Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như thế nào?

S.T| 05/12/2019 04:56

Trọng tài thương mại với tư cách là một cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án đã và đang góp phần không nhỏ vào sự ổn định của hoạt động thương mại. Vậy trọng tài thương mại là gì? Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ra sao?

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như thế nào?

Trong hoạt động làm ăn, kinh doanh, việc tranh chấp là điều đôi khi không thể tránh khỏi. Khi tranh chấp xảy ra, các bên sẽ cố gắng giải quyết bằng thương lượng, hòa giải, nhưng nếu thương lượng, hòa giải không thành, các bên phải làm thế nào để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của mình? Cho đến nay, với đại đa số người dân và doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm về trọng tài thương mại (TTTM) còn khá mới mẻ. Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Ngọc - Tổng giám đốc Hệ thống Luật Thịnh Trí xung quanh phương thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM.

* Xin ông cho biết rõ hơn về khái niệm của TTTM?

- Khoản 1 Điều 3 Luật TTTM năm 2010 có quy định: “...TTTM là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận ...”; và Khoản 2 Điều 3 Luật TTTM: “...Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh...”. 

Như vậy, để có thể đưa tranh chấp ra giải quyết trước hội đồng trọng tài, các bên cần phải có một thỏa thuận trọng tài. Và thỏa thuận trọng tài đại diện cho ý chí của các bên rằng, họ muốn tranh chấp được giải quyết theo phương thức trọng tài. Thỏa thuận trọng tài thường là một điều khoản trong hợp đồng giao kết giữa các bên hoặc cũng có thể là một văn bản độc lập (như phụ lục hợp đồng, thỏa thuận, hay dẫn chiếu một điều nào đó trong quy chế điều lệ của các bên...), thỏa thuận trọng tài có thể có trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Việc này có nghĩa là thỏa thuận trọng tài có thể được các bên ký kết ngay trong hợp đồng ban đầu (lúc chưa phát sinh tranh chấp), cho đến khi xảy ra tranh chấp thì các bên có thể thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng cho dù trước hoặc sau tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài phải được thống nhất giữa hai bên bằng văn bản. 

Nôm na hơn, trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. TTTM là một hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, được thực hiện bởi Hội đồng trọng tài hoặc một trọng tài viên duy nhất với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết tranh chấp bằng việc đưa ra một phán quyết trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên tranh chấp và có hiệu lực bắt buộc với các bên.  

* Những tranh chấp thương mại như thế nào có thể giải quyết thông qua trọng tài, thưa ông?

- Điều 2 Luật TTTM về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài gồm:

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp giữa các bên mà pháp luật được giải quyết bằng trọng tài.

* Quy trình giải quyết tranh chấp bằng TTTM được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng TTTM như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực... thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài.

Bước 1: Nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo

Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ(theo Điều 35 Luật TTTM 2010)

Bước 3: Thành lập Hội đồng trọng tài

Bước 4: Hòa giải (theo Điều 58 Luật TTTM 2010)

Bước 5: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp (theo Điều 55 Luật TTTM 2010)

Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết

* Theo ông, vì sao các doanh nghiệp còn khá dè dặt với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng TTTM?

Trong những năm qua, số vụ tranh chấp thương mại được giải quyết bằng TTTM đã được phát triển, đội ngũ trọng tài viên cũng không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, bức tranh về TTTM tại Việt Nam vẫn chưa thật sự khởi sắc khi phương thức này chỉ giải quyết số lượng rất nhỏ trong tổng số tranh chấp thương mại. Đầu tiên, phải nói là do thói quen, tập quán của thương nhân Việt Nam còn tin tưởng tòa án hơn trọng tài. Bên cạnh đó, cũng do những quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều thiếu sót, chồng chéo, chưa rõ ràng cụ thể. Luật TTTM năm 2010 mặc dù đáp ứng phần nào yêu cầu thực tế song sau một thời gian đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều thiếu sót, bất hợp lý. Hơn nữa, trình độ trọng tài viên ở Việt Nam đều là những người kiêm nhiệm trong lĩnh vực thương mại. Cho nên, một số trọng tài viên còn chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, các tranh chấp thương mại ngày càng phức tạp, nhất là tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

* Trường hợp các bên đã ký thỏa thuận của một Trung tâm TTTM cụ thể nhưng khi tranh chấp phát sinh, hai bên tranh chấp có thể thỏa thuận khởi kiện tại Trung tâm TTTM khác được hay không?

- Khoản 2 Điều 3 Luật TTTM quy định: “...Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh...”. Việc này có nghĩa là thỏa thuận trọng tài có thể được các bên ký kết ngay trong hợp đồng ban đầu (lúc chưa phát sinh tranh chấp), cho đến khi xảy ra tranh chấp thì các bên có thể thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, nhưng cho dù trước hoặc sau tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài phải được thống nhất giữa hai bên bằng văn bản. Việc phát sinh tranh chấp nếu các bên muốn lựa chọn một trung tâm TTTM khác phù hợp hơn đối với tranh chấp của các bên thì vẫn có thể thỏa thuận lựa chọn trung tâm TTTM khác. 

* Trường hợp nào thì thỏa thuận trọng tài bị xem là không thể thực hiện được?

- Căn cứ Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTM, thỏa thuận trọng tài bị xem là không thể thực hiện được trong các trường hợp:

+ Trung tâm trọng tài nơi các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không có thỏa thuận thay thế trung tâm trọng tài khác;

+ Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên thỏa thuận lựa chọn từ chối tham gia giải quyết hoặc trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định trọng tài viên và các bên không có thỏa thuận thay thế;

+ Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp không thể tham gia giải quyết tranh chấp thương mại vì sự kiện bất khả kháng hoặc các trở ngại khách quan khác; hoặc tòa án không thể tìm được trọng tài viên đáp ứng yêu cầu của các bên và các bên không có thỏa thuận thay thế; 

+ Điều lệ trung tâm trọng tài các bên chọn không cho phép về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế nhưng các bên lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác;

+ Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, mặc dù điều khoản trọng tài đã được thỏa thuận, người tiêu dùng vẫn được sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.

Do đó, một bên đối tác chỉ có thể kiện đối tác công ty kia ra tòa án nếu chứng minh được thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp vô hiệu hoặc không thể thực hiện được nêu trên đây. 

• Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

• Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: 

Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO