Trong nước

Vẫn còn nhiều lỗ hổng trong đạo đức, lối sống của sinh viên, học sinh

Hồng Nga 08/11/2023 - 14:50

Với sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Ngày 7/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Đảng ủy Đại học Quốc gia TP.HCM; Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM tổ chức tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM”.

toa-dam-2.jpg

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS. TS. Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, các cơ sở giáo dục là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức là thầy, cô giáo và đặc biệt là học sinh, sinh viên, những người chủ tương lai của thành phố và đất nước.

Xác định công tác chính trị tư tưởng trong cơ sở giáo dục đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, trong thời gian qua, Thành ủy TP.HCM đã dành nhiều sự quan tâm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị đối với công tác này.

Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cấp ủy các trường học chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường giáo dục chính trị trong học sinh, sinh viên thông qua công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng trong học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội trong trường học, từng bước củng cố niềm tin, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thế hệ trẻ.

“Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao bản lĩnh chính trị, truyền thống cách mạng, ý thức đạo đức, trách nhiệm công dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan cho biết.

Cùng nhận định này, Ths. Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí-Xuấn bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua gần 20 năm thực hiện đã có sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, có tác động rất tích cực đến học sinh, sinh viên. Điều này thể hiện qua việc học sinh, sinh viên được nghiên cứu tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh một cách bài bản, căn cơ hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, với sự tác động không nhỏ của các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó, có học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bạo lực học đường diễn biến phức tạp với mức độ ngày càng trầm trọng. Quan hệ thầy trò có dấu hiệu suy thoái, tinh thần “tôn sư trọng đạo” không được thể hiện rõ nét . Tình trạng mua điểm, đổi tình lấy điểm, gian lận trong thi cử... đó đây xuất hiện đã làm hình ảnh nhà trường - người thầy và bản thân học sinh, sinh viên bị những vết ố đáng tiếc.

toa-dam.jpg

Cùng với đó, lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà còn là mối nguy về sức khỏe và sự phát triển của giống nòi... Những điều đó diễn ra từng ngày từng giờ.

Không chỉ vậy, với mặt trái của cơ chế thị trường, sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, nhận thức về chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống... của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên bị tác động tiêu cực bởi những gì họ tiếp nhận được mà thiếu một “bộ lọc” cần thiết.

Một trong các nguyên nhân của những biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống của thanh niên là do chúng ta chưa thật sự quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước những biến đổi to lớn của đất nước. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực. Hình thức giáo dục đạo đức, lối sống còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn nhiều hạn chế.

“Vì vậy, việc tiếp tục giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, toàn diện hơn, cụ thể hơn, thuyết phục hơn trong nhà trường càng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đó là cách để thực hiện công tác chính trị tư tưởng một cách thiết thực, có ý nghĩa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trong điều kiện hiện nay”, ông Minh Hải nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và công nhân viên ở các cơ sở giáo dục; Đổi mới phương thức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, Thành ủy TP.HCM trong các cơ sở giáo dục; vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, người đứng đầu các cơ sở giáo dục, trường học…

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 2.341 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông chuyên biệt.

Ngành giáo dục thành phố cũng có 36.837 đảng viên trong nhà trường, trong đó7.059 cán bộ, nhân viên là đảng viên; 26.536 giảng viên, giáo viên là đảng viên; 3.188 sinh viên đảng viên và 54 học sinh là đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn còn nhiều lỗ hổng trong đạo đức, lối sống của sinh viên, học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO