"Xin đừng hờn ghen…”

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện| 27/10/2011 09:14

Điều khiến ông trở nên thân thiết với người trẻ không phải là những phân tích về thị trường, những chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, mà lại là “tài lẻ”. Ca khúc Xin đừng hờn ghen với hình ảnh đẹp, tiết tấu mượt mà, ca từ đầy chất thơ của ông đang được sinh viên chuyền tay nhau.

Khi gõ cụm từ khóa “Lê Viết Hải” trên Google sẽ thấy kết quả hiển thị trên các trang kinh tế và nhiều nhất là trên các diễn đàn của sinh viên, đặc biệt là diễn đàn của sinh viên Huế. Điều khiến ông trở nên thân thiết với người trẻ không phải là những phân tích về thị trường, những chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, mà lại là “tài lẻ”.

Ca khúc Xin đừng hờn ghen với hình ảnh đẹp, tiết tấu mượt mà, ca từ đầy chất thơ của ông đang được sinh viên chuyền tay nhau. Trong những buổi sinh hoạt, tiếng guitar của họ bập bùng, ngân nga: “...Người là cả rừng sâu, xin đừng ghen với một chiếc lá. Người là cả trời cao, xin đừng ghen với một vì sao. Người là cả đại dương, xin đừng ghen với một giọt nước. Người cướp trọn hồn tôi, sao còn ghen với người xa xôi...”.

Người Việt chăm chỉ

* Là một thương hiệu lớn trong thị trường xây dựng tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang trải qua thời kỳ khó khăn, Hòa Bình sẽ phát triển như thế nào?

Hòa Bình nằm trong hệ thống của cả nền kinh tế, cũng khó tránh khỏi khó khăn chung. Tuy nhiên, chính sách kiên định bảo đảm cam kết với chất lượng cao của dịch vụ thi công xây dựng đã tạo nên lợi thế cho Hòa Bình, đặc biệt trong thời gian này.

Sự thành công của dự án Sân bay Quốc tế Cần Thơ một lần nữa khẳng định vị thế của thương hiệu Việt trong ngành xây dựng trong nước.

Hòa Bình đã được các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá cao đối với các dự án khách sạn 5 sao, khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng, khu phức hợp thương mại - căn hộ - văn phòng cao cấp.

Một mặt, Hòa Bình củng cố và phát triển thị trường trong nước, mặt kia đang đặt những bước đi vững chắc tại thị trường nước ngoài.

* Tại sao ông lại chọn cách “đem chuông đi đánh xứ người”trong thời điểm hiện tại? Có phải quá sớm không khi ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam còn non trẻ?

Thật ra, năng lực và trình độ kỹ thuật của xây dựng Việt Nam đã có những thành tựu vượt bậc trong thời gian qua khi có sự hội nhập vào kinh tế thế giới. Các công trình như Keangnam Hanoi Landmark Tower, Times Square hay tổ hợp Khách sạn - văn phòng - căn hộ cho thuê cao cấp Kumho Asiana cùng nhiều công trình cao cấp khác cũng đều được xây dựng bởi các kỹ sư và công nhân Việt Nam.

Người Việt Nam chúng ta rất chăm chỉ và ham học hỏi, nên chúng ta đã có thể chủ động trong tất cả các khâu thi công xây dựng. Dự án khách sạn 5 sao Le Meridien tại TP.HCM do Hòa Bình làm nhà thầu chính đã khẳng định năng lực của nhà thầu trong nước, chính thức xoá bỏ thế độc quyền của các nhà thầu nước ngoài tại các công trình yêu cầu kỹ mỹ thuật cao, quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế.

Điều này đã tiếp thêm sức cho công ty tự tin vươn ra nước ngoài. Dự án Sri Petaling tại thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia đã đánh dấu sự khởi đầu của thương hiệu Việt trên thị trường xây dựng dân dụng quốc tế.

Hòa Bình đã chọn Malaysia là thị trường phát triển quốc tế đầu tiên vì đây là một thị trường có nhiều tập đoàn bất động sản với nguồn lực tài chính rất mạnh.

Thời gian gần đây, sau Singapore, thị trường bất động sản của Malaysia đang phát triển rất nhanh. Sự phát triển ổn định của bất động sản Malaysia trong thời gian dài sẽ tạo thêm sức mạnh cho nguồn doanh thu ngoại tệ của Hòa Bình trong thời gian tới.

* Qua một thị trường hoàn toàn mới, ông thấy khó nhất là gì?

Khó nhất là vượt qua được sức ì tâm lý. Sức ì tâm lý vừa là rào cản do sự tự ti với năng lực của mình, cũng vừa là sự hạn chế khả năng tư duy sáng tạo mà trong quản trị tiếng Anh hay nhắc đến “Nghĩ khác”.

Khi thị trường trong nước khó khăn, ai cũng phải tập trung để tồn tại và phát triển. Chính sự tập trung quá mức này sẽ dễ khiến chúng ta bỏ qua những cơ hội xung quanh.

Để vượt qua được sức ì này, cần phải hội đủ các điều kiện: năng lực thật sự, đồng thuận nội bộ, và hỗ trợ của đối tác. Điều lo lắng nhất là rủi ro tài chính khi phát triển thị trường mới.

Rõ ràng, nếu chỉ có hai yếu tố đầu thì khó đảm bảo lợi nhuận. Yếu tố thứ ba trở nên rất quan trọng, đặc biệt trong thời gian ban đầu. Hòa Bình đã chọn được một đối tác có tiềm lực tài chính dồi dào, kinh nghiệm phát triển bất động sản gần 25 năm, quỹ đất vị trí trung tâm, nguồn dự án triển khai liên tục ổn định trong 10 năm.

Và đặc biệt, đối tác đã tìm thấy ở Hòa Bình những điểm cộng hưởng nguồn lực để có thể yên tâm cam kết đảm bảo lợi nhuận cho Hòa Bình trong những dự án đầu tiên.

8T và trách nhiệm xã hội

* Người ta thường nói xây dựng uy tín chứ ít ai nghĩ đến việc tích lũy uy tín?

- Yêu cầu trong xây dựng rất nhiều và phức tạp. Do đó, trong việc tạo dựng uy tín, cả tập thể phải đồng lòng để công việc Hòa Bình nhận phải đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn, đúng tiến độ và đúng chất lượng. Để làm được điều này không phải chỉ cần có quyết tâm là đủ.

Khi đã tạo dựng được uy tín thì cũng phải xây dựng hệ thống quản lý uy tín. Tôi gọi đó là quá trình tích lũy uy tín cho mình. Chính thức hoạt động bài bản từ năm 1997 đến nay, 14 năm trên thương trường, có những lúc Hòa Bình cũng không đáp ứng được công việc do những điều kiện khách quan, nhưng chúng tôi luôn thiện chí, nỗ lực để uy tín mà cả tập thể gắng công xây dựng và gìn giữ không bị phá hủy.

* Đây là một trong những quy tắc bất thành văn của ngành xây dựng hay là cách nghĩ của người kỹ lưỡng như ông?

- Gia đình giáo dục tôi như thế: cẩn trọng, kỹ lưỡng và tôn trọng người khác. Do đó, mình phải làm hết vai trò và trách nhiệm của mình, không để đối tác phiền lòng.

Nói về nghề, những quy tắc ấy là điều bất cứ doanh nghiệp nào cũng hướng đến. Tất nhiên, làm được đến đâu thì còn tùy thuộc vào nỗ lực của từng người. Bởi vì, làm nên một công trình là cả một tập thể với rất nhiều thành phần góp sức vào.

* Đặc thù của ngành là đội ngũ nhân lực phần đông không có trình độ văn hóa cao. Hành xử nhỏ nhẹ, chừng mực như ông làm thế nào quản lý được họ?

- Đúng là phần đông nhân lực mà tôi quản lý không có trình độ học vấn cao nhưng công ty có cách thức để hành xử với họ. Giáo dục ý thức và các kỹ năng như giao tiếp, ứng xử... là điều doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện mà không cần phải có biện pháp hà khắc. Tôi luôn tin “lạt mềm buộc chặt”.

Tuy với quy mô hàng chục ngàn người, rồi đội ngũ thầu phụ..., nhưng chưa có nhân viên nào của Hòa Bình bị kỷ luật, sa thải vì vi phạm các quy định chung. Tuy nhiên, tôi thừa nhận, làm được điều này không dễ dàng chút nào, mà rất cần sự kiên trì của lãnh đạo.

* Phải mất bao lâu ông mới thiết lập được nền tảng ấy?

- Có lẽ là ba năm sau ngày chính thức thành lập công ty. Đến nay, bộ khung quản lý của Hòa Bình đã thực sự hoàn chỉnh với nguyên tắc 8T, gồm những tiêu chí như: tận tâm, trung thành, tận tình, tự trọng, cầu tiến, thấu hiểu, tương trợ, phục tùng...

Thiết lập và hoạt động theo bộ khung 8T nhưng không phải nhờ các tiêu chí này mà doanh nghiệp có thể đi vào nề nếp và phát huy được sức mạnh. Tôi có niềm tin là cuộc sống có quy luật riêng của nó. Chỉ cần tìm được sự cân bằng này thì việc điều khiển những hoạt động xung quanh mình sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

* Nhưng, khó mà tìm thấy sự cân bằng khi nhìn hai bức tranh đối lập với một bên là sự phát triển của kinh tế, của doanh nghiệp và một bên là sự xói mòn của thiên nhiên, sự thiếu thốn của nhiều người lao động?

- Bên cạnh đạo lý, sự gắn bó hữu cơ giữa doanh nghiệp và xã hội luôn tồn tại. Chính vì sự tồn tại của hai bức tranh đối lập đó mà xã hội đang kêu gọi doanh nghiệp cần có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn. Tôi nghĩ, đó là cách mà cuộc sống đang thiết lập sự cân bằng. Doanh nghiệp chỉ tồn tại khi xã hội phát triển và ổn định.

* Đó chính là lý do ông từ chối lời kêu gọi từ các chương trình từ thiện?

- Như đã nói, tôi hướng đến sự cân bằng trong cuộc sống nên đã xác định, trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Hòa Bình. Tuy nhiên, Hòa Bình tổ chức đội ngũ làm công tác xã hội của riêng mình để có thể chủ động và hoạt động hiệu quả hơn, tài trợ đúng đối tượng và không hào nhoáng trong khâu tổ chức. Học bổng Lê Mộng Đào mà chúng tôi đang triển khai là một ví dụ.

* Nhưng việc chi hơn 300.000 cổ phiếu cho quỹ học bổng này, thời điểm trước đây thì hấp dẫn nhưng với tình hình giá trị cổ phiếu không còn được như xưa thì liệu có gây khó khăn cho công ty?

- Ngoài lợi tức từ cổ phiếu, tôi khuyến khích mở rộng nguồn thu của quỹ học bổng này để có kinh phí thực hiện nhiều hoạt động hơn. Cán bộ, công nhân viên của Hòa Bình, các công ty con... đang nhiệt tình đồng hành cùng quỹ học bổng. Tuy nhiên, tôi không muốn dừng lại ở đó, mà đang kêu gọi cả đối tác của mình cùng tham gia.

Góp công, góp sức cho xã hội, tôi nghĩ mình sẽ không phải nhận những cái lắc đầu. Ước mơ của tôi là quỹ học bổng Lê Mộng Đào làm được điều mà cha tôi ấp ủ: tiếp sức cho giáo dục Việt Nam.

Giọt đàn tưới mát tâm hồn

* Mời thân phụ làm chủ tịch danh dự của công ty lúc ông cụ còn sinh thời, nay lại xây dựng quỹ học bổng mang tên cụ. Có vẻ ông dành rất nhiều tình cảm cho cha?

- Cha là người truyền nghị lực cho tôi trong suốt hành trình của mình. Ngoài ảnh hưởng cá nhân, ông cụ còn là người thầy lớn nhất của tôi. Ông có hơn 16 năm làm Hiệu trưởng Trường Bồ Đề ở Huế, rồi do tham gia phong trào sinh viên học sinh nên ông bị cắt chức. Đưa gia đình vào Sài Gòn, ông lại gồng gánh nuôi 11 đứa con khôn lớn, thành người.

Tôi nhớ, ngày đó gia đình tôi nghèo lắm, chẳng được ăn ngon, mặc đẹp và phải tiết kiệm từng đồng, nhưng cứ hễ người ở quê ra, cần giúp đỡ là ông lại hết mình đến mức hy sinh cả những thứ quan trọng trong nhà.

Tư tưởng cống hiến, phục vụ xã hội của ông khiến tôi buộc mình phải chín chắn trong các quyết định có liên quan đến người khác. Tôi chọn giáo dục để thực hiện nhiệm vụ xã hội của Hòa Bình cũng vì điều đó.

* Ngoài nghị lực, người ta vẫn cần cảm hứng để thăng hoa trong cuộc sống?

- Với tôi, nghị lực là quan trọng hơn cả bởi tôi rất yêu cuộc sống này. Cảm hứng từ cuộc sống là đề tài bất hủ và hơn hết, tôi còn có âm nhạc.

* Nhưng ông vẫn “gói” các sáng tác của mình trong công ty, trong khi bên ngoài có rất nhiều sân chơi dành cho nhạc sĩ chuyên lẫn không chuyên?

- Mỗi người đều có sở trường. Khi vẫn còn chưa trọn vẹn với nhiệm vụ chính là kinh doanh, tôi nghĩ mình không nên đi xa hơn mục đích chính. Bản thân những người sáng tác, khi tác phẩm của mình được nhiều người biết đến thì quả là niềm vui lớn nhưng riêng với tôi, âm nhạc có con đường riêng của nó. Nếu sáng tác đó hay, nó sẽ đến được với công chúng bằng cách này hay cách khác.

* Lúc ông gảy đàn, cất giọng hát quả thực là rất khác với khi ông trò chuyện?

- Với âm nhạc, tuy không phải là sở trường nhưng giúp tôi tự tin hơn rất nhiều. Âm nhạc mang đến cho tôi sự thư thái, tưới mát tâm hồn tôi, xóa đi những căng thẳng thường nhật và cho tôi cảm hứng để sáng tạo. Tôi vui khi ôm đàn, tôi hạnh phúc khi sáng tác.

Nói như vậy không có nghĩa là bình thường tôi không tự tin đâu nhé. Cả gia đình tôi đều ăn nói nhỏ nhẹ và tôi chưa bao giờ thấy phong cách đó gây trở ngại cho công việc.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Xin đừng hờn ghen…”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO