Truyện tranh lịch sử: Mưa dầm thấm lâu!

QUÝ YÊN| 07/12/2014 04:05

Ngày càng có nhiều tác giả lựa chọn truyện tranh làm phương tiện giáo dục lịch sử cho giới trẻ.

Truyện tranh lịch sử: Mưa dầm thấm lâu!

Ngày càng có nhiều tác giả lựa chọn truyện tranh làm phương tiện giáo dục lịch sử cho giới trẻ. Nếu như thời gian trước cách làm này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn thì nay lại được đón nhận. Sự kiên trì của ngành xuất bản đã trở thành những "cơn mưa dầm", dần dà chinh phục những độc giả nhí vốn khó tính và mau chán.

Đọc E-paper

17 năm gây dựng nền tảng

Khoảng 17 năm trước, khi bộ truyện Lịch sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ ra đời, những người làm giáo dục đã tỏ ra hào hứng. Bởi, dưới sự chủ biên của tác giả Trần Bạch Đằng, đây là bộ sách lịch sử "mềm" nhất thời điểm đó.

Vừa kể chuyện sử nước nhà một cách ngắn gọn, Lịch sử Việt Nam bằng tranh còn có những hình ảnh minh họa chi tiết về đời sống, trang phục... của người Việt cổ nên bộ sách nhanh chóng trở thành tài liệu không thể thiếu trong thư viện các trường học.

Suốt 17 năm, tần suất tái bản của bộ sách này luôn đều đặn, đồng thời "xuất ngoại" sang Pháp, Mỹ... và được cộng đồng người Việt ở nước ngoài đón nhận. Bộ truyện đã tạo nên một kỷ lục và là niềm tự hào của riêng NXB Trẻ.

Thành công của Lịch sử Việt Nam bằng tranh phần nào khơi lên xu hướng làm truyện tranh về sử Việt theo cách mới. Nguyên nhân là vì bộ truyện được hoan nghênh nhưng ở phía bạn đọc nhí, những hình ảnh lẫn cách kể chuyện quá "chính thống" lại kém sức hút với đối tượng độc giả đặc biệt này.

Điển hình là Truyện hay sử Việt của Phan Thị, NXB Kim Đồng ấn hành. Ấn bản hơn 30 tập của Truyện hay sử Việt kể lại lịch sử Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng, Ngô, Lý, Tiền Lê, Trần, Tây Sơn, Nguyễn, Hồ... Khác biệt của Truyện hay sử Việt là nét vẽ Chibi và lối kể chuyện hiện đại. Lý giải nguyên nhân, phía Phan Thị cho rằng cách làm này nhằm tạo sự gần gũi, thu hút độc giả đến với kiến thức về lịch sử.

Cũng chọn truyện tranh làm công cụ kể chuyện lịch sử, mới đây, Đông A đã cho ra đời bộ sách tranh Hào khí Đông A, giới thiệu triều Trần (1125 - 1400), triều đại đã ghi dấu ấn trong lịch sử dân tộc với nhiều chiến công oanh liệt.

Bộ sách lần lượt viết về 10 tên tuổi lừng lẫy nhất của triều Trần là Thái sư Trần Thủ Độ, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Thượng tướng Trần Khát Chân, Huyền Trân Công chúa...

Hướng tới các bạn đọc nhỏ tuổi, bộ sách lựa chọn hình thức vẽ tranh minh họa nội dung. Màu sắc, nét vẽ... đều gần gũi nhằm giúp bạn đọc nhí cảm nhận rõ hơn không khí của một thời đại đã xa.

Tiếp làn gió cũ

Nhà thơ Lê Minh Quốc, đồng tác giả của Hào khí Đông A cho biết, dù đã viết nhiều tác phẩm dã sử nhưng khi bắt tay vào làm truyện tranh lịch sử cho trẻ em lại là một trải nghiệm khác, phải tuân theo chính sử để truyền tải kiến thức nên phải bỏ nhiều công sức đầu tư cho nội dung.

Một khó khăn khác khi làm truyện tranh lịch sử là vấn đề hình ảnh. Thiếu tư liệu về phục sức của người Việt trong từng thời kỳ nên việc tái hiện hình ảnh rất khó xác thực. "Đó cũng là "khổ nạn" của mọi ngành nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh... Khi nhìn về trang phục cũ, chúng ta vẫn còn rất lờ mờ vì chưa có nghiên cứu chuẩn xác", nhà thơ chia sẻ.

Đồng quan điểm, Tú Uyên, biên tập viên NXB Trẻ cho biết, thiếu tư liệu lịch sử, trong quá trình làm sách, đội ngũ biên tập phải đi ra nước ngoài để tìm sử liệu, tốn rất nhiều công sức.

Đáng mừng là khó từ khâu nội dung đến hình ảnh nhưng truyện tranh lịch sử vẫn là niềm đam mê của các đơn vị làm sách. "Vấn đề là phải tìm ra nhiều hình thức khác nhau để đưa lịch sử đến với trẻ em", Võ Hoài Sâm, biên tập viên của bộ sách Truyện hay sử Việt, chia sẻ.

Chị tiết lộ, một trong những hình thức khác mà Phan Thị chọn lựa là Tô màu lịch sử. Bộ sách này dành cho bạn đọc từ 3 - 6 tuổi, vẫn là những nét vẽ Chibi phá cách nhưng lại dành không gian cho bạn đọc tô màu.

Khi "làm đẹp" cho nhân vật, bạn đọc nhỏ cũng sẽ nhận diện được Hai Bà Trưng, Huyền Trân Công chúa hay Lê Lai, Lê Lợi... Tuy chưa công bố kế hoạch phát hành cụ thể nhưng Tô màu lịch sử sẽ có thể lên kệ sách trong năm 2015.

Tiếp bước Hào khí Đông A, năm 2015, bộ sách Danh tài đất Việt, giới thiệu các danh nhân văn hóa của Việt Nam, cũng sẽ ra mắt bạn đọc. Nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn chịu trách nhiệm về mặt nội dung.

Không dừng lại ở đó, đơn vị sở hữu kỷ lục về truyện tranh lịch sử là NXB Trẻ cũng đang rục rịch những bước cuối cùng để có thể cho ra đời 5 tập tiếp theo của bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh, nhằm kể về chiều dài lịch sử Việt Nam đến thời Nguyễn.

Tiết lộ từ NXB Trẻ, những tập tiếp theo của bộ truyện này cũng tuân theo cách làm cũ, liên kết với đội ngũ chuyên gia của Đại học Mỹ thuật để đảm bảo về mặt hình ảnh. "Năm tập sách này là bước thăm dò, nếu phản ứng từ phía bạn đọc tốt, chúng tôi sẽ tiếp tục làm truyện tranh lịch sử đến giai đoạn cận và hiện đại", biên tập viên Tú Uyên tiết lộ.

>Truyện tranh thể hiện chủ quyền biển đảo
>Cơ hội nào cho thị trường truyện tranh Việt Nam?
>
Truyện tranh nội - gia công ngoại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyện tranh lịch sử: Mưa dầm thấm lâu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO