Ưu đãi thuế cho FDI: Sắc xanh hay sắc xám?

Hải Vân| 17/01/2020 01:00

Tại Việt Nam, các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đang phát huy tác dụng với 21.400 doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp, theo số liệu của Bộ Tài chính. Với các ưu đãi tập trung vào ba lĩnh vực: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và về tài chính đất đai, đã thúc đẩy quy mô khu vực FDI ngày một tăng.

Ưu đãi thuế cho FDI: Sắc xanh hay sắc xám?

Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI từ năm 2011-2017 duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản là 22% và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu là 14%. 

Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách nhà nước của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động. Đơn cử, tốc độ tăng về số nộp ngân sách của khối FDI năm 2017 so với năm 2016 là 7%, thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế là 19,2% và lợi nhuận sau thuế là 22%. Điều này, lý giải một phần việc doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư lớn vào các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó, sự quản lý thiếu chặt chẽ trong cách điều hành và quản trị vẫn hiện hữu, dẫn đến các tác động tiêu cực đối với việc thu ngân sách và giảm nguồn lực tài chính cho chi tiêu của Chính phủ cho các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Do nguồn thu thuế chiếm tỷ trọng đáng kể tại kho bạc của các nước đang phát triển, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của Chính phủ, cùng với sự phức tạp trong thiết kế các ưu đãi thuế, các quốc gia đang phát triển thường phải vật lộn với tác động ngắn hạn và dài hạn của các chính sách đó. 

Link bài viết

Tương tự các nền kinh tế khác, thuế đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của Việt Nam. Trong một nghiên cứu gần đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, thuế đang ảnh hưởng hai chiều: tích cực và tiêu cực, đến lợi ích của nền kinh tế, các cộng đồng, các nhóm lợi ích và mỗi người dân. Việc các sắc thuế đánh vào đâu và đánh bao nhiêu, là một việc làm không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả ý nghĩa chính trị. Trường hợp Chính phủ sử dụng một số biện pháp ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư, tạo việc làm hay khuyến khích sáng tạo, có thể nảy sinh những hệ quả trái kỳ vọng. Cụ thể, nếu Nhà nước đang thiếu ngân sách cho các dịch vụ công, buộc phải cắt giảm dịch vụ công ở các nhóm trong xã hội, hoặc phải đánh thuế cao hơn ở một số nhóm xã hội khác. Cả hai trường hợp này đều gây nên sự thiệt thòi cho một số bộ phận khác trong xã hội, thậm chí tạo ra những bất công mới. 

Các tổ chức như Oxfam hay Liên minh công bằng thuế Việt Nam không bác bỏ việc sử dụng các ưu đãi để thu hút đầu tư, nhưng thực tế chứng minh rằng, hầu hết trường hợp sử dụng ưu đãi thuế, nhất là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đều không bền vững về mặt kinh tế, gây giảm thu ngân sách từ thuế, từ đó tạo ra những méo mó không dự tính được. Thực trạng này đứng trước câu hỏi, việc áp dụng ưu đãi thuế thông qua các chính sách công có giúp thu về những lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế Việt Nam?

Việt Nam trong nhiều năm đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc sử dụng các ưu đãi thuế dễ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đến Việt Nam, là một chính sách công kiên định trong nhiều thập kỷ qua. Mặc dù các chính sách này có đóng góp nhất định vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, nhưng hiện tại vẫn chưa có đánh giá độc lập định kỳ và minh bạch nào về chi phí và hiệu quả thực sự của các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp được thực hiện. Theo báo cáo của Tổng cục Thuế Việt Nam, khoản lỗ thuế từ ưu đãi thuế doanh nghiệp năm 2016 tương đương 86% chi thường xuyên cho y tế, 35% chi thường xuyên cho giáo dục và 5,8% tổng doanh thu của chính năm đó. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá đúng các chính sách công về các ưu đãi thuế doanh nghiệp.

Giai đoạn năm 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam kế thừa quán tính tăng trưởng từ năm 2015 và tiếp tục cải thiện nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài. Ngoài ra, với những cải cách về thể chế của nền kinh tế dần phát huy hiệu quả, trong bối cảnh vị thế của Việt Nam thay đổi tích cực, nhiều nhà đầu tư không còn xem Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực ASEAN, mà thực sự muốn đầu tư tại đây. 

Việc Chính phủ lập báo cáo chi tiêu thuế hằng năm, theo các nhà nghiên cứu, sẽ là một giải pháp hiệu quả, làm sáng tỏ chi tiết cụ thể về các ưu đãi được trao cho các tập đoàn đa quốc gia và thúc đẩy thảo luận về cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách công cơ bản. Vai trò quan trọng của Chính phủ và chính quyền địa phương là xây dựng, thực hiện các chính sách công để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Việc Chính phủ lập báo cáo chi tiêu thuế hằng năm, theo các nhà nghiên cứu, sẽ là một giải pháp hiệu quả, làm sáng tỏ chi tiết cụ thể về các ưu đãi được trao cho các tập đoàn đa quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ưu đãi thuế cho FDI: Sắc xanh hay sắc xám?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO