Ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM |
* Đến thời điểm hiện tại, việc chuẩn bị khởi công xây dựng đường Vành đai 3 đã đến đâu, thưa ông?
- UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dân cư trong những khu vực phải giải tỏa và giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chủ đầu tư và thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh thực hiện, đảm bảo bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023 để tổ chức thi công.
* Trong công tác chuẩn bị, ông thấy đâu là khó khăn lớn nhất?
- Việc đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu, đặc biệt là nguồn vật liệu đắp nền đường cho Vành đai 3 là rất khó khăn nên cần phải đặc biệt quan tâm giải quyết. TP.HCM đã thành lập tổ công tác rà soát, điều tra nguồn vật liệu cung cấp cho công trình, có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Hiện nay, tổ công tác đang tổ chức khảo sát, tham mưu các giải pháp đảm bảo nguồn vật liệu cho công trình.
Lãnh đạo TP.HCM xác định xây dựng đường Vành đai 3 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên dành mọi nguồn lực để triển khai đúng tiến độ. Đến nay, khối lượng công việc để khởi công công trình cơ bản đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ và kế hoạch của UBND TP.HCM.
* Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của tuyến đường Vành đai 3 với việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng TP.HCM?
- Hệ thống giao thông, đặc biệt là những tuyến vành đai luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Đường Vành đai 3 hoàn thành sẽ giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông cửa ngõ, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đang khai thác giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe), các tuyến quốc lộ hướng tâm (quốc lộ 1, 13, 22) đều quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.
Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khai thác năm 2025 (giai đoạn 1) với công suất 25 triệu hành khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2024 cùng với việc gia tăng dân số cơ học của TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.
Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn thành phần của dự án Vành đai 3 TP.HCM) |
Do đó, hệ thống đường vành đai TP.HCM là rất quan trọng trong việc tiếp nhận và giải tỏa các luồng xe quá cảnh, giảm tải các tuyến đường nội đô, kết nối với các tỉnh lân cận, rút ngắn thời gian lưu thông, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại, vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đường Vành đai 3 sẽ phát huy tối đa hiệu quả vận tải liên vùng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, kết nối trực tiếp với cảng cạn (ICD) Long Bình, ICD Củ Chi, ICD Khu công nghệ cao, ICD An Sơn (tỉnh Bình Dương), giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông của hành khách và hàng hóa trong và xung quanh TP.HCM, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu từ các khu chế xuất, khu công nghiệp đến các cảng ICD, cảng thủy nội địa...
Đường Vành đai 3 cũng sẽ góp phần mở ra hướng mới về phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM), Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), phát triển thành phố Thủ Đức, Thuận An (Bình Dương), tạo điều kiện phát triển các khu vực nông thôn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Bến Lức (Long An). Tuyến đường này còn là điều kiện quan trọng để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp đã quy hoạch từ lâu, hình thành các quỹ đất lớn để kêu gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; góp phần điều tiết dân cư, giảm áp lực của khu vực nội đô TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai; tác động tích cực đến không gian đô thị và phát triển đô thị bền vững.
* Còn về vai trò liên kết vùng của Vành đai 3, thưa ông?
- Đường Vành đai 3 sẽ kết nối các đô thị vệ tinh của TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á. Tuyến đường này cũng là cao tốc liên vùng, điểm đầu của các tuyến cao tốc hướng tâm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Trung Lương.
Khi tuyến đường đưa vào khai thác, các phương tiện vận tải liên tỉnh không phải đi qua khu vực tập trung đông dân cư, giảm đáng kể thời gian hành trình, chi phí vận tải, hạn chế ách tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Việc xây dựng tuyến Vành đai 3 khép kín sẽ cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, tạo một công cụ hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP.HCM. Theo đó, giao thông hướng Tây Bắc - Đông Nam và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức - Long Thành để tiếp cận cao tốc TP.HCM - Trung Lương; giao thông hướng từ quốc lộ 13 - quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TP.HCM qua đoạn Nhơn Trạch - Tân Vạn. Đường Vành đai 3 sẽ tạo thêm một hướng kết nối giữa TP.HCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP.HCM - Long Thành.
* Cảm ơn ông!
Theo tính toán, để xây dựng Vành đai 3 cần hơn 14,8 triệu m3 vật liệu, trong đó đất đắp nền 1,6 triệu m3, cát đắp nền hơn 7,2 triệu m3, cát xây dựng gần 1,5 triệu m3, đá xây dựng 4,4 triệu m3. Kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, cho thấy nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm, đặc biệt là vật liệu đắp đường và khó đảm bảo cung cấp theo tiến độ xây dựng tuyến đường này. Năm 2023, số vốn cần giải ngân xây dựng tuyến Vành đai 3 dự án 23.000 tỷ đồng, trong đó gần 5.000 tỷ đồng xây lắp và 18.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư. Toàn bộ vốn đã được bố trí đủ cùng tiến độ giải ngân cho từng tháng, từng quý; dự kiến hết quý III tới sẽ giải ngân đạt 72% và hoàn thành 100% vào cuối năm, tạo thành một kiểu mẫu trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. |