Dù rất hứng thú và quan tâm đến sự trợ lực của công nghệ số trong điều hành hoạt động kinh doanh, nhưng các nhà điều hành doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn cho rằng không dễ ứng dụng các phần mềm quản lý vào hệ thống DN.
Với chủ đề "Xu thế chuyển đổi số trong DN - một số giải pháp ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, quản lý DN hiệu quả”, chương trình Café Doanh nhân - HUBA lần 19 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 24/6 tại khách sạn Rex đã thu hút được sự quan tâm của nhiều chủ DN. Bởi việc ứng dụng này nếu thành công sẽ là giải pháp giúp DN tiết giảm chi phí nhưng gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Ông Hồ Hữu Thắng - Giám đốc Kỹ thuật Cisco Systems Vietnam cho biết: Kết quả cuộc khảo sát 400 DN có doanh số trên 250 triệu USD trên toàn cầu của Hãng Nghiên cứu thị trường Gartner cho thấy, có đến 63% DN mong muốn ứng dụng công nghệ vào DN. Không những vậy, tỷ lệ DN toàn cầu ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã gia tăng thấy rõ qua các năm. Cụ thể, năm 2014 là 22%, năm 2016 đạt 31% và dự kiến đến năm 2019 là 41%.
Tại chương trình Café Doanh nhân - HUBA lần 19, những diễn giả đến từ các DN chuyên cung ứng các giải pháp công nghệ, số hóa cũng đã trình bày những giải pháp mà các DN nước ngoài đã ứng dụng khá thành công.
Đơn cử trường hợp của UPS, một trong những tập đoàn chuyển phát nhanh hàng hóa lớn nhất thế giới, sau khi ứng dụng thành công hệ thống phần mềm "UPS My Choice" (giúp người mua hàng, người giao hàng và DN có thể tương tác với nhau mọi lúc, mọi nơi), họ đã tiết kiệm được hơn 30 triệu lít nhiên liệu/năm.
Theo ông Hồ Hữu Thắng, ngoài UPS, các nhãn hàng lớn như túi xách - phụ kiện Louis Vuitton hay hãng sản xuất máy bay Boeing cũng đều ứng dụng số hóa.
Những viện dẫn này cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng số hóa vào DN là có thật. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch HUBA, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, việc ứng dụng số hóa vào DN chỉ là sớm hay muộn, đặc biệt thời gian tới, khi thế giới đang tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dù rất hiểu vấn đề, song điều ông Việt Anh băn khoăn là công nghệ, máy móc DN có thể mua được, nhưng liệu nhân sự của DN nhỏ và vừa Việt Nam có thể điều khiển được phần mềm, công nghệ?
Cùng quan điểm nhưng ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cũng chia sẻ, Bidrico dù đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, nhưng đến nay ông vẫn phải đích thân giám sát từng khâu một, từ sản xuất nước giải khát, vỏ chai, tổ chức kho bãi, hệ thống phân phối...
Theo ông Hiến, dù bản thân ông hiểu rõ ứng dụng số hóa sẽ giúp ích rất nhiều cho DN, hạn chế được sự ôm đồm công việc cho nhà điều hành, nhưng đến thời điểm này, ông được biết rất nhiều DN lớn tại Việt Nam đã thất bại trong việc áp dụng số hóa vào dịch vụ logistics, hệ thống phân phối. Điều này đã khiến Bidrico phải cân nhắc.
Trước băn khoăn của các DN, đại diện Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, một trong những DN Việt Nam chuyên cung ứng các phần mềm quản lý DN, đã lưu ý, hiện thị trường có rất nhiều ứng dụng quản lý DN, tuy nhiên, khi quyết định đưa ứng dụng số hóa vào DN, các nhà điều hành cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi, tránh sự dàn trải. Cụ thể như ứng dụng DN chọn lựa đem đến những tiện ích gì cho DN? Quy mô, mô hình, hoạt động của DN liệu có ứng dụng được phần mềm DN đã chọn?
Theo lý giải của đại diện Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, vấn đề của các DN Việt Nam hiện nay là vẫn còn mù mờ về tiện ích của việc ứng dụng số hóa. Thế nên, thời gian qua đã có khá nhiều DN sau lần đầu đưa số hóa vào việc quản trị DN không thành công, họ đã không còn thích thú hoặc không còn niềm tin vào việc này nữa.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp DN thực hiện ứng dụng số hóa lần đầu không thành công nhưng họ vẫn kiên nhẫn thực hiện lại lần hai, lần ba cho đến khi thành công. Từ kinh nghiệm thực tế, nhà cung ứng phần mềm này nhận định, nguyên nhân ứng dụng công nghệ số hóa không thành công phần lớn nằm ở nhà cung cấp. Theo đó, vấn đề sẽ càng trở nên khó khăn nếu như DN không hiểu hết tính năng của sản phẩm và bên cung cấp chỉ muốn bán được hàng.
Chính từ những khúc mắc này, đại diện Công ty CP Sao Bắc Đẩu nhấn mạnh, nếu DN muốn việc triển khai ứng dụng số hóa thành công thì phải có sự tương tác giữa người sử dụng, đối tượng tương tác và nhà cung cấp dịch vụ. Hơn thế nữa, bản thân DN muốn áp dụng số hóa thành công thì cần phải có nền tảng ban đầu.
Theo kinh nghiệm khi làm việc với một khách hàng rất lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ, Sao Bắc Đẩu đã phải tìm hiểu kỹ hoạt động của khách hàng để căn cứ vào thực tiễn đưa ra các giải pháp phần mềm trải nghiệm cho khách hàng. Sau quá trình chạy thử nghiệm, hai bên đã cùng nhau giải quyết chi tiết rất nhiều vấn đề liên quan trước khi ứng dụng phần mềm vào thực tiễn. Do đó sẽ không có chuyện DN "nhắm mắt" đặt hàng nhà cung ứng mà không dựa vào thực tiễn hoạt động của DN và giao dịch giữa hai bên vẫn được xem là thành công.