Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Nam Du đang là những hòn đảo thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nắm bắt xu hướng này, một số doanh nghiệp đã nhanh chân đầu tư đội tàu, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.
Nghị quyết của HĐQT Công ty CP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (MCK: SKG) - đơn vị đang chiếm khoảng 90% mảng vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc tại Kiên Giang cho phép đóng thêm 2 tàu cao tốc để khai thác tuyến Phan Thiết - Phú Quý với giá trị 4 triệu USD từ nguồn vốn tự có (thông qua hợp đồng với Công ty Kaibuok Shipyard Sdn.bhd, Malaysia). Cả 2 tàu này có sức chứa 306 hành khách và dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2018, 2019.
Trong nửa đầu năm nay, SKG đã đưa thêm tàu cao tốc Superdong Côn Đảo 1, với giá trị đầu tư gần 50 tỷ đồng vào khai thác nhằm tăng tính cạnh tranh trong mảng vận tải hành khách đường biển.
Như vậy, với việc bổ sung Superdong Côn Đảo 1, sau gần 10 năm hoạt động với tàu cao tốc Superdong I trên tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, đến nay SKG đã chiếm được vị thế áp đảo thị trường tàu tại tỉnh Kiên Giang với 13 tàu cao tốc và một tàu chậm tuyến Hà Tiên - Phú Quốc vận hành vào cuối tháng 8/2017, hoạt động trên 4 tuyến Rạch Giá - Nam Du, Rạch Giá - Phú Quốc, Rạch Giá - Hòn Sơn, Hà Tiên - Phú Quốc.
Cùng với SKG, nhiều hãng vận tải cũng đang triển khai đội tàu nhằm khai thác các tuyến từ đất liền ra các đảo ở Kiên Giang, đón đầu dòng khách du lịch đổ về đây. Theo đó, hồi tháng 9, tàu cao tốc 2 thân tiêu chuẩn 5 sao Phú Quốc Express 6 và Phú Quốc Express 8 (sức chứa 300 hành khách) phục vụ hành khách đi tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, do Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phu Quoc Express) đặt nhà máy đóng tàu Z189 (thuộc Bộ Quốc phòng) đóng đã được hạ thủy.
Đại diện Công ty khi đó - Phó tổng giám đốc Thương mại Ngũ Thị Diệu Bình cho biết, đây là 2 trong số 5 tàu cao tốc 2 thân mà Phu Quoc Express đã đặt hàng với công ty 189 nhằm hiện thực hóa cam kết là nhà cung cấp dịch vụ cao tốc đường biển với chất lượng 5 sao tại Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách nước ngoài từ đất liền ra các biển đảo của Việt Nam và ngược lại.
Bên cạnh tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Phu Quoc Express sẽ tiếp tục đưa tàu chạy tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du, Vũng Tàu - Côn Đảo, Phan Thiết - Phú Quý. Theo chia sẻ của bộ phận kinh doanh của Công ty, cuối tháng 11 này, Phu Quoc Express sẽ khai thác tuyến Hà Tiên - Rạch Giá, trong khi tuyến Rạch Giá - Phú Quốc sẽ đi vào hoạt động trong tháng 12 và tiếp tục đóng tàu Côn Đảo Express 36 có sức chứa 500 khách để phục vụ hành khách tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo.
Khách du lịch Côn Đảo đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) 23% trong giai đoạn 2011 - 2016. Côn Đảo được Lonely Planet xếp thứ tư trong số 10 địa điểm du lịch hàng đầu của châu Á vào năm 2016, sau Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thu hút hơn 300.000 du khách đến Côn Đảo vào năm 2030. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp đầu tư đóng thêm tàu nhằm khai thác tuyến này.
Cũng liên quan đến mảng vận tải hành khách bằng đường biển, chủ yếu là khai thác tuyến từ đất liền ra các đảo, quý III vừa rồi, một doanh nghiệp đã đề xuất với Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM được đầu tư, khai thác tuyến đường thủy từ bến Bạch Đằng đi Côn Đảo bằng tàu cao tốc. Nếu được thông qua, tuyến này sẽ hoạt động vào năm 2018.