Văn học trinh thám Việt Nam: Cơn khát chưa được giải

Phương Trang| 29/07/2019 03:00

Chưa đầy một năm sau khi phát hành, ‘Răng sư tử’ - bộ sách biên khảo về cuộc chiến điệp báo giữa các cường quốc do tác giả Yên Ba, đơn vị sách Đông A và NXB CAND ấn hành - đã tái bản lần thứ 3.

Văn học trinh thám Việt Nam: Cơn khát chưa được giải

Việc Răng sư tử trở thành cuốn sách “best seller” và tái bản lần 3 trong chưa đầy năm một lần nữa khẳng định sự thiếu hụt rất lớn của dòng văn học trinh thám Việt Nam kể từ giai đoạn vàng son 1930-1945 với hàng loạt tựa sách gối đầu giường đến từ các tác giả: Đặng Thanh (X30 phá lưới), Triệu Xuân (Sóng lừng), Thế Lữ (Vàng máu, Gói thuốc lá), Bùi Huy Phồn (Gan dạ đàn bà), đặc biệt là Phạm Cao Củng - người được mệnh danh Sherlock Homes Việt Nam với nhân vật “thám tử Kỳ Phát”.

“Viết tiểu thuyết trinh thám ở Việt Nam rất khó, do bối cảnh, văn hóa, xã hội khác biệt với Phương Tây - vốn là nơi có truyền thống về tiểu thuyết trinh thám” - tác giả Yên Ba nhận xét. Cách đây không lâu, tại buổi tọa đàm Văn học trinh thám Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Toàn (Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng chia sẻ rằng: “Văn học trinh thám gắn liền với sự ra đời và phát triển của đô thị, sự xuất hiện của tầng lớp thị dân. Lớp độc giả này đặt ra yêu cầu về một thể loại văn học mới vừa có tính giải trí, vừa có sự thể nghiệm cái mới, vừa có thể khơi mở về trí tuệ”. Với lịch sử liên tục chiến tranh, sau đó tập trung vào xây dựng đất nước, dễ hiểu vì sao suốt một quãng dài, văn học trinh thám Việt Nam đứt đoạn cho đến đầu những năm 90.

van-hoc-trinh-tham-01-2864-1564377309.jp

Cuốn Răng sử tử của tác giả Yên Ba

Từ những năm 2000, dòng sách khai thác nhân vật tình báo trong nước dần nở rộ với Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên (Hữu Mai, viết về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ), Ông tướng tình báo và hai người vợ (Nguyễn Trần Thiết, viết về thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức), X6 - Điệp viên hoàn hảo (Larry Berman, viết về điệp viên Phạm Xuân Ẩn)… tuy nhiên, những cuốn sách này thiên về hình thức ký chân dung từ nhân vật có thật hơn là một tác phẩm văn học.

Các cây bút thế hệ 7X cũng thử dấn thân với thể loại này như: Di Li (Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7), Nguyễn Xuân Thủy (Sát thủ online, Có tiếng người trong gió), Nguyễn Đình Tú (Phiên bản, Hồ sơ một tử tù, Cô mặc sầu), Bùi Chí Vinh (Những hiệp sĩ Zmen)… nhưng khách quan mà nói không có nhiều tác phẩm hấp dẫn bạn đọc. Nguyên nhân được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra là, so với nhiều thể loại văn học khác, viết trinh thám khó hơn rất nhiều. Nó đòi hỏi người cầm bút không chỉ giỏi trí tưởng tượng, có tài kể chuyện mà còn phải có kiến thức trong nhiều lĩnh vực và am tường nhiều mặt trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, các cây bút 8X, 9X gần như không mặn mà. Độc giả trót yêu thể loại này chỉ có thể tiếp cận từ các tác phẩm dịch. Khoảng trống của văn học trinh thám Việt Nam vì thế, tại thời điểm này gần như chưa có lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn học trinh thám Việt Nam: Cơn khát chưa được giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO