Việt Nam đang tham gia vòng đàm phán mới Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh cam kết mở cửa hoàn toàn vào năm 2018.
Vòng đàm phán mới Hiệp định TPP dài 4 ngày, bắt đầu từ 12/5, tại TP.HCM, thảo luận những vấn đề được cho là hóc búa nhất, như quyền sở hữu trí tuệ, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thuế suất…
Đàm phán cần tập trung vào các mặt hàng chưa có tính cạnh tranh cao |
TPP gồm 12 nền kinh tế chiếm gần 40% GDP thế giới. Việc có thêm Nhật Bản sẽ tạo ra một khu vực kinh tế, với Mỹ là trung tâm, trong bối cảnh EU và Trung Quốc là các trung tâm kinh tế khác. Các nước nhỏ sẽ tham gia cả 3 trung tâm này, vô hình chung tạo ra một dạng Doha mới.
Đến nay, nội dung đàm phán các chương trong TPP là bí mật, song một nguồn tin riêng cho biết, “nó rất gần với FTA Mỹ - Hàn Quốc”. Đây là điểm đặc biêt quan trọng đối với Việt Nam vì đang là nước gia công, nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu.
Văn bản dự thảo TPP dày khoảng 2.000 trang, đề cập đến nhiều lĩnh vực, đầu tư, thương mại, dịch vụ, mua sắm chính phủ. TPP cũng đề cập đến những lĩnh vực mới, về nghiệp đoàn, lao động. Những lĩnh vực này có ý nghĩa lớn với Việt Nam vì là nước có mức phát triển thấp nhất trong TPP.
TPP là tự do hóa cạnh tranh, giảm rào cản giữa các nước tham gia. Vì vậy, một tỷ lệ lớn nội dung các chương đều quy định về thực thi, cơ chế, chế tài giải quyết tranh chấp. Điều này được cho là sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm hơn khi kinh doanh tại Việt Nam.
TPP có tiêu chuẩn cao, hầu hết các dòng thuế được giảm và xóa bỏ. TPP không đề ra các tiêu chuẩn khác nhau cho các nước có trình độ phát triển khác nhau, song có thời hạn áp dụng cho các nước đang phát triển.
Trong 12 nước tham gia TPP, Việt Nam ở mức độ phát triển thấp nhất nhưng là nước được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn, với các lý do:
Một là, Việt Nam sẽ được tiếp cận vào các thị trường lớn, như Mỹ, Nhật Bản...
Hai là, TPP là một hiệp định cấp khu vực và rất đa dạng. Điều này cho phép Việt Nam đặt mình vào vị trí trung tâm trong mạng cung của khu vực.
Ba là, TPP sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy công cuộc cải cách mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi.
Bốn là, TPP giúp Việt Nam trở nên khác biệt trong khu vực. Với các nhà đầu tư quốc tế, TTP như một “phiếu tín nhiệm” với Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin riêng, trong quá trình đám phán, Việt Nam chỉ tập trung vào dòng thuế các mặt hàng đang xuất khẩu, có sức cạnh tranh thay vì tập trung nhiều hơn cho các mặt hàng chưa có tính cạnh tranh cao.
Đó là, những mặt hàng Mỹ, Nhật mua nhiều mà Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều, để sau khi TPP được ký, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu được các mặt hàng này. Ví dụ, mặt hàng hoa, xem có vẻ không hấp dẫn song hàng năm Mỹ vẫn phải chi một khoản không nhỏ để nhập khẩu từ châu Phi.
TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng CIEM, từ Hà Nội cho rằng, về tổng thể, TPP tương thích, phù hợp với cách tư duy, nỗ lực của Việt Nam trong cải cách nền kinh tế cho hiệu quả hơn. Nhưng nó cũng gây áp lực lớn và mạnh hơn, nhất là khi người Việt vẫn có thói quen “nước đến chân mới nhảy”.
Việt Nam muốn là một phần của thế giới, muốn đi cùng thế giới, muốn tiến kịp thế giới, theo TS. Võ Trí Thành, “Chọn lựa ấy là cần thiết và không có cách chọn lựa khác”.
Xuất khẩu sẽ phát huy rất mạnh, cùng với đó là cải cách môi trường đầu tư sẽ tăng tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Vào WTO, thời kỳ năm đầu tiên cũng như vậy.
Không phải ngẫu nhiên Chính phủ Mỹ hy vọng với TPP, Mỹ sẽ dần trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, dù hiện nay, nền kinh tế Mỹ đã gấp 140 lần Việt Nam.
Trong lịch sử chưa có tiền lệ một nước nhỏ tham gia FTA với một nước lớn mà không thu lại lợi ích gì. Đôi khi tác động của hành vi này không thể dự đoán được, nhất là với những hình thức hợp tác mới.
Ngay cả khi chưa thể nhìn trước lợi ích, nhưng tham gia TPP, Việt Nam sẽ xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nhiều hơn, nhập khẩu rẻ hơn, kết nối được chuỗi sản xuất, tăng lợi ích tổng thể, lợi ích cho phát triển.
Trong khó khăn, Việt Nam đã dám “chơi” một cách chủ động với thế giới, dù biết rằng cạnh tranh sẽ mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo TS. Thành, để tận dụng cơ hội này, “Việt Nam phải thay đổi nội tại nhiều hơn trong khi năng lực chưa mạnh, nguồn lực chưa nhiều”.
Và qua quan sát quá trình đàm phán, ông cho rằng: “Vẫn còn những băn khoăn trong quá trình đàm phán, đòi hỏi linh hoạt hơn một chút, thời gian nhiều hơn một chút để chúng ta có thể thực hiện được”.