Parkson Paragon đóng cửa và bài học về giới hạn trách nhiệm trong kinh doanh

LS. NGUYỄN VĂN LỘC - Chủ tịch LP Group| 05/12/2016 06:10

Gần đây, dư luận đã xôn xao khi các công ty con của Tập đoàn Parkson đóng cửa một loạt khu kinh doanh và phải bồi thường cho Paragon 200 tỷ đồng do hủy ngang hợp đồng.

Parkson Paragon đóng cửa và bài học về giới hạn trách nhiệm trong kinh doanh

Gần đây, dư luận xôn xao khi các công ty con của Tập đoàn Parkson đóng cửa một loạt khu kinh doanh và phải bồi thường cho Paragon (đối tác cho thuê mặt bằng tại TP.HCM) 200 tỷ đồng do hủy ngang hợp đồng. Nhưng, theo thông tin mới nhất từ đại diện của Paragon thì đơn vị này đã không phạt Parkson.

Đọc E-paper

Nhân câu chuyện này, tôi có một số phân tích dưới góc độ pháp lý để doanh nhân Việt Nam hiểu thêm về một số phương thức kinh doanh đang tồn tại trên thực tế. 

Theo tôi, cách hành xử của Paragon với Parkson là khôn ngoan, thu hút cái nhìn thiện cảm từ giới truyền thông và các đối tác tiềm năng. Và, đằng sau câu chuyện này là một vấn đề quan trọng trong kinh doanh mà cụ thể là giới hạn trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu. Có 3 điểm những người làm kinh doanh nên tham khảo để có thể ứng phó khi gặp trường hợp tương tự, qua đó giữ được uy tín và các mối quan hệ lâu dài trên thương trường.

Một là, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, giới hạn nghĩa vụ tài chính của họ trong số vốn kinh doanh (giá trị tài chính của tài sản) thể hiện trên báo cáo tài chính gần nhất. Một công ty đang thua lỗ (bất kể là có thua lỗ thực sự hay không) thì khả năng đảm bảo trả nợ luôn là vấn đề chủ nợ cần cân nhắc, nếu muốn làm căng khi có tranh chấp.

Các loại hình công ty phổ biến như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn đều có thể được các ông chủ sử dụng để giới hạn trách nhiệm tài chính của mình trong kinh doanh.

Hai là, "vô phúc đáo tụng đình". Để xảy ra kiện tụng thường tốn kém cả thời gian lẫn công sức. Đó là chưa kể đến khả năng một bên có thể đề nghị "áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời". Cụ thể, nếu là tranh chấp liên quan đến thuê mặt bằng thì khu vực cho thuê có thể bị phong tỏa cho đến khi vụ án được giải quyết xong. Nếu doanh nghiệp vướng vào tranh chấp dạng này thì thời gian tố tụng ít nhất cũng vài ba năm.

Với trường hợp của Paragon, giả sử vài năm bị phong tỏa, không được cho thuê thì sẽ là sự thiệt hại lớn cả về tài chính và thương hiệu. Hơn nữa, nếu thắng kiện thì mới được tính tiền lãi khi bên thua kiện không trả số tiền đó tại thời điểm có quyết định thi hành án. Đó là chưa kể hàng chục chiêu thức trong tố tụng mà một bên có thể sử dụng để vụ án bị kéo dài, thậm chí đình chỉ giải quyết.

Ba là, nếu bên thuê tuyên bố phá sản thì các khoản tài chính cần giải quyết theo trình tự: thuế, lương nhân viên rồi mới đến các khoản nợ (ưu tiên nợ có bảo đảm được giải quyết trước, nợ không có bảo đảm giải quyết sau). Điều đó có nghĩa nếu vụ kiện kéo dài như đề cập ở trên thì việc bên thuê chấm dứt sự tồn tại hoặc không có khả năng trả nợ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong cuốn sách Pháp lý trong kinh doanh - Nắm luật chơi để chiến thắng trên thương trường tại Việt Nam, tôi đề cập nhiều đến việc các công ty đa quốc gia và cả doanh nghiệp Việt Nam đã tách pháp nhân trước khi triển khai các dự án lớn.

Thậm chí còn có trường hợp lập công ty offshore (công ty được lập ra để thực hiện các mục tiêu chuyên biệt) để... thuận tiện nhiều bề trong kinh doanh, như giới hạn trách nhiệm đối với tài sản của cá nhân, hay sử dụng các công cụ tối đa hóa lợi nhuận (!).

Khoan vội kết luận các đơn vị này tiêu cực. Thực tế cho thấy họ rất am hiểu luật chơi trên thương trường và biết cách tận dụng những lỗ hổng pháp lý để làm lợi cho mình. Và điều mà các chủ doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm là am hiểu pháp luật để tránh bị thiệt hại lớn trong kinh doanh.

>Parkson thoái lui và sự "đổi ngôi" của BĐS bán lẻ

>Bài học về chiến lược thương hiệu từ chuyện của Parkson Paragon

>Gặp khó, Parkson vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Parkson Paragon đóng cửa và bài học về giới hạn trách nhiệm trong kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO