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Những lo ngại của họ đủ lớn để các nhà vận động hành lang tại Washington (cho hiệp hội môi giới và các nhà đấu giá lớn) cố gắng định hình các chính sách liên quan và các quy định khác. Năm 2019, chi phí vận động hành lang cho các nhà đấu giá lớn như Christie’s, Sotheby’s, và hiệp hội môi giới, đã chạm ngưỡng 1 triệu USD.

Thị trường nghệ thuật đã bùng nổ cả về giá trị lẫn quy mô kể từ ngày nó được tạo lập. Các bức tranh thường được bán với giá 10 triệu, 20 triệu USD, ngang với giá những căn penthouse nơi chúng sẽ được đem về, treo lên. Mặc dù mức thuế thặng dư vốn đối với hàng hoá xa xỉ áp dụng trên lợi nhuận từ việc bán tác phẩm nghệ thuật là rất cao, ở mức 28%, nhưng sở Thuế vụ Hoa Kỳ khó lòng theo dõi được ai là người cần báo cáo về khoản này. Việc tìm ra ai bán đã là một rào cản. Một nửa số giao dịch là riêng tư, không đấu giá công khai, vì thế nhiều mức giá không bao giờ được được biết tới.

Một số điều tra gần đây cho thấy nhiều người thuộc nhóm giàu nhất nước Mỹ đã trốn thuế đáng kể. Điều này khiến tổng thống Biden có kế hoạch tăng cường kiểm toán. Mặc dù không có chứng cứ về gian lận lớn liên quan đến giao dịch nghệ thuật, thì một vấn đề khác là: các chuyên gia cho rằng giao dịch bí mật đang tạo ra lỗ hổng trong việc vận hành, khiến cho thị trường không minh bạch và phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của các nhà sưu tầm về việc kiếm lời.

Từ lịch sử lâu đời....

Bí mật đôi khi bị lật tẩy bất ngờ, như trong trường hợp của tỷ phú người Nga Dmitry E. Rybolovlev. Ông Rybolovlev là một nhà sưu tầm, và vào năm 2014, ông được giới thiệu với một cố vấn nghệ thuật ở New York là Sandy Heller. Trong buổi gặp này, Rybolovlev đã trả 118 triệu USD cho một bức tranh khoả thân của hoạ sĩ Amedeo Modigliani từ một người bán không rõ danh tính. Ông Heller xác nhận người bán bức tranh đó từng là khách hàng của ông, nhà quản lý quỹ đầu tư Steven A. Cohen. Nhưng dường như có gì đó nhầm lẫn, vì Cohen đã bán bức tranh với giá 93,5 triệu USD.

Trong một chuỗi vụ kiện liên quan, Rybolovlev đã đưa ra cáo buộc một người đàn ông tên Yves Bouvier đã lạm dụng sự tín nhiệm của ông để trục lợi. Rybolovlev tin tưởng thuê Yves Bouvier làm cố vấn nghệ thuật, và người này đã thay mặt ông để mua bức tranh của Modigliani nói trên, cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, với số tiền khoảng 2 tỷ USD. Theo thông tin từ vụ kiện này, Bouvier đã mua các tác phẩm nghệ thuật ở cùng một mức giá, rồi bán lại cho tỷ phú Rybolovlev với cái giá khổng lồ.

Dmitry-E-Rybolovlev-8205-1625566950.jpg

Tỷ phú người Nga Dmitry E. Rybolovlev - nạn nhân của những vụ mua bán tác phẩm nghệ thuật bí mật. Ảnh: The New York Times

Ông Bouvier, người mới thắng một số trong các vụ kiện tụng, lập luận rằng ông ta đã làm việc với tư cách một người bán độc lập, chứ không phải một cố vấn được thuê. Là một người bán độc lập, Bouvier có thể mua các tác phẩm và bán lại theo những điều kiện riêng. Khi cuộc chiến pháp lý đi đến hồi kết, tỷ phú Rybolovlev đã chỉ trích không chỉ ông Bouvier, mà cả giới nghệ thuật: Nếu thị trường minh bạch hơn, những chuyện tương tự đã không bao giờ xảy ra.

Việc giữ bí mật này có thể đã xuất hiện từ những ngày đầu của thị trường, khoảng thế kỷ XV, XVI khi các phường hội St. Luke, những tổ chức mua bán chuyên nghiệp, bắt đầu điều tiết sản phẩm và việc mua bán tác phẩm nghệ thuật ở châu Âu. Cho đến trước đó, việc mua đi bán lại tác phẩm không phổ biến bằng việc các nhà bảo trợ quý tộc hoặc tăng lữ thuê họa sĩ sáng tác.

Tuy nhiên, cùng với sự mở rộng của tầng lớp thương nhân, thị trường nghệ thuật cũng mở rộng, hoạt động mua bán diễn ra tại các xưởng vẽ, hoặc quầy hàng mở công khai tại các thành phố, ví dụ như Antwerp (thành phố thuộc Bỉ ngày nay). Do cạnh tranh, các thương nhân này sẽ giữ bí mật danh tính khách hàng của họ để những người khác không thể ăn cắp thông tin, hoặc họ cũng giữ bí mật về mức giá họ đề nghị với một vị khách để có thể đưa ra một cái giá khác với một vị khách khác. Những cách bảo mật thông tin này vẫn còn duy trì đến ngày nay.

Thị trường ngày nay đã bớt “bí hiểm” so với trước đây. Giờ đây, các nhà đấu giá đôi khi công khai mức giá mà họ dự tính một tác phẩm có thể đạt đến. Nhưng rất nhiều bí mật khác vẫn được duy trì, đem đến cho thị trường này bầu không khí bí ẩn, khi mà giá trị và lợi nhuận lại được xem xét dựa vào những thứ mơ hồ như là việc đánh giá thoáng qua về “thiên tài” của nghệ sĩ.

Các danh mục đấu giá thường viết rằng tác phẩm đến từ “một bộ sưu tập tư nhân”, và chỉ có bấy nhiêu thông tin, không hơn. Tranh được đưa ra bán bởi người đại diện của một chủ sở hữu ẩn danh, ngay cả những gallery sắp xếp việc mua bán này cũng không biết chủ sở hữu đó là ai. Người mua cũng cho người thay mặt mình. Khi Rybolovlev bán bức Salvator Mundi của Leonardo da Vinci’s cho Thái tử Mohammed bin Salman của Arabia Saudi, người đứng ra giao dịch là một người bạn của Thái tử, còn danh tính của người mua thực sự thì được giấu kín.

Trong những trường hợp này, các gallery chỉ có thể dựa vào sự chính trực của những người đại diện vì giữa họ đã có mối quan hệ làm ăn lâu dài. Đôi khi cả người bán và người mua không phải là các cá nhân, mà là các công ty vỏ bọc, chuyên được dùng để thực hiện các giao dịch không minh bạch.

Rồi một khi đã được thu mua, rất nhiều trong số các tác phẩm (trong đó có cả những tác phẩm đắt giá nhất) lại bị giấu đi và chẳng ai biết chúng đi đâu về đâu.

… đến những thay đổi

Hiện tại chính quyền liên bang đang cân nhắc sử dụng những đạo luật chặt chẽ hơn nữa về phòng chống rửa tiền tại các tổ chức tín dụng để điều tiết thị trường nghệ thuật. Luật này đòi hỏi ngân hàng phải báo cáo các giao dịch tiền mặt trên 10.000 USD, chú ý các hoạt động đáng ngờ, và nắm vững thông tin khách hàng cũng như nguồn gốc tài sản của họ.

Quốc hội Mỹ cũng đã giao bộ Tài chính điều chỉnh các quy định để phù hợp với thị trường đồ cổ, nơi mà vốn đã luôn tồn tại sự nghi ngờ về nguồn gốc bất hợp pháp của các cổ vật có nguồn gốc từ Syria và Iraq. Giờ đây, người môi giới những cổ vật như tượng cẩm thạch La Mã, phù điêu Ai Cập, cũng sẽ bị điều chỉnh như các tổ chức tài chính, và các cơ quan quản lý cấp liên bang sẽ nghiên cứu về việc mở rộng quy định ra toàn bộ thị trường nghệ thuật.

Những người môi giới cổ vật lo ngại về các quy định phòng chống rửa tiền. Họ lập luận rằng họ biết đủ rõ về khách hàng của họ, để chắc chắn hoạt động không phạm pháp. Những người này cũng phàn nàn về việc các doanh nghiệp nhỏ không đủ khả năng để thuê thêm nhân viên tuân thủ trong bối cảnh kinh tế tồi tệ hiện nay.

Nếu quy định mới được mở rộng cho toàn thị trường, các công ty đấu giá cũng sẽ bị yêu cầu xác định danh tính chủ sở hữu thực sự, kể cả khi có các công ty vỏ bọc.

Những nhà đấu giá lớn như Christie’s và Sotheby’s tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách, và đã có những động thái để thực hiện các quy định mới này ở cả châu Âu và Mỹ. Nhưng trên thực tế, qua một số vụ việc xảy ra hồi năm ngoái, các điều tra viên của Thượng viện xác định được vẫn có những lỗ hổng trong quy định và việc thực thi, và trong các giao dịch suốt thời gian từ năm 2011 đến 2019, các nhà đấu giá không hề xác định danh tính thật của chủ sở hữu các công ty vỏ bọc tham gia đấu giá, mặc dù họ đã cam kết thực hiện.

Ngay cả khi quy định chặt chẽ hơn được ban hành, danh tính thật của người bán và người mua cũng sẽ không được công khai, nhưng các nhà môi giới và đấu giá sẽ phải xác định những người này là ai và phải sẵn sàng đối mặt với các quy trình điều tra của pháp luật.

Nhà cầm quyền có “làm quá”?

Việc rửa tiền liên quan đến mức độ nào với các giao dịch trên thị trường nghệ thuật? Dù các chuyên gia cho rằng thị trường này, với tính chất thiếu minh bạch của nó, luôn tiềm tàng nguy cơ xảy ra các hoạt động bất hợp pháp, nhưng thực tế dường như lại chưa có ai đo lường được mức độ liên quan thực sự. Ngay cả số lượng các vụ truy tố đã tiến hành cũng không cho thấy mối liên quan.

Trong một vụ điển hình, một người sử dụng tiền “bẩn” để mua tác phẩm nghệ thuật, và giữ nó lại trong một thời gian, sau đó bán ra và thu tiền về, lúc này tiền lại trở thành có nguồn gốc hợp pháp.

Một ví dụ nổi tiếng là vụ của nhà tài chính Jho Low, người đã bị truy tố về việc bòn rút hàng tỷ USD từ một quỹ của chính phủ Malaysia, sau đó sử dụng mạng lưới ngân hàng và các công ty vỏ bọc để rửa tiền, bằng cách vung tay vào những thứ như tác phẩm nghệ thuật. Năm 2014, một công ty ở quần đảo Cayman của ông ta nhận được một khoản nhận nợ 107 triệu USD từ Sotheby’s, sử dụng một vài tác phẩm nghệ thuật làm tài sản bảo đảm. 

Sotheby’s và Christie cho biết họ đã ngừng làm việc với Low ngay khi biết ông ta đang bị điều tra, và họ không bị buộc tội.

jho-low-5016-1625566950.jpg

Jho Low - người thao túng cả Hollywood và là tay sưu tầm có máu mặt tại các sàn đấu giá quốc tế

Các chuyên gia cho rằng đang quá thiếu nỗ lực thực thi trong việc phát hiện các hoạt động rửa tiền, quy mô của vấn đề sẽ rõ ràng hơn nhiều nếu người môi giới và nhà đấu giá bị buộc phải báo cáo những hoạt động khả nghi.

Ngược lại, các nhà tư vấn, nhà sưu tầm lại không cho rằng tính chất bí mật có thể là nguy cơ gây ra các gian lận lớn. Họ lập luận, nhà sưu tầm thường là những người kinh doanh hiểu biết và có vị thế nổi bật trong cộng đồng của họ, được tư vấn bởi các chuyên gia về thuế và pháp lý, việc trốn thuế hay gian lận không đáng để họ phải đánh đổi sự nghiệp kinh doanh và vị trí xã hội. Họ cũng cho rằng, ngay cả nếu việc báo cáo về giao dịch không được thực hiện, thì ngân hàng vẫn có thể “đánh dấu” các giao dịch khả nghi. Nhưng các chuyên ra cho biết lực lượng của sở Thuế vụ và các cơ quan điều hành khác quá mỏng để có thể theo dõi hàng triệu giao dịch bị ngân hàng cảnh báo mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vén màn bí mật nhiều giao dịch trên thị trường nghệ thuật Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO