Có bao nhiêu người như vậy? Cứ nhìn sự "phình ra" của các đô thị Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, nơi nào cũng có vài ba triệu người "mắc kẹt" như vậy, số người thành công, bám trụ và hạnh phúc viên mãn nơi phố thị có được một phần mười không, chưa thấy thống kê.
Có anh bạn chạy xe Grab kể chuyện vào Sài Gòn làm ăn, sau cha mẹ già yếu, phải quay về Đà Nẵng sống. Vì đã xấp xỉ tuổi 40, anh cảm thấy thành phố thật yên tĩnh, thanh bình, nhưng lại vô cùng khó kiếm việc làm vừa sức, có thu nhập tốt. Và chúng ta thường tự hỏi đâu là con đường cho những người trẻ tuổi có xuất phát điểm bình thường, chỉ số thông minh và bằng cấp không có gì nổi trội? Tôi nghĩ đến nông thôn mênh mông, những vườn tược vắng lặng, những đồi núi trập trùng. Và vẫn không tìm được lối thoát cho những người "mắc kẹt" ở đô thị.
Thế nhưng lại có một làn sóng những người trẻ gốc gác không hẳn là nông thôn, hoặc đôi khi quên mất gốc gác nông thôn chính hiệu của mình, nhưng họ đang nhìn về nông thôn. Và câu trả lời đã le lói khi gặp những thanh niên dám đặt khát vọng vào những cánh đồng. Đừng ở lại thành phố để mở quán cà phê mặc dù Việt Nam đang sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới.
Đừng đeo bám vỉa hè thành thị bán ly trà sữa 10 ngàn đồng làm từ nguyên liệu rất độc hại, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Những thanh niên này nói như vậy khi họ đăng ký thực tập sinh trong ngành nông nghiệp ở Israel mà họ nói vui là đi trải nghiệm thế giới một năm trước khi quyết định khởi nghiệp ở quê nhà. Tuy là đi làm thuê nhưng vẫn đòi hỏi phải là người trẻ tuổi, mới tốt nghiệp đại học không quá ba năm.
Sang đó, họ được học hỏi, trải nghiệm một nền nông nghiệp sạch, tiên tiến với công nghệ cao, cách mở xưởng làm sản phẩm từ nông nghiệp, vừa học vừa làm, tích góp được số vốn một, hai trăm triệu đồng về lại quê nhà khởi nghiệp làm nông trại trồng sản phẩm sạch, hoặc làm du lịch nông nghiệp ở những nơi xa các trung tâm du lịch lớn. Ở Quảng Bình có bạn trẻ bỏ phố về quê làm "farmstay" đón du khách nước ngoài đến trải nghiệm cuộc sống ở một trại chăn nuôi vịt đồng.
Ở đó khách hòa mình vào cuộc sống nông thôn dân dã, thưởng thức các món ăn đặc sắc, cưỡi trâu, chăn vịt, thư giãn với động tác massage của những cái mỏ vịt rất thú vị. Hòa mình vào cuộc sống đồng quê thanh bình ở một nơi xa lạ, vậy thôi, nhưng bạn trẻ này đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để thành công và có được lượng khách Âu ổn định.
Những "farmstay" của người trẻ không "ăn theo" di sản và các trung tâm du lịch lớn, bởi nơi đó không còn cơ hội cho những người ít vốn. Họ sẵn sàng đi xa hơn, về nơi đồng quê xa xôi, nơi đất đai còn rẻ, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ về trồng trọt và du lịch để khởi nghiệp, sản xuất, tự do làm những điều được học hỏi hoặc trí tưởng tượng của họ nghĩ đến, không sợ thất bại.
Bởi họ đã thấy được dòng khách là những người trẻ khắp thế giới muốn đi trải nghiệm nước ngoài trước khi gắn mình vào một công việc. Dạng khách đó không có nhiều tiền, không cần ở khách sạn tiện nghi, thích ẩm thực dân dã bản địa. Người khởi nghiệp chỉ cần có óc sáng tạo, có một ít vốn và cần nhất là giỏi tiếng Anh để quảng bá dịch vụ và đón khách.
Người trẻ về nông thôn khởi nghiệp với các trang trại nhỏ, làm hàng thủ công xuất khẩu rất nhiều và giỏi. Tinh thần khởi nghiệp của họ chính là ở chỗ khao khát một việc làm tốt, một cách đi tìm cái mới. Những làng lụa tơ tằm cổ truyền như Nha Xá (Hà Nam), Mã Châu (Quảng Nam) bây giờ do những người trẻ đi học về khởi nghiệp nắm giữ, phát triển công nghệ, kết hợp giữa làm lụa và du lịch. Về quê, người trẻ tuổi có chỗ rất rộng để thỏa chí vẫy vùng. Một bạn trẻ còn đang rất vất vả trong khởi nghiệp nhưng vẫn tin tưởng vào quyết định của mình: về quê làm giàu.