Ưu tiên bố trí quỹ đất và vốn để phát triển nhà ở xã hội
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 34 yêu cầu ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương và địa phương để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, Ban Bí thư yêu cầu đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Đồng thời, hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị.
Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
Bên cạnh đó, Ban Bí thư còn yêu cầu thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập, hoặc trong các dự án nhà ở thương mại tại vị trí thuận tiện về giao thông, gắn với trung tâm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu.
Trong đó, Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội, cũng như có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Ngoài ra, các dự án nhà ở xã hội được yêu cầu phải đa dạng về loại hình, cơ chế, chính sách mua, thuê với giá phù hợp khả năng chi trả cho từng đối tượng thụ hưởng như công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang... Cùng với đó, cần tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê; chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm phù hợp quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương...
Song song đó, chính sách hỗ trợ, ưu đãi phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng; thực hiện tính đúng, đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong xác định nhà ở xã hội.
Về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn cho phát triển mô hình này, Ban Bí thư yêu cầu ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Được biết, Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào 2030. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 195.000 căn nhà ở xã hội và khoảng 374.000 căn được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do nguồn cung loại nhà ở này hạn chế so với nhu cầu thực. Bên cạnh đó, tỷ lệ quỹ đất dành cho nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp, vốn ngân sách cho các chương trình tín dụng phát triển phân khúc nhà này còn thấp, chưa huy động được nguồn lực xã hội.