Từ tơ lụa đến Silicon - Câu chuyện về toàn cầu hóa thông qua 10 cuộc đời lạ thường là câu chuyện chưa từng kể về toàn cầu hóa. Nó xoay quanh 10 nhân vật đã làm cho thế giới chúng ta nhỏ lại và gắn kết với nhau hơn. Thành tựu của họ không chỉ kịch tính trong thời đại họ sống mà còn đang tiếp tục định hình thế giới ngày nay của chúng ta.
Tác giả Từ tơ lụa đến Silicon (From Silk To Silicon) - Jfeffrey E.Garten - nguyên là hiệu trưởng và giảng viên dạy về kinh tế toàn cầu tại Trường Quản trị Yale (Mỹ), Thứ trưởng phụ trách thương mại và mậu dịch quốc tế trong chính quyền Clinton, giám đốc điều hành của các tập đoàn Blackstone Group và Lehman Brothers ở Wall Street.Nguyên tác: From Silk To Silicon - Tác giả: Jeffrey E.Garten -
Nguyễn Tuấn Việt dịch - NXB Trẻ giữ bản quyền tiếng Việt
Garten là người chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất lịch sử Anh Quốc - cựu Thủ tướng Winston Churchill, với câu nói để đời “Càng nhìn xa ra phía sau thì ta càng thấy xa ở phía trước”, nghĩa là, khi ta nhìn lui thật xa vào quá khứ thì việc đó sẽ cho ta những góc nhìn tốt hơn rất nhiều vào những mẫu hình lâu dài của lịch sử. Đó là lý do mà khi bàn về toàn cầu hóa, ông lại đi sâu vào việc nghiên cứu một số nhân vật mà việc làm quả cảm của họ đã tạo ra bước nhảy vọt khổng lồ cho nhân loại.
Tác giả cho rằng, việc hiểu các nhân vật trung tâm của quá khứ cũng quan trọng như một phần máu thịt của lịch sử. Nếu không tập trung vào những cá nhân đặc biệt, chúng ta sẽ không thấy sự khác biệt mà những người này đã tạo ra khi họ chọn cách hành động này mà không chọn cách khác. Chúng ta sẽ bị tước đi cái khả năng so sánh các lãnh đạo đương thời với các lãnh đạo trước họ. Điều đó sẽ chẳng khác nào nghiên cứu một cuộc chiến mà không suy xét đến các động cơ, quyết định, và sự thành bại của các tướng lĩnh chóp bu.
Nhân vật mà Garten chọn là những người đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau. Thứ nhất, họ phải là những lãnh đạo tạo ra sự chuyển hóa. Nói cách khác, họ phải thực sự làm thay đổi thế giới. Các lãnh đạo tạo ra sự chuyển hóa không đổi chác thứ này lấy thứ khác, thành tựu của họ không phải là kết quả của việc mặc cả hay thương lượng, và họ cũng không phát minh ra một thứ gì độc đáo. Họ thay đổi hình thái đang thịnh hành trong tổ chức xã hội. Họ làm dấy lên hy vọng về những con lộ thênh thang của văn minh. Họ mở ra những con đường cao tốc để nhiều người khác cùng đi.
Thứ hai, họ là những người có thể khắc họa như “nhà tiên phong”. Đó là những người khởi đầu, những người đang ở tầng trệt của một xu thế mạnh mẽ đã bén gốc hay một trào lưu có tác động vượt bậc đối với thế giới. Họ đóng vai trò dẫn dắt trong một giai đoạn quyết định của toàn cầu hóa, ví dụ: thám hiểm những vùng đất mới, tìm kiếm những kho tàng mới, mở rộng lãnh thổ cai trị, hạ thấp các hàng rào truyền thông và thương mại, truyền bá công nghệ mới và quy trình công nghiệp mới ra khắp thế giới.
Ngoài ra, họ cũng là “người làm” chứ không phải “người nghĩ”. Tác giả lý giải cho tiêu chí này: “Tôi gác sang bên các triết gia lớn như Karl Marx, các nhà khoa học đáng kính như Marie Curie hay các nhà kinh tế cổ điển như Adam Smith, mặc dù những người này đều rất quan trọng. Chúng ta thường quá coi trọng sức mạnh của ý tưởng mà không nhìn nhận đầy đủ tầm quan trọng của việc áp dụng tại chỗ một cách hiệu quả. Thực sự, việc tạo ra những đột phá thuần túy bằng trí tuệ thường chỉ là phần dễ làm trong các chuyển đổi lớn”.
Trên cơ sở những tiêu chí đó, các nhân vật lịch sử mà tác giả chọn bao gồm:
1/ Thành Cát Tư Hãn – người tình cờ xây đế chế
2/ Hoàng tử Henry – nhà thám hiểm tạo ra khoa học khám phá
3/ Rober Clive – gã lưu manh dâng Ấn Độ cho đế chế Anh
4/ Mayer Amschel Rothschild – bố già của ngân hàng toàn cầu
5/ Cyrus Field – nhà tài phiệt nối mạng Đại Tây dương
6/ John D.Rockfeller – người khổng lồ dựng nên ngành công nghiệp năng lượng và cũng khai sinh hoạt động bác ái toàn cầu
7/ Jean Monner – nhà ngoại giao tái tạo châu Âu
8/ Margaret Thatcher – “bà đầm thép” làm hồi sinh thị trường tự do
9/ Andrew Grove – người đứng sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba
10/ Đặng Tiểu Bình – nhà lãnh đạo thực dụng cải cách Trung Quốc
Những lời khen tặng dành cho From silk to Silicon: “Đây là câu chuyện toàn cầu hóa và lãnh đạo, vừa bao quát mà cũng vừa cá biệt. Bằng cách tập trung vào mười nhân vật tạo biến đổi, nó cho thấy cá nhân có thể ảnh hưởng thế nào đến tiến trình lịch sử. Đây là cuốn cẩm nang cho tương lai và cho cả quá khứ” - Walter Isaacson, tác giả cuốn Steve Jobs, Einstein và Benjamin Franklin Từ tơ lụa đến Silicon là một tuyệt tác hàng đầu, bàn về lịch sử nghiêm túc. Từ một lượng lớn sự kiện dẫn chúng ta từ thời kỳ tăm tối đến tận thế kỷ XXI, Garten đã chỉ ra một cách thuyết phục việc những cá nhân đã thực sự làm nên lịch sử của mình và làm thay đổi vĩnh viễn mọi thứ ra sao. Tác phẩm cung cấp những điển hình cho các trường kinh doanh, những bài học cho các CEO và những khoảnh khắc đọc sách vui thú cho tất cả mọi người” - Paul Kennedy, tác giả Sự trỗi dậy và sụp đổ của các siêu cường (The Rise and Fall of the Great Powers) Bằng cách phác họa những bức chân dung sống động của 10 “nhà hành động” có tầm nhìn, từng định hình nên ngàn năm lịch sử của nối kết toàn cầu, Garten cung cấp một bối cảnh phong phú để ta suy nghĩ về những thách đố chính sách dữ dội ngày nay. Những trang sách này không chỉ vang vọng những tin tức hôm nay mà còn dạy ta rất nhiều về tầm quan trọng của tinh thần sáng tạo, sự quyết đoán, việc dám gánh chịu rủi ro và sự bền gan trong hoạt động lãnh đạo hiệu quả” - Robert Rubin, đồng Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. |
>>Quản trị sự thay đổi: Bài học cho mọi CEO