FPT.eHospital đang được ứng dụng tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước - Ảnh: X.Thảo |
Điều đáng nói là không chỉ sử dụng, các doanh nghiệp Việt Nam đã cho ra đời nhiều ứng dụng AI không thua gì các nước khác.
Len lỏi vào sản xuất, kinh doanh
Hiện tại, AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông... của Việt Nam. Cụ thể, AI giúp tự động hóa khâu giao hàng, kiểm soát giao thông, dự báo nhu cầu khách hàng, quản trị hàng tồn trong ngành bán lẻ. AI cũng giúp xác định bệnh sớm, hỗ trợ các bệnh viện xây dựng "bệnh viện thông minh" khi hoàn toàn không sử dụng giấy tờ. AI giúp các doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, cải thiện dịch vụ phục vụ khách hàng...
Trong lĩnh vực ngân hàng, AI đã được Ngân hàng TPBank ứng dụng để phát triển ngân hàng số. Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc cho biết, TPBank đã sử dụng trợ lý ảo có tên TAio trên Facebook Fanpage từ cuối năm 2017 để nâng chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Khi nhận được câu hỏi từ khách hàng, TAio sẽ phân tích các câu trả lời có sẵn trong hệ thống dữ liệu để phản hồi khách hàng và nếu dữ liệu không đủ, TAio sẽ kết nối với tư vấn viên.
TAio có thể đáp ứng các câu hỏi liên quan đến tài khoản thanh toán, tiết kiệm, sản phẩm vay, eBank cũng như hướng dẫn khách hàng thực hiện một số chức năng như báo khóa thẻ, thẻ mở, mở tài khoản, đăng ký khoản vay. Hiện ứng dụng này đang giúp TPBank phản hồi trên 1,5 triệu khách hàng tương tác trong cùng một thời điểm.
Ở lĩnh vực bán lẻ, các thương hiệu FPT Shop, Thế Giới Di Động, Lotte Mart... đã dùng AI của Insider để dự báo hành vi khách hàng nhằm tiếp cận khách hàng mục tiêu. Insider là nền tảng tiếp thị dựa trên công nghệ AI và máy lọc cung cấp giải pháp tối ưu chuyển đổi và tương tác trên desktop web, mobile web, app và email thông qua nền tảng. Ứng dụng này sẽ phân tích dữ liệu của khách hàng để nhận diện nhóm khách hàng chỉ mua hàng khi có khuyến mãi, nhóm có khả năng mua hàng cao, vòng đời mua hàng.
Trong khi đó, Nguyễn Kim ứng dụng chatbot để phản hồi nhanh, phân luồng để chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại, đặt chỗ, đặt trước sản phẩm. Cũng thông qua chatbot, Nguyễn Kim gửi tin khuyến mãi thích hợp cho từng khách hàng. Theo đại diện của Nguyễn Kim, sử dụng chatbot đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với khi dùng nhân viên chăm sóc khách hàng.
Bảo hiểm cũng là một trong những lĩnh vực ứng dụng AI phổ biến. Hơn một năm qua, Prudential Việt Nam đã dùng Prubot để tiếp nhận thông tin tư vấn khách hàng. Prubot là ứng dụng AI tự động trả lời và xử lý những tình huống được lập trình sẵn nhưng đồng thời không ngừng tự học trong quá trình tương tác với khách hàng.
Prubot tư vấn cho khách hàng thông tin sản phẩm, những chương trình khuyến mãi mới nhất, hỗ trợ khách hàng đặt lịch hẹn với chuyên viên bảo hiểm bất kỳ mà khách hàng muốn, ghi nhận ý kiến khách hàng để chuyển đến trung tâm xử lý dữ liệu của Công ty.
Tạo ứng dụng "made in Vietnam"
Không chỉ sử dụng các ứng dụng sẵn có, các doanh nghiệp Việt cũng đã nghiên cứu và cho ra đời những ứng dụng thông minh không thua gì các nước khác. Các tập đoàn FPT, Viettel, CMC... đang đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu phát triển những giải pháp, thiết bị ứng dụng AI.
Mạnh nhất trong vấn đề này hiện nay là FPT. Trong 5 năm qua, FPT đã dành khá nhiều vốn và nguồn lực cho lĩnh vực này. Tháng 6/2017, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI được "trình làng", dành cho các lập trình viên để tạo ra các giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên, tích hợp vào các nền tảng hội thoại như Facebook Mesenger, các thiết bị thông minh như robot, điện thoại di động, thiết bị điều khiển.
Đầu tháng 9 này, FPT.AI đã ra mắt phiên bản mới với những tính năng vượt trội so với phiên bản cũ. Phiên bản này không chỉ cho phép người tạo bot xây dựng các kịch bản trò chuyện mà còn theo dõi lịch sử trò chuyện, giúp chatbot hiểu và tương tác với khách hàng một cách tự nhiên, thân thiết hơn.
Trong phiên bản mới, FPT.AI cũng bổ sung công nghệ nhận dạng giọng nói cho phép các nhà phát triển chuyển đổi âm thanh thành văn bản. FPT.AI Vision - một môđun mới của FPT.AI cung cấp giải pháp tự động hóa thủ tục hành chính một cách toàn diện bằng cách số hóa và lưu trữ giấy tờ căn bản như chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hóa đơn...
Ông Lê Hồng Việt - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, FPT hiện đang cung cấp nhiều ứng dụng vận dụng AI, như xử lý ảnh thông qua camera đo tốc độ xe, ứng dụng AI trong ngành năng lượng, robot thông minh... Đến nay, đã hơn 7,5 triệu yêu cầu, hơn 2.000 giờ giọng nói được các đối tác của FPT.AI sử dụng và trên 1.000 ứng dụng chatbot được xây dựng trên nền tảng này giúp nâng cao trải nghiệm của người sử dụng trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, ngân hàng, giúp giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp.
FPT cũng đã cung cấp hệ thống quản lý bệnh viện thông minh FPT.eHospital ứng dụng công nghệ AI, phân tích dữ liệu lớn giúp lãnh đạo bệnh viện quản lý hoạt động, số liệu trực tuyến, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử hướng đến bệnh viện thông minh.
Hệ thống này hỗ trợ việc tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh theo hướng nhanh, gọn, chính xác, giảm thời gian và khối lượng công việc hành chính, nâng cao năng suất, hiệu suất bệnh viện. Hiện FPT.eHospital đang được ứng dụng tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước.
Tập đoàn CMC đã đầu tư nghiên cứu các ứng dụng AI, trong đó có Voice Analytics (tổng đài thông minh ứng dụng AI và phân tích giọng nói) được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán lẻ sử dụng. Voice Analytics có thể thay thế nhân sự trực tổng đài hoặc đưa ra những gợi ý sản phẩm ngay lập tức cho khách hàng khi bước chân vào cửa hàng.
Hiện CMC đã ứng dụng AI để phát triển hệ thống giám sát, xử lý sự cố an ninh an toàn thông tin cho một số đơn vị thuộc chính phủ và doanh nghiệp. CMC cũng đã và đang sử dụng AI cho các dịch vụ tài chính, tối ưu hóa dữ liệu và giúp phát hiện những điểm bất thường cho ngành hải quan, ngân hàng, bảo hiểm.