Tại đại hội nhà văn, hình như nỗi lo âu không biết nền văn học Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu lớn hơn hẳn chuyện ai sẽ được bầu vào Ban chấp hành, ai sẽ là chủ tịch Hội, bởi vì thực trạng nền văn học nước nhà trong 10 năm qua vui ít, buồn nhiều.
Người đọc khát thơ, văn đúng nghĩa
Trong vài năm trở lại đây, trên các diễn đàn văn chương có một vài sự kiện nổi bật. Một trong số đó là Tuyển tập thơ Trần Dần (NXB Đà Nẵng) chật vật bao nhiêu năm không xuất bản được vì một số lý do cộng với một số vấn đề tác giả gặp phải trong quá trình sáng tác.
Rồi khi in xong, chưa ráo mực lại có một số vướng mắc trong khâu hành chính khiến tập thơ bị giữ lại thêm một thời gian trước khi đến tay bạn đọc. Nhưng cuối cùng tập thơ cũng được đón nhận nồng nhiệt suốt từ Bắc vào Nam, và các độc giả yêu thơ thuộc thế hệ 7x, 8x đã bày tỏ sự trân trọng đối với nó trên các diễn đàn văn chương.
Cũng có thể ghi nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc thể hiện sự tiếc nuối nếu nhà thơ Trần Dần được đánh giá đúng với giá trị và sự cống hiến của ông thì văn học Việt, đặc biệt là thơ, có thể có những bước tiến xa hơn bây giờ, và các cây bút trẻ sẽ tiếp nhận tinh thần sáng tạo, sự nhiệt huyết và lòng can đảm của ông trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Có tiếc nuối cũng quá muộn, bởi ngay cả bây giờ rất nhiều nhóm thơ, tác giả thơ đang cố sức sáng tạo, nhưng vẫn có nhiều khoảng trống về tài năng, về nền tảng văn hóa của nhà thơ không đủ nâng tầm thi ca. Chúng ta có một đội ngũ làm thơ, nhưng không có một đỉnh cao. Chúng ta cũng có phong trào làm thơ, nhưng lại không có nhiều tác phẩm để truyền lại một di sản văn học.
Cũng trong năm nay, lại rộ lên vài chuyện quanh các giải thưởng thơ. Từ lâu, dù là giải của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng các giải thưởng thơ vẫn luôn tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều. Người ta không tâm phục, khẩu phục về chất lượng, thì mong gì có một thành tựu văn học được ghi nhận.
Vậy là bên cạnh các giải thưởng chính thống lại có thêm các giải thưởng của một số tổ chức, công ty tư nhân, và bên cạnh các tạp chí lâu năm như Văn nghệ, Văn nghệ Trẻ, Văn nghệ Quân đội cũng có các blog nổi tiếng của các nhà văn, nhà thơ mà những bàn luận đăng tải trên đó cũng gây không ít sự chú ý.
Một trong những sự kiện đáng chú ý là Giải thưởng thơ Bách Việt và Giải thưởng thơ của Tạp chí Quân đội Nhân dân. Người khơi mào cuộc tranh luận về giải thơ là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, ông mượn diễn đàn blog của blogger nổi tiếng Nguyễn Quang Lập. Nếu là ngày xưa thì các nhà thơ sẽ kéo nhau ra quán bia hơi và cũng chỉ độ dăm bảy người tham gia cuộc tranh luận.
Nay chiếu thơ này thu hút gần 1.000 ý kiến phản hồi về một giải thưởng, về chất lượng của một tập thơ, và thú vị ở chỗ người đọc do không bị bất cứ áp lực nào nên tha hồ bày tỏ cảm nhận phong phú và chân thật. Qua đó gián tiếp đánh giá độ tin cậy của các cuộc thi và giải thưởng.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo chê trách các giải thưởng thơ ấy và cho rằng những tác phẩm thơ đoạt giải không phải là... thơ! Với 1.000 ý kiến phản đối và đồng tình của bạn đọc có thể hiểu rằng, những người quan tâm đến văn chương vẫn có quyền không công nhận, kể cả những tác phẩm đang được công nhận (tạm đánh giá qua giải thưởng chính thức).
Bạn đọc có quyền phê phán. Còn các nhà văn, nhà thơ cũng có quyền... vô tư sáng tác. Công nghệ PR đã lan vào văn chương rất sâu đậm, và báo chí đã góp phần làm cho bạn đọc rối thêm trong tiếp nhận và thưởng thức các tác phẩm văn học.
Sự giới thiệu vô tội vạ, kiểu như bạn bè văn chương quen biết giới thiệu sách của nhau với những lời ca tụng không hiếm thấy trên mặt báo hằng ngày; những đêm thơ dễ dãi, những ngợi khen kiểu “giữ quan hệ” cũng đang len lỏi vào làng thơ. Ngoa ngôn và đại ngôn dành cho một tập thơ, một tập truyện ngắn không thiếu.
Có một người chuyên giới thiệu sách kể rằng, bạn bè in tác phẩm của họ xong, gửi tặng anh, anh không viết giới thiệu thì có cảm giác áy náy như nhận tấm thiệp mời dự đám cưới, không muốn đi mà vẫn phải đi cho phải đạo. Sự phải đạo trong phê bình đã làm cho nền văn học không có bước tiến nào đáng kể.
Nhà văn thoải mái sáng tác và truyền bá
Với các phương tiện xuất bản hiện nay, bây giờ in một tác phẩm đối với các nhà văn, nhà thơ là chuyện nhỏ. Chỉ với 8 triệu đồng là tác giả đã có một tập sách trên dưới 200 trang in. Hoặc nếu muốn được một nhà xuất bản nào nhận in, lại còn trả nhuận bút (2 - 3 triệu đồng) cũng không quá khó. Còn nếu sách có “vấn đề”, thì các tác giả vẫn còn cách sao ra nhiều bản rồi truyền tay, hoặc tung lên trang web cá nhân.
Như vậy rõ ràng không ai “kiểm duyệt” nổi, và cũng dễ hiểu tại sao không có những tác phẩm xuất sắc. Có người đổ cho kiểm duyệt, có nhà văn đổ tại lý do kinh tế, nhưng ít ai nhắc đến nền tảng giáo dục và nền văn hóa truyền thống đang lung lay, mỗi cá nhân nhà văn cũng đang đối mặt với sự chông chênh, thiếu hụt kiến thức nên chúng ta hằng ngày vẫn phải đón nhận những tác phẩm “tra tấn người đọc”.
Đây đó không phải không có những tia sáng lóe lên, nhưng hành trang văn hóa của nhà văn không đủ để đẩy họ lên đỉnh cao của sáng tạo. Chúng ta mới chỉ đang nghe tiếng thở nặng nhọc của các nhà văn trên đường lên đỉnh dốc...