Tăng trưởng bằng mọi giá, cho vay tiêu dùng sẽ nhận trái đắng

TS. ĐỖ HOÀI LINH| 15/05/2018 03:50

Với mức tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao sẽ đẩy mức đầu cơ lên cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; và khi vỡ thì bong bóng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tới tất cả các thành phần trong nền kinh tế.

Tăng trưởng bằng mọi giá, cho vay tiêu dùng sẽ nhận trái đắng

Cho vay tiêu dùng đang phát triển bùng nổ. Tuy vậy, nếu quá thúc ép khách hàng sử dụng sản phẩm vay tiêu dùng khi họ không thực sự có nhu cầu hoặc không có khả năng tài chính hoàn trả thì lĩnh vực này có nguy cơ lặp lại "bánh xe đổ" của bảo hiểm nhân thọ từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước.

Vay tiêu dùng đang rất nóng

Thị trường cho vay tiêu dùng trong vài năm trở lại đây tăng trưởng nhanh chóng. Số lượng công ty tài chính tiêu dùng tăng nhanh, hoàn thiện dần cả về mô hình tổ chức lẫn nghiệp vụ hoạt động.

Đến nay, tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ đạt 18% với dư nợ hơn 1 triệu tỷ đồng trong năm 2017, trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà ở tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất 52,9% và tăng trưởng mạnh nhất tới 76,5%. Cho vay trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại ước tăng lần lượt 6,5% và 35,2%. Số liệu này cho thấy cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang thực sự rất "nóng".

Đối với người tiêu dùng, khi thị trường có nhiều nhà cung cấp thì khách hàng sẽ càng có lợi. Hiện tại, xu hướng cạnh tranh khá rõ giữa các công ty tài chính là giảm lãi suất cho vay cũng như đa dạng hoá các hình thức trả góp lãi suất 0% để thu hút khách hàng.

Ví dụ như trong năm 2015, 60% khách hàng của Home Credit được vay mức lãi suất 0% và chỉ có 25% khách hàng vay với lãi suất 20% - 30%/năm. Bên cạnh cạnh tranh về giá, các công ty tài chính còn đẩy mạnh triển khai cho vay dựa trên nền tảng thuật số, triển khai số hóa và tự động hóa quy trình phục vụ khách hàng. Những điều này sẽ giúp khách hàng nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận khoản vay với chi phí ngày một hợp lý hơn.

Không thể phủ nhu cầu vay tiêu dùng của người dân gia tăng rất mạnh mẽ. Khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi.

Do đó, nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các kênh chính thức như vay mượn người thân quen, vay mượn ngân hàng/công ty tài chính…, người dân sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính.

Do đó, để tín dụng tiêu dùng của các kênh chính thức như ngân hàng/công ty tài chính thực sự đẩy lùi được tệ nạn tín dụng đen thì rất cần những giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn dài hạn từ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ với sự tham gia của nhà nước, ngân hàng và  người dân.

Cho vay phản cảm, người dân sẽ quay lưng

Tổn thất năm 1997 tại Trung Quốc và Thái Lan bắt nguồn từ việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào Bất động sản và Chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt công ty tài chính sụp đổ là bài học kinh nghiệm quý giá cho quá trình vận hành và quản lý các dòng vốn của hệ thống ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riêng.

Tại Việt Nam, năm 2017, tín dụng tiêu dùng cho vay mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm tới 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng, điều này cho thấy dòng vốn vay tiêu dùng đổ vào bất động sản là hiện hữu. Với mức tăng trưởng dư nợ cho vay mua nhà quá cao sẽ đẩy mức đầu cơ lên cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; và khi vỡ thì bong bóng sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tới tất cả các thành phần trong nền kinh tế.

Hiện tại, nhiều khách hàng luôn đề nghị với ngân hàng là vay tiêu dùng, ngân hàng nắm được tài sản thế chấp và quyết định giải ngân, nhưng có trường hợp vay tiêu dùng không cần thế chấp nhưng dòng tiền này lại chạy vào bất động sản và chứng khoán. Không những thế, hoạt động cho vay tiêu dùng thời gian qua xuất hiện hiện tượng biến tướng dưới hình thức cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, từ đó dòng vốn chảy vào bất động sản hoặc chứng khoán. Do vậy, nếu không giám sát thì tín dụng tiêu dùng sẽ có sự biến tướng, nguy cơ tổn thất cho cả xã hội là rất cao.

Ngoài ra, thời gian qua, một số vụ việc liên quan đến công ty tài chính tiêu dùng đã xảy ra như: "lừa đảo vay tiêu dùng lãi suất cao ngất trời", "công ty cho vay tiêu dùng sụp bẫy siêu lừa"…là hồi chuông cảnh báo cho các đơn vị cung cấp sản phẩm cho vay tiêu dùng trong việc quản trị nói chung và quản trị rủi ro nói riêng.

Nếu chỉ quan tâm đến tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá thì về dài hạn các đơn vị này nhận được sẽ là trái đắng. Quá thúc ép khách hàng sử dụng sản phẩm vay tiêu dùng khi họ không thực sự có nhu cầu hoặc không có khả năng tài chính hoàn trả, rồi sau đó dùng các biện ép thúc nợ kiểu xã hội đen thì sẽ tạo ra vết hằn nhận thức không thiện cảm của xã hội với sản phẩm cũng như các đơn vị cung cấp.

Bài học với các sản phảm bảo hiểm nhân thọ từ những năm 90 của thế kỷ trước mà chúng ta đã gặp phải cho thấy khi khách hàng không có thiện cảm thì phải tốn một thời gian rất dài sản phẩm mới có thể tiếp cận được với người tiêu dùng.

(Theo Tri Thức Trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng trưởng bằng mọi giá, cho vay tiêu dùng sẽ nhận trái đắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO