Tuần lễ Doanh nhân và Sách: Thôi thúc doanh nhân tới văn hóa đọc và viết sách

Nguyễn Loan| 26/09/2020 08:06

Còn khoảng hai tuần nữa sẽ diễn ra Tuần lễ “Doanh nhân và Sách” năm 2020 (từ ngày 8-14/10/2020), do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam và Công ty TNHH Đường sách TP.HCM tổ chức. Bình luận về sự kiện này, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói:

Tuần lễ Doanh nhân và Sách: Thôi thúc doanh nhân tới văn hóa đọc và viết sách

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, là điều chúng tôi rất mong chờ bởi lần đầu tiên Hội Xuất bản phối hợp với một cơ quan báo chí tổ chức “Tuần lễ Doanh nhân và Sách” tại TP.HCM.

Trước đây, các hoạt động của đường sách thường gắn với các sự kiện chính trị như Ngày Quốc khánh, Ngày Thành lập Đoàn/Đội, Ngày Nhà giáo Việt Nam... Còn lần này, tuần lễ sách là dịp để gắn kết giới doanh nhân với một nhu cầu có thật - đó là văn hóa đọc, tạo cơ hội cho họ đến với những tác phẩm, những trang sách phục vụ nhu cầu đọc và tìm kiếm ích lợi cho công việc, nghề nghiệp. Thông qua viết và đọc sách, họ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, sách còn mang lại bài học kinh nghiệm, phương thức, giải pháp phục vụ cho nhu cầu có thật đối với sự phát triển của đất nước. 

Tuần lễ sách năm nay gắn với nhiều hoạt động hữu ích, là động lực khơi gợi nguồn cảm hứng cho các doanh nhân viết sách phục vụ bạn đọc. Nhiều doanh nhân lớn trên thế giới, ngay cả khi mất đi vẫn để lại cho đời kho tàng vô giá là những cuốn sách đúc kết từ thực tế, những suy luận, bài học có thật trong cuộc đời họ. Giới doanh nhân Việt Nam nhiều người đã viết sách, đó cũng là những tác phẩm tâm huyết về nghề, về đời, về cái tâm của người làm kinh doanh. 

* Ông có thể nói rõ hơn về những hoạt động trong “Tuần lễ Doanh nhân và Sách”, như ý nghĩa của việc bình chọn các đầu sách hay chẳng hạn?

- Có thể nói đây là “tuần lễ vàng” để những người yêu sách, các doanh nhân, các tác giả giao lưu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm ăn, quản trị, văn hóa doanh nghiệp, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con cái, gìn giữ hạnh phúc, bài học ứng xử trong cuộc sống, trong công việc... Xuất phát từ văn hóa đọc, vận động các doanh nhân chọn mua những quyển sách hay, phù hợp để tặng cho các đối tượng là học sinh, sinh viên để từ những cuốn sách đó các em có điều kiện học tập, nhận thức, rèn luyện kỹ năng phát triển bản thân.

Tôi tin rằng, tuần lễ sách là sự khởi đầu cho các chương trình hợp tác giữa Báo Doanh Nhân Sài Gòn, các doanh nhân và những đơn vị, tổ chức đang hoạt động ở đường sách TPHCM tại đường Nguyễn Văn Bình đi vào chiều sâu bằng những việc làm thiết thực, cụ thể cho các tháng sau, năm sau. Để thông qua tri thức, các doanh nhân, những người yêu sách luôn đồng hành với nhu cầu phát triển và tiến bộ xã hội. Chẳng hạn, trong 10 tựa sách hay mà bạn đọc của báo đề cử được công bố dịp này chắc chắn có những cuốn sách nổi tiếng nhiều người biết đến, nhưng cũng có những cuốn sách theo kiểu “thầm thì” về cách nghĩ, cách làm, cách suy tư, trăn trở. Thậm chí có thể là những cuốn sách đơn thuần viết về các hoạt động thiện nguyện. Từ đó để nhận biết xu thế mới của văn hóa đọc, tâm tư của doanh nhân trong cách đọc, lựa chọn sách để đọc. Đọc sách không chỉ để học hỏi, để tìm kiếm tri thức mà còn là niềm vui, sự yêu thích làm nên giá trị của cuộc sống đích thực. Đắc nhân tâm không phải là cuốn sách nói về kinh doanh, quản trị, không đem đến lợi ích cụ thể nhưng được rất nhiều doanh nhân tìm đọc. Bởi nó hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với con người, những bài học khi ứng dụng vào cuộc sống thực tế chính là những vấn đề của văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nhân cũng có cuộc sống như bao người khác. Bên cạnh việc quản lý doanh nghiệp, cơ ngơi làm ăn thì họ cũng phải lo cho gia đình, phải biết cách thức tổ chức cuộc sống, nuôi dạy con cái như thế nào cho tốt, cách ứng xử trong đời sống vợ chồng... Đừng cho rằng cứ sách cho doanh nhân là quản trị, là kinh doanh, là dạy làm giàu. Họ đối diện với muôn mặt đời thường nên nhu cầu đọc, văn hóa đọc cực kỳ đa dạng, phong phú. 

* Chủ đề tuần lễ “Doanh nhân và Sách” năm nay gắn liền với “Đô thị thông minh”. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

- Chủ đề “Đô thị thông minh” mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Đặc biệt được tổ chức vào thời điểm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI. Mặt khác, chủ đề cũng nhằm cổ động, tôn vinh cho mục tiêu phát triển của TP.HCM là xây dựng đô thị thông minh. Với mục tiêu này, những công trình nghiên cứu, sách, tài liệu xây dựng trên nền tảng khoa học, có thông tin, số liệu, có giải pháp cụ thể thông qua tác phẩm. Tuần lễ sách gắn với chủ đề này có thể xem như bức tranh minh họa cho kế hoạch xây dựng TP.HCM trong tương lai.

Sách trong lĩnh vực này cũng rất phong phú, đa dạng để bạn đọc, các doanh nhân có cơ hội trải nghiệm và có kế hoạch hành động cho mình, cho doanh nghiệp của mình ở phân khúc nào trong xây dựng thành phố thông minh. Không chỉ công nghệ cao, thiết bị hiện đại mới là thành phố thông minh mà dựa trên tiến bộ của công nghệ để tạo ra kỳ tích ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, đô thị thông minh phải có con người thông minh, hạ tầng thông minh, nền nông nghiệp thông minh... Những khái niệm như trí tuệ nhân tạo, cách mạng 4.0, điện toán đám mây không còn trừu tượng, nó đang đi vào thực tế mọi mặt của đời sống xã hội bằng những tiến bộ của Internet, của hệ thống dữ liệu và khả năng kết nối. Trong hai năm trở lại đây, sách viết phục vụ phát triển của đô thị thông minh có thể nói tương đối đa dạng và toàn diện. Đó cũng là tiền đề, là định hướng mở ra cho độc giả cái nhìn tổng thể và hệ thống gắn liền với sự phát triển thành phố thông minh. Đồng thời là cơ sở nền tảng cho công tác định hướng, xây dựng các giải pháp căn cơ, đồng bộ và toàn diện của một thành phố hiện đại, văn minh. 

 * Hướng doanh nhân đến với văn hóa đọc, yêu sách, viết sách và kết nối giao lưu cũng là mục tiêu lớn của “Tuần lễ Doanh nhân và Sách” lần này. Quan điểm của ông như thế nào?

- Tên gọi “Doanh nhân và Sách” đã bao hàm toàn bộ nội dung này. Chúng ta không chỉ hướng độc giả, các doanh nhân đến với văn hóa đọc mà còn khuyến khích họ tham gia viết sách và công bố tác phẩm của mình. Đừng nghĩ rằng doanh nhân viết sách chỉ để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu, sản phẩm, bởi thực tế những tác phẩm như vậy cũng sẽ thất bại. Chúng ta không đón nhận những tác phẩm mang tính PR nhưng rất trân trọng tâm huyết của những doanh nhân viết ra những cuốn sách có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Giá trị của những cuốn sách có thể là những bài học bổ ích về cách nghĩ, cách làm, thành công, thất bại. Về cách nhìn nhận con người, vấn đề lãnh đạo, quản trị, về kinh nghiệm vượt khó, về lối sống, tình yêu, gia đình hay những mảng đề tài khác mà họ đã chiêm nghiệm được từ cuộc sống. Tôi tin đó là những bài học có giá trị, những sách nên đọc và khuyến khích đọc.

Đọc sách, viết sách còn mang yếu tố nhu cầu và sở thích, phải có sở trường (tức là khả năng viết lách, khả năng tư duy, đúc kết vấn đề) để thể hiện thông qua ngòi bút của mình. Thậm chí, khi viết được rồi còn tùy thuộc sự đón nhận của độc giả. Có những cuốn sách khi công bố được đón nhận, có những cuốn công bố xong thì cất vào ngăn kéo... 

Khuyến khích doanh nhân đến với sách, đọc sách, tham gia viết sách là việc nên làm và rất có ý nghĩa. Tôi nghĩ Báo Doanh Nhân Sài Gòn nên xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội Xuất bản hoặc các đơn vị liên quan để có những giải thưởng hằng năm về sách viết về doanh nhân hoặc doanh nhân viết sách sẽ là việc làm rất có ý nghĩa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tuần lễ Doanh nhân và Sách: Thôi thúc doanh nhân tới văn hóa đọc và viết sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO