4 giải pháp phát triển mô hình đại lý thuế

ThS. NGUYỄN ĐỨC NGHĨA - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP.HCM| 05/09/2016 09:16

Đại lý thuế là mô hình hỗ trợ thu nộp thuế khá phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình này vẫn còn sơ khai, cần được tạo điều kiện để phát triển.

4 giải pháp phát triển mô hình đại lý thuế

Đại lý thuế (ĐLT) là mô hình hỗ trợ thu nộp thuế khá phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình này vẫn còn sơ khai, cần được tạo điều kiện để phát triển.  

Đọc E-paper

Dịch vụ ĐLT có vai trò rất quan trọng trong hệ thống thu nộp ngân sách nhà nước. Đối với người nộp thuế, ĐLT hỗ trợ người nộp thuế hiểu và thực thi đúng nghĩa vụ thuế thông qua việc làm thủ tục kê khai, quyết toán, hoàn thuế theo quy định của pháp luật. Đối với cơ quan thuế, ĐLT sẽ làm giảm khối lượng công việc của cơ quan thuế bởi sự chuyên nghiệp của các nhân viên ĐLT.

Có thể nói, ĐLT là cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Về tổ chức, ĐLT được quản lý bởi chế độ thi cấp chứng chỉ hành nghề và đăng ký đại lý hằng năm của Bộ Tài chính. ĐLT đã nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý thuế địa phương, được giúp đỡ về mặt nghiệp vụ, danh sách ĐLT cũng đã được niêm yết trên trang web của Bộ Tài chính và chi cục thuế địa phương, góp phần vào nỗ lực phát triển của các ĐLT trong giai đoạn hình thành.

Tuy nhiên, để mô hình ĐLT phát triển, cần có thêm một số giải pháp sau:

1. Bổ sung chức năng tư vấn thuế

Tư vấn thuế là công việc rất quan trọng và cần thiết đối với doanh nghiệp (DN). Đây có thể được xem là nghiệp vụ cốt lõi và đồng thời với kê khai, quyết toán thuế. Với khả năng và kinh nghiệm sẵn có, các ĐLT có đầy đủ khả năng để hoàn thành tốt chức năng này.

2. Kiểm tra quyết toán thuế cho DN nhỏ và vừa

Thông tư 80/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Quản lý thuế về đăng ký thuế, quy định về thời gian cơ quan thuế ngừng cấp mã số thuế, kiểm tra, quyết toán thuế cho DN quy định: "Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc quyết toán nghĩa vụ thuế từ người nộp thuế, cơ quan thuế tiến hành kiểm tra quyết toán thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành".

Đây là một thách thức đối với cơ quan thuế trong điều kiện về nhân sự, thiết bị và hệ thống thông tin như hiện nay. Trên thực tế, có một số đơn vị nộp hồ sơ xin quyết toán giải thể trong thời gian dài vẫn chưa được xếp kế hoạch quyết toán.

Tuy nhiên, tình trạng chậm trễ này có thể được khắc phục nếu cơ quan thuế chia sẻ công việc cho các ĐLT. Bởi vì ĐLT là cơ chế do pháp luật thuế công nhận, tạo lập và quản lý nhằm hỗ trợ cho ngành thuế và xã hội trong lĩnh vực thuế. Các ĐLT có đầy đủ nhân lực và trình độ nghiệp vụ để quyết toán thuế cho DN.

Người thực hiện nghiệp vụ thuế là các nhân viên được đào tạo bài bản về thuế, thể hiện bằng chứng chỉ hành nghề do Bộ Tài chính công nhận qua kỳ thi quốc gia. Đồng thời, ĐLT có thể còn được xem xét bổ sung chức năng quyết toán năm, theo kế hoạch và ủy nhiệm của cơ quan thuế. Việc bổ sung chức năng này đối với các ĐLT là phù hợp và tạo điều kiện nâng cao vị thế, vai trò của ĐLT đối với xã hội.

3. Thực hiện nghiệp vụ ủy nhiệm thu

Khoản 8 Điều 9 Luật Quản lý thuế quy định về quyền hạn của cơ quan quản lý thuế: "Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số khoản thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ”. Do đó, cần bổ sung chức năng của ĐLT là thực hiện ủy nhiệm thu như đối với việc thu cước phí của các công ty điện thoại, điện, nước, internet, truyền hình cáp... đang làm hiện nay.

Theo đó, ĐLT thực hiện thanh toán trước cho người nộp thuế (tại khu vực ĐLT đặt trụ sở, số tiền thuế nhỏ hơn 10 triệu đồng) tại cơ quan thuế, ngân hàng, kho bạc..., sau đó tiến hành thu thuế theo ủy nhiệm và cấp cho người nộp thuế chứng từ thu tiền thuế theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Hằng tháng, ĐLT có trách nhiệm quyết toán ấn chỉ thuế với cơ quan thuế và được hưởng 0,5 - 1% số tiền thu được.

4. Vấn đề đào tạo, huấn luyện

TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình ĐLT vì đây hiện là khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ và năng động, có số lượng dân cư, đơn vị kinh doanh và người nộp thuế nhiều, các cục thuế có đội ngũ mạnh mẽ, nghiệp vụ cao, hệ thống thông tin tốt, trình độ hiểu biết và tuân thủ pháp luật của dân cư tiến bộ, có số lượng người có chứng chỉ hành nghề thuế và số lượng ĐLT đông đảo...

Do đó, yêu cầu về việc quản lý các đơn vị ĐLT tại Cục Thuế TP.HCM là tất yếu khách quan, nhằm hỗ trợ phát triển ĐLT hiện tại và lâu dài. Các ĐLT cần được xem như một bộ phận của hệ thống thu nộp ngân sách, hỗ trợ cơ quan thuế và người nộp thuế, thế nên các ĐLT cần được huấn luyện, đào tạo thường xuyên hằng quý, hằng năm để nâng cao nghiệp vụ, cập nhật chính sách pháp luật về thuế nhằm thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn.

Việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế bằng việc phát triển hệ thống ĐLT chuyên nghiệp là rất cần thiết. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý về thuế cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đối với ĐLT. Đồng thời tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của các ĐLT, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kê khai và tư vấn thuế, là vấn đề không thể thiếu để tạo niềm tin nơi xã hội đối với hệ thống ĐLT sơ khai hiện nay.

>Khuyến khích nộp thuế qua đại lý thuế

>Đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa sẽ còn 110h/năm

> Vì sao doanh nghiệp ngại nộp thuế điện tử?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 giải pháp phát triển mô hình đại lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO