Những lưu ý để nhà đầu tư nước ngoài thành lập phòng khám chuyên khoa tại Việt Nam

LS. Ngô Nhật Minh *| 23/12/2017 07:33

Việc thành lập phòng khám chuyên khoa (PKCK) có vốn nước ngoài đã được quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Những lưu ý để nhà đầu tư nước ngoài thành lập phòng khám chuyên khoa tại Việt Nam

Tuy thế, thực tế các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn gặp khó khăn khi áp dụng. Dưới đây là vài vấn đề cần lưu ý cho thủ tục này:

1. Yêu cầu đối với PKCK

• Về tài chính, cam kết gia nhập tổ chức WTO của Việt Nam quy định dịch vụ khám bệnh là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và yêu cầu NĐTNN có vốn đầu tư tối thiểu là 200.000 USD cho pháp nhân hiện diện thương mại tại Việt Nam khi kinh doanh dịch vụ này;

• Về các kỹ thuật chuyên môn mà PKCK sẽ đăng ký, NĐTNN cần lưu ý việc cấp phép cho các kỹ thuật này sẽ được đánh giá trên nhiều tiêu chí. Ví dụ như việc cấp phép cho kỹ thuật “phẫu thuật ghép giác mạc hai lần trở lên – về chuyên khoa mắt” sẽ do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ và điều kiện trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám sau khi có ý kiến tư vấn của hội đồng chuyên gia.

• Về cơ sở vật chất, NĐTNN cần đáp ứng các diện tích tối thiểu mà pháp luật quy định cho từng loại phòng chức năng trong PKCK theo quy chuẩn kỹ thuật đã ban hành và có sự phân chia riêng biệt giữa các phòng đó.

Thông thường, PKCK mới thường thuê mặt bằng có sẵn để làm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên NĐTNN cần thỏa thuận với chủ nhà để có quyền cải tạo diện tích thuê cho phù hợp với yêu cầu về thiết kế và xây dựng của PKCK mà NĐTNN muốn đăng ký hoạt động.

Mặc khác, một số NĐTNN thường tận dụng địa điểm thuê để vừa làm địa điểm kinh doanh PKCK vừa làm nơi ở sinh hoạt của gia đình để giảm thiểu chi phí, nhưng cần lưu ý rằng pháp luật yêu cầu các diện tích này phải tách biệt với nhau.

• Về thiết bị y tế, PKCK nên có các thiết bị y tế phù hợp với phạm vi chuyên môn sẽ đăng ký cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của PKCK (Giấy Phép) để giới thiệu cho cơ quan Nhà nước trong các buổi thẩm định cơ sở vật chất hoặc đánh giá khả năng thực hiện chuyên môn kỹ thuật để có phê duyệt phù hợp.

2. Nhân sự được đăng ký ban đầu

Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là các yếu tố quan trọng để được xem xét cấp Giấy Phép. Tuy nhiên, NĐTNN cần lưu ý thêm rằng:

• Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của PKCK thường là bác sĩ trực tiếp thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh. Luật yêu cầu người này phải có văn bằng chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, giấy xác nhận quá trình thực hành và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Ngoài ra, một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một PKCK duy nhất.

• Bác sĩ đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của PKCK được đăng ký làm việc ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên cùng địa bàn tỉnh nhưng tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2012.

• Bác sĩ là người nước ngoài làm việc tại PKCK cần có giấy phép lao động, hợp đồng lao động ký với PKCK và giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo. Trường hợp chưa biết tiếng Việt thành thạo thì phải có người phiên dịch.

• Yêu cầu đối với người phiên dịch là có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch phù hợp với ngôn ngữ mà bác sĩ nước ngoài đăng ký sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và có hợp đồng lao động với PKCK.

3. Các thủ tục giấy phép để thành lập PKCK

Sau khi chuẩn bị đủ các yêu cầu nêu trên, NĐTNN cần thực hiện các bước như sau để được cấp phép thành lập PKCK:

• Bước 1: NĐTNN đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư cho việc thực hiện dự án PKCK. Cơ quan có thẩm quyền là Sở kế hoạch và đầu tư nơi đặt PKCK sẽ cấp phép cho NĐTNN trong vòng 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

• Bước 2: NĐTNN đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp (đồng thời là PKCK). Sở kế hoạch và đầu tư tại nơi đặt PKCK sẽ cấp trong vòng 3 ngày làm việc.

• Bước 3: PKCK đề nghị cấp Giấy Phép. Sở y tế (SYT) nơi đặt PKCK sẽ cấp Giấy Phép này trong vòng 90 ngày làm việc.

Tại bước này, SYT sẽ thực hiện 2 thủ tục là (i) thẩm định cơ sở vật chất tại PKCK và (ii) tổ chức buổi họp hội đồng chuyên môn kỹ thuật của SYT thẩm định phạm vi chuyên môn đăng ký hoạt động và danh mục kỹ thuật theo đề nghị của PKCK, với sự trình bày của người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật PKCK.  

Ngoài ra NĐTNN cần lưu ý thêm:

• Các tài liệu được cấp ở nước ngoài phải được hợp pháp lãnh sự và dịch sang tiếng Việt, bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;

• Các tài liệu về đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, hợp đồng xử lý chất thải y tế và rác thải sinh hoat, xác nhận về điều kiện phòng cháy và chữa cháy tại PKCK cần chuẩn bị sẵn sàng tại Bước 3 ở trên; và

• Văn bằng chuyên môn do bên nước ngoài cấp cho bác sĩ thường không liệt kê chi tiết những kỹ thuật chuyên môn mà bác sĩ được đào tạo hoặc phát hành thành một chứng chỉ riêng lẻ, điều này có thể gây khó khăn cho PKCK khi thuyết phục hội đồng chuyên môn kỹ thuật của SYT rằng bác sĩ đã được đào tạo hoặc có khả năng thực hiện các chuyên môn kỹ thuật đã đăng ký để được phê duyệt.

Tác giả là Luật sư tại BLaw Vietnam Company Limited - Được viết cùng Hồ Vương Quốc Sử)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những lưu ý để nhà đầu tư nước ngoài thành lập phòng khám chuyên khoa tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO