Quyền và trách nhiệm của người lao động tại doanh nghiệp mùa dịch Corona

Thanh Tâm| 04/03/2020 06:00

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, người sử dụng lao động tùy theo tính chất công việc, có thể thỏa thuận với người lao động việc chuyển đến làm việc tại địa điểm khác hoặc làm việc tại nhà.

Quyền và trách nhiệm của người lao động tại doanh nghiệp mùa dịch Corona

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến khó lường, khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và không dễ ước tính được mức độ thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như vậy, trách nhiệm và quyền lợi của người lao động cũng như doanh nghiệp như thế nào? 

Theo TS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, dịch Covid-19 là vấn đề chung của toàn xã hội. Nhưng nếu người lao động lo lắng về dịch bệnh mà tự ý nghỉ việc khi người sử dụng lao động chưa cho phép hoặc chưa có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu người lao động nghỉ việc để đề phòng dịch bệnh lây lan thì sẽ được xem là tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng.

Tại các doanh nghiệp có người lao động đến từ vùng dịch, người lao động thường có tâm lý hoang mang, lo lắng bị lây nhiễm virus Corona nên có thể tự ý nghỉ việc. Nếu ở doanh nghiệp mà có người nghi mắc virus Corona hoặc đến từ vùng dịch mà chủ doanh nghiệp không thông báo cho các cơ quan có chức năng để kiểm tra, cách ly, thì người lao động có quyền từ chối làm việc. Trong trường hợp này, người lao động được hưởng lương như bình thường.

Hiện nay chưa có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho người lao động nghỉ việc vì dịch Covid-19 thì quyền và trách nhiệm của người lao động sẽ thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động tại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Nếu người lao động lo lắng mà tự ý nghỉ việc được xem là nghỉ việc không có lý do chính đáng (căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 126, Bộ Luật Lao động 2012, được hướng dẫn tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 13, Điều 1, Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong năm).

Link bài viết

Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã có buổi trao đổi TS. Nguyễn Vinh Huy - Chủ tịch Hệ thống Luật Thịnh Trí, Phó chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam.

* Đối với quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp thì như thế nào, thưa ông?

- Đối với doanh nghiệp, để kịp thời ứng phó với dịch Covid-19, có thể thỏa thuận với người lao động về thời hạn nghỉ việc nhất định để phòng, tránh. Khoản 3, Điều 98, Bộ Luật Lao động 2012 quy định trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

Như vậy, theo quy định này thì khi người lao động nghỉ việc vì nguyên nhân dịch bệnh sẽ được hưởng nguyên lương. Song điều này chỉ được áp dụng khi có thông báo cho người lao động nghỉ việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Không phải khi gặp thời tiết bất thường thì người lao động được quyền tự ý nghỉ việc hay được công ty cho tạm nghỉ và trả lương tạm nghỉ việc những ngày đó. Người lao động chỉ được nghỉ việc khi được công ty, doanh nghiệp có thông báo cho nghỉ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Việc trả lương phụ thuộc quy chế của công ty và thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Nếu người lao động tự ý nghỉ việc phải tự chịu trách nhiệm. Khoản 2, Điều 140, Bộ Luật Lao động còn quy định, người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị xem là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe và phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp.

Người sử dụng lao động không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc đó hoặc trở lại nơi làm việc đó nếu nguy cơ chưa được khắc phục. Trong trường hợp này, người lao động thông báo với người sử dụng lao động để có thể nghỉ làm mà không bị xem là vi phạm kỷ luật lao động và vẫn hưởng lương như bình thường.

* Trong tình huống dịch bệnh, doanh nghiệp và người lao động có thể có thỏa thuận nào khác phù hợp, đặc biệt đối với những công việc mà người lao động có thể làm tại nhà?

- Hiện tại vẫn chưa có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho người lao động nghỉ việc để phòng tránh dịch Covid-19. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp thì người sử dụng lao động tùy theo tính chất công việc, có thể thỏa thuận với người lao động việc chuyển đến làm việc tại địa điểm khác hoặc làm việc tại nhà.

* Đánh giá hiệu quả công việc tại nhà và cách tính để chi trả thu nhập như thế nào là phù hợp, thưa ông?

- Hiện nay chưa có quy định về việc đánh giá hiệu quả công việc làm tại nhà, nhưng người sử dụng lao động đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá công việc theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động tại hợp đồng lao động hoặc bảng mô tả công việc. Việc trả lương, chi phí cho người lao động làm việc tại nhà sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa người sử lao động và người lao động.

* Ông có thể gợi ý cho doanh nghiệp và người lao động áp dụng thỏa thuận lao động tốt nhất trong tình huống dịch bệnh?

- Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người sử dụng lao động cần yêu cầu người lao động thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo do Bộ Y tế đưa ra. Doanh nghiệp phải niêm yết thông báo, khuyến cáo của Bộ Y tế tại nơi làm việc và yêu cầu người lao động thực hiện. Trong trường hợp thấy có dấu hiệu dịch bệnh thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

* Cảm ơn ông vì những chia sẻ!

· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

· Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: 

Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền và trách nhiệm của người lao động tại doanh nghiệp mùa dịch Corona
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO