"Mảnh đất" phim nhập khẩu vẫn màu mỡ

KIM VÂN| 11/08/2013 09:44

Thành công ngoài mong đợi của bộ phim Thái Lan Pee Mak (Tình người duyên ma) tại Việt Nam khiến nhiều người chợt nhận ra, mảnh đất phim nhập khẩu vẫn còn hết sức màu mỡ nếu biết cách khai thác.

Thành công ngoài mong đợi của bộ phim Thái Lan Pee Mak (Tình người duyên ma) tại Việt Nam khiến nhiều người chợt nhận ra, mảnh đất phim nhập khẩu vẫn còn hết sức màu mỡ nếu biết cách khai thác.

Đọc E-paper

>> Đạo diễn Trần Anh Hùng: “Điện ảnh là cảm giác”
>> Nhượng quyền điện ảnh: Ngành công nghiệp khổng lồ
>> 8 lý do giới điện ảnh khao khát giải Oscar

Thị trường điện ảnh vài năm trở lại đây phát triển vượt bậc với sự ra đời của nhiều rạp chiếu và số lượng phim được chiếu, kích thích khán giả ùn ùn đến rạp. Đặc biệt vào các ngày cuối tuần, nếu không đặt chỗ trước, sẽ chẳng thể có một chỗ ngồi ưng ý.

Tuy nhiên, với sự "cắm chốt" độc quyền của một số đại gia trong lĩnh vực nhập phim, như: MegaStar và Galaxy chia nhau phát hành các phim đến từ Hollywood (gồm các hãng: Universal, DreamWorks, Warner Bros, Columbia, Summit, Fox, Sony); BHD chuyên phim Hồng Kông, Trung Quốc; còn Lotte thì gắn với phim Hàn, thì dường như "miếng bánh" phim nhập khẩu hầu như đã có chủ.

Vì thế, khi thấy một vài cái tên công ty phát hành phim mới ra đời trong thời gian gần đây như Platinum, A company..., nhiều người không khỏi e ngại các phim lớn, phim thời thượng đã có đơn vị nhập cả rồi, các nhà nhập phim mới còn có thể khai thác gì ở thị trường này nữa? Và con đường mà họ lựa chọn là nhập một số phim "indie" (phim độc lập) của Hollywood cũng như các phim Bollywood, châu Á, châu Âu...

Rõ ràng, đây là một bài toán không đơn giản. Ông Ngọc Quang, đại diện Công ty MVP Platinum, thừa nhận: "Khán giả Việt Nam khi ra rạp phần lớn vẫn muốn xem những phim hành động bom tấn của Mỹ, nên những phim không phải của Hollywood thường gặp những khó khăn nhất định".

Để khắc phục điểm yếu này, các nhà phát hành phim mới tỏ ra khá thận trọng trong việc lựa chọn phim đem về Việt Nam. Họ đã chọn những phim có chất lượng nghệ thuật cao, đã được bảo chứng bởi các giải thưởng quốc tế như: Cloud Atlas, Beast of the Southern wild...

Tuy nhiên, những bộ phim này lại không được khán giả đón nhận vì không dễ xem. Xen kẽ với những phim đầy tính nghệ thuật, các công ty mới chọn cách đa dạng hóa nguồn phim bằng những phim giàu tính giải trí hơn, đến từ nhiều nước, như: The Expendables 2, Olympus has fallen (Mỹ), Race 2 (Ấn Độ), Pee Mak (Thái Lan), Hypnotist (Thụy Điển), Amour et turbulences (Pháp)...

Và họ đã chứng minh được rằng, "mảnh đất" phim nhập còn rất màu mỡ nếu biết cách khai thác. Bộ phim kinh dị hài Pee Mak đã lan tỏa một cách mạnh mẽ như một hiện tượng. Theo nhà phát hành, Pee Mak đã thu về xấp xỉ 20 tỷ đồng tiền vé sau một tháng ra rạp, bằng với doanh thu của bom tấn Avatar khi vào thị trường Việt Nam năm 2009.

Đại diện MVP Platinum khẳng định: "Nếu phim thực sự hẫp dẫn thì hoàn toàn có thể hút khách đến rạp. Trong trường hợp này, phim khởi đầu sẽ chậm hơn do một số rạp chiếu còn e ngại chưa dám nhận, nhưng sau khi đã được kiểm chứng bởi khán giả thì sẽ bùng phát và trụ lại ở rạp lâu hơn".

Vậy, việc ra đời của các nhân tố mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh doanh lâu đời của các "đại gia"? Theo đại diện MegaStar, chính chất lượng phim mới là yếu tố quyết định. Riêng với dòng phim bom tấn, đơn vị này khẳng định lượng khán giả sẽ hầu như không chịu tác động gì. "Dĩ nhiên, khi xuất hiện các nhà phát hành mới, chúng tôi có thêm đối thủ cạnh tranh, nhưng chủ yếu chỉ tác động đến các phim vừa và nhỏ. Suy cho cùng, điều đó sẽ có lợi cho khán giả khi họ có nhiều lựa chọn hơn", vị này nói.

Chưa biết lợi nhuận thu về ra sao, nhưng sự xuất hiện của nhiều nhà nhập phim mới chắc chắn đã mang lại lợi ích cho khán giả khi cung cấp đa dạng nguồn phim hơn thay vì chỉ tập trung vào các phim giải trí của Hollywood, Hàn Quốc, Hồng Kông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Mảnh đất" phim nhập khẩu vẫn màu mỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO