Thực hiện hợp đồng kinh doanh quốc tế: "Thái độ" giá bao nhiêu?

22/10/2016 03:02

Trong kinh doanh không thể tránh khỏi những trắc trở trong thực hiện hợp đồng, nhưng nếu có thái độ đúng mực và đúng cách, DN có thể tránh thiệt hại tiền tỷ.

Thực hiện hợp đồng kinh doanh quốc tế:

Trong kinh doanh không thể tránh khỏi những điều không vừa ý, những trắc trở trong thực hiện hợp đồng, nhưng nếu có thái độ đúng mực và đúng cách, các doanh nghiệp (DN) có thể tránh thiệt hại tiền tỷ.

Nhận định chủ quan của DN ngoại


Một DN thương mại của Việt Nam ký hợp đồng mua một số chủng loại thép cuộn từ DN thương mại của Hàn Quốc. Hợp đồng quy định dung sai + -10%, (chính nguyên nhân ban đầu của tranh chấp). Thực hiện hợp đồng, bên Việt Nam đề nghị Ngân hàng mở thư tín dụng (L/C). Do bên Việt Nam hiểu rằng quy định dung sai +-10% trong hợp đồng để áp dụng cho từng chủng loại thép cuộn nên trong đơn đề nghị mở L/C, họ đã ghi cụ thể dung sai cho từng mã hàng. Tuy vậy, L/C không qui định dung sai trên từng mã hàng mà chỉ quy định dung sai cho tổng khối lượng và giá trị.

DN Hàn Quốc giao hàng, trong đó có mã hàng vượt khối lượng 10%. Ngân hàng phát hành L/C từ chối thanh toán bộ chứng từ vì cho cho rằng chứng từ có sai biệt. Người bán Hàn Quốc, do nhận định chủ quan rằng người mua Việt Nam đã vi phạm hợp đồng, cố ý không nhận hàng khi giá thép trên thị trường nay đã giảm nhiều so với giá vào thời điểm ký hợp đồng nên chỉ gửi thư cho người mua Việt Nam, nhất quyết yêu cầu họ phải chấp nhận bộ chứng từ theo L/C, phải nhận hàng và thanh toán tiền hàng trong thời hạn vài ngày. Ngay sau khi hết thời hạn này, người bán Hàn Quốc đã bán lô hàng cho người khác với giá thấp hơn khoảng 30% và kiện ra Trọng tài đòi người mua Việt Nam bồi thường thiệt hại cho khoản chênh lệch 30% nói trên cùng với các chi phí khác, tổng cộng gần 2 tỉ đồng.

Tuy vậy, Trọng tài chỉ chấp nhận khoảng 800 triệu đồng trong tổng số 2 tỷ đồng nói trên. Vì sao? Vì người bán Hàn Quốc chưa thực hiện hợp đồng một cách thiện chí và hợp tác. Lẽ ra họ cần thông báo cho người mua Việt Nam về ý định và mức giá bán lô hàng cho đối tác khác bởi có thể đạt được thỏa thuận về mức giá này với người mua Việt Nam. Tại Trọng tài, người mua Việt Nam cũng trình bày như vậy, họ tiếc rằng đã không được biết về việc bán hàng giảm giá nêu trên để có thể mua; họ cũng đã phải mua hàng của đối tác khác với giá cao hơn.

Tính toán sai lầm của DN Việt

Nhà sản xuất Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu giày cho DN Singapore trị giá hơn 1 tỷ đồng, giao hàng theo điều kiện FOB cảng TP.HCM theo Incoterms 2010, theo đó DN Singapore là bên thuê tàu để chở hàng. Hợp đồng qui định thời hạn giao hàng từ tháng 6/2016 nhưng lại quy định hết hạn vào ngày 15/6/2016. Thực hiện hợp đồng, bên Singapore đặt cọc 30% trị giá hợp đồng, bên Việt Nam sản xuất xong hàng và sẵn sàng để giao.

Tuy nhiên, khi bên Việt Nam chuẩn bị giao hàng thì bên Singapore thông báo rằng có vấn đề về chất lượng hàng của các lô hàng trước cũng như chất lượng của lô hiện tại nên họ đã hoãn việc đặt tàu vào ngày 6 tháng 6 và lần tiếp theo vào ngày 12/6/2016. Sau khi nhận các thông báo này, bên Việt Nam đã phản ứng, gửi email thông báo tới bên Singapore yêu cầu nếu hoãn giao hàng như vậy thì phải thanh toán nốt 70% trị giá hợp đồng ngay mà không theo thỏa thuận trong hợp đồng nữa.

Theo hợp đồng, việc thanh toán 70% trị giá hợp đồng này được thực hiện 03 ngày sau ngày giao hàng. Bên Việt Nam sau khi không nhận được trả lời đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bên Singapore đã khởi kiện ra Trọng tài đòi bên Việt Nam phải trả số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương khoản đặt cọc này căn cứ quy định về đặt cọc của pháp luật Việt Nam. Trọng tài đã chấp nhận yêu cầu của bên Singapore.

Ở đây, vấn đề là ở chỗ tuy việc tranh cãi về chất lượng dẫn tới hành động hoãn đặt tàu của bên mua song thời hạn thực hiện hợp đồng vẫn còn 3 ngày. Nếu bên Việt Nam kiên nhẫn chờ tới hết ngày 15/6 mà bên Singapore vẫn không điều tàu đến thì sẽ có kết quả ngược lại. Chỉ vì thiếu kiên nhẫn và có phần thiếu hợp tác, bên Việt Nam đã không để ý rằng thời hạn để bên Singapore thực hiện hợp đồng vẫn còn trong khi mình đã tự ý chấm dứt hợp đồng nên đã phải gánh chịu thua thiệt lớn.

Trong kinh doanh không thể tránh khỏi những điều không vừa ý, những trắc trở trong thực hiện hợp đồng. Thái độ hợp tác và thiện chí luôn được đánh giá cao và trong một số trường hợp còn đáng giá tiền tỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực hiện hợp đồng kinh doanh quốc tế: "Thái độ" giá bao nhiêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO