Vẫn còn lấn cấn về quy định chống chuyển giá

PHẠM NGỌC LONG (*)| 28/09/2018 06:25

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Khóa XIV bàn thảo tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10 tới. Nhưng hiện nay, vấn đề cần quan tâm là những quy định về chuyển giá tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20).

Vẫn còn lấn cấn về quy định chống chuyển giá

Quy định này nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia, có lợi nhuận toàn cầu, và đặc biệt là lợi nhuận tại các "thiên đường thuế" với mức thuế suất cực thấp, hay bằng 0.

Nghị định 20 hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều điểm đồng nhất với quy định của nhiều nước. Tuy nhiên, khi thực thi, có nhiều nét riêng, ảnh hướng đáng kể đến nhà đầu tư nước ngoài, nhất là làm gia tăng thủ tục hành chính.

Khi nói đến chuyển giá không chỉ nói về tỷ suất lợi nhuận và phân tích so sánh mà còn phải xem xét đến thực tế kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn thế, các cơ quan thuế cần hiểu rõ về thực tế kinh doanh của doanh nghiệp và có những hành động tương ứng. Cạnh đó, cần sử dụng phương pháp xác định giá thị trường và việc điều chỉnh sau đó dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn. Các doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ các quy định về thuế nên được có cơ hội giải trình.

(Thomas McClelland - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam)

Nghị định 20 quy định về giao dịch mua tài sản liên kết thì phải thu thập tài liệu mà bên liên kết mua từ bên thứ ba để chứng minh giá tại Việt Nam nếu đó là tài sản mới. Với tài sản đã qua sử dụng, phải có hợp đồng, hóa đơn từ thời điểm mua ban đầu để chứng minh.

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam rất bài bản, đương nhiên họ có hồ sơ, hợp đồng và hóa đơn, nhưng tìm một chứng từ của năm trước là không dễ, vì quy mô tập đoàn rất lớn và cách thức lưu giữ hồ sơ, chứng từ mỗi nước mỗi khác. Nhiều nước không yêu cầu lưu trữ hồ sơ nên họ hủy sau mỗi năm, sau khi hoàn tất việc thanh tra.

Đặc biệt công văn hướng dẫn thi hành Nghị định 20 của Tổng cục Thuế đang tạo ra một số khó khăn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, quy định liên quan đến thanh lý tài sản cố định. Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, phải có định giá của cơ quan có thẩm quyền, trong khi điều này không được nêu trong Nghị định 20.

Yêu cầu định giá tài sản thanh lý không phù hợp thực tế, bởi một doanh nghiệp thanh lý nhiều, mua tài sản cố định cũng nhiều. Chẳng hạn thanh lý một cái laptop, rất khó để có văn bản định giá của cơ quan có thẩm quyền. Thêm nữa, quản lý những hoạt động này trên thực tế là không dễ.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xây dựng chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Các quy định này đã được Việt Nam đưa vào Nghị định 20. Nhưng thay vì phải lập một bộ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết hằng năm, Nghị định 20 yêu cầu các doanh nghiệp có hoạt động liên kết tại Việt Nam phải lập và đệ trình 3 báo cáo bao gồm báo cáo quốc gia (Local file), báo cáo thông tin tập đoàn (Master file) và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbCR) của công ty mẹ.

Đã có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, quy định về miễn giảm hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu của Việt Nam là không thực tế. Tại Nhật Bản, các tập đoàn, công ty không phải làm loại hồ sơ này, trong khi hầu hết công ty của họ tại Việt Nam là các công ty con. Nên các yêu cầu này sẽ gây khó cho công ty con tại Việt Nam.

Trên thực tế, kiểm soát thuế không chỉ dựa vào hóa đơn chứng từ, hay điều tra rồi đưa ra mức thuế khoán như hiện nay, bởi có nhiều doanh nghiệp không ở trong lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn có thể kinh doanh. Chính vì thế, giới lãnh đạo ngành tài chính cần nhìn nhận lại bản chất của vấn đề để có những thay đổi, cải tiến trong phương thức kiểm soát thuế.

(*) Tác giả là Giám đốc Dịch vụ thuế và Tư vấn Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam

NGUYỄN HOÀNG ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn còn lấn cấn về quy định chống chuyển giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO