Chiếc xe hơi lao vụt đi trên cao tốc, ánh đèn đường cao áp tỏa sáng dọc cung đường, ánh sáng trung tâm bán kính 500m quanh xe là sáng nhất, xa dần thì cường độ ánh đèn thấp hơn nhưng vẫn tạo cảm giác an toàn và “mượt mắt”. Nhìn từ xa cả đoạn đường cao tốc như một bữa tiệc ánh sáng nhịp nhàng, đầy thú vị. Đây là một hình ảnh của thành phố thông minh, tự động điều chỉnh ánh sáng để người lưu thông an toàn nhưng tiết kiệm điện năng...
Tại đó, giao thông được thông minh hóa để chống kẹt xe và giảm khí thải nhờ các hệ thống giao thông được kết nối với nhau, xe tự lái, đèn đường thông minh, đường sá có khả năng tự cảnh báo khi sắp hư hỏng. Sở hữu xe cá nhân sẽ giảm nhờ sự bùng nổ của ứng dụng đi chung xe...
Thúc đẩy kinh tế phát triển
Sáng kiến thành phố thông minh sẽ là dòng chủ lưu thúc đẩy nền kinh tế ASEAN phát triển lên một tầm cao mới. Trong một động thái gần đây, Chính phủ của 10 nước thành viên khu vực ASEAN vừa phê duyệt việc tham gia mạng lưới thông minh của 26 thành phố trong khu vực (Smart Cities Network - ASCN). Sáng kiến trên sẽ giúp Đông Nam Á tối ưu hóa sự phát triển một cách bền vững và kết nối đồng bộ mối quan hệ quốc tế của ASEAN.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đề xuất 3 thành phố lớn của Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới của các thành phố thông minh. Thông báo trên được đưa ra nhân dịp thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Khoảng 49% dân số trong khu vực hiện đang sống tại thành thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đồng nghĩa với trong khoảng thời gian 2015-2030, có khoảng 100 triệu người trong khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ chuyển từ vùng nông thôn đến sống tại các thành phố.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, sự phát triển của ASCN là một điều tất yếu khi nhu cầu đô thị hóa ngày càng tăng trong khu vực, tạo áp lực không hề nhỏ lên cơ sở hạ tầng, tình trạng ô nhiểm và giá nhà tăng cao. Vì thế, chính phủ các nước cần có cơ chế cần thiết để chinh phục các khó khăn trên, đồng thời vẫn duy trì lợi thế kinh tế do đô thị hóa tập trung mang lại. Các định chế tài chính và công nghiệp lớn thể hiện thái độ lạc quan và ủng hộ tích cực động thái trên của ASEAN.
Jenifer Doherty, Giám đốc Sáng kiến của Khối Quản lý Tiền tệ và Thanh khoản Toàn cầu HSBC, cho biết: “Đô thị hóa mang đến tăng trưởng và thịnh vượng cho các nền kinh tế, doanh nghiệp và các cá nhân nhưng đồng thời cũng chứa đựng những thách thức vốn có như sự quá tải, tội phạm, ô nhiễm, bất bình đẳng và giá nhà tăng cao”.
Trên thế giới hiện có khoảng hơn 100 thành phố đã triển khai phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau. Theo tính toán của Telefonica, một thành phố thông minh sẽ tiết kiệm được 5% lượng tiêu thụ, giảm được 1% lượng điện tiêu thụ, giảm 17% lượng khí thải CO2 và giảm gần 25% về nhu cầu giao thông vận tải...
Đô thị thông minh sẽ là một trợ lực lớn trong quá trình hiện đại hóa các thành phố Đông Nam Á, một cuộc cách mạng thật sự về tính hiệu quả cũng như đẩy mạnh các chuẩn mực về công nghệ xuyên suốt các quốc gia trong khu vực. Đây là vấn đề sống còn của đề án Chính phủ kiến tạo thời 4.0 của các quốc gia trong khu vực, cũng như việc số hóa nền kinh tế khu vực được ước tính sẽ đạt 200 tỉ USD đến năm 2025.
Danielle Walsh, Giám đốc Toàn cầu phụ trách mảng kỹ thuật số của HSBC, cho rằng cách tiếp cận về mạng lưới thành phố thông minh của Đông Nam Á là một ý tưởng mang tính dẫn đầu trên toàn cầu: “Việc hình thành mạng lưới ASCN đồng nghĩa với việc các sáng kiến liên quan đến thành phố thông minh của ASEAN sẽ có sức mạnh tổng hợp lớn hơn tổng sức mạnh của từng sáng kiến riêng lẻ và là đòn bẩy giúp đưa khu vực tiến những bước xa hơn trong những tiến bộ liên quan đến thành phố thông minh trên toàn cầu.”
Làn sóng lan rộng
Một số ý tưởng chính của thành phố thông minh bao gồm những cải thiện liên quan đến các khía cạnh gồm cơ sở hạ tầng “cốt lõi”, tòa nhà thông minh, chăm sóc sức khỏe và an ninh.
Cụ thể hơn, cơ sở hạ tầng “cốt lõi” bao gồm các lĩnh vực như năng lượng, kinh tế tuần hoàn và hệ thống nước thải; những lĩnh vực mà sẽ được tập trung số hóa, nhằm tăng tính hiệu suất trong quản lý. Ý tưởng tòa nhà thông minh là tiết kiệm năng lượng, sử dụng hệ thống cảm biến điều chỉnh điện năng tùy vào mật độ chiếm dụng trong ngày và sử dụng năng lượng sạch như gió và mặt trời.
Trên hết, thành phố thông minh đòi hỏi nền quản trị thông minh. Các thành phố thông minh nên được xây dựng từ dưới lên, tức đi từ những gì cốt lõi nhất, thay vì “xây nhà từ nóc”. Theo đó, công nghệ, đặc biệt là các giải pháp IoT, cần được ưu tiên cho các dịch vụ cơ bản nhưng quan trọng nhất của một thành phố, chẳng hạn như quản lý chất thải hoặc giao thông.
Tại Đông Nam Á, các dự án trong khuôn khổ thành phố thông minh đang được thực hiện. Chẳng hạn, Thái Lan thực hiện Kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn 2 thập niên tới.
Đầu năm nay, Malaysia ký thỏa thuận với dịch vụ đám mây của Alibaba để sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho cơ sở hạ tầng máy tính đám mây của quốc gia này. Hệ thống này sẽ hoạt động hỗ trợ hệ thống giao thông, quy hoạch thành phố và ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Ở Indonesia, 10 thành phố thí điểm đã áp dụng thẻ thông minh trong việc cung cấp các hỗ trợ và các dịch vụ xã hội tích hợp. Vào tháng 6.2017, World Bank và Chính phủ Thụy Sĩ đã thành lập quỹ đầu tư ủy thác đô thị hóa bền vững của Indonesia trị giá 13,4 triệu USD nhằm đảm bảo quá trình đô thị hóa được diễn ra một cách ổn định về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại Việt Nam, đề án thành phố thông minh cũng đang được ứng dụng rộng khắp tại các thành phố lớn trong nước, điển hình như TP.HCM đã thí điểm quận 1, quận 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) bằng cách xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở nhằm làm tiền đề cho các khía cạnh thành phố thông minh được nêu trên...
Thay vì vẽ nên nhiều viễn cảnh xa lạ, các dự án thành phố thông minh tại khu vực đang hình thành theo những nhu cầu cơ bản nhất. Vì thế, không gian đô thị sẽ sớm có cơ hội được thay đổi sâu sắc.
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)