TS. Lý Quí Trung - Giáo sư kiêm nhiệm và Cố vấn cấp cao Trường Đại học Western Sydney, Úc: “Tôi thích chia thời gian làm việc của mình ở cả hai quốc gia”

Lữ Ý Nhi| 04/03/2022 01:00

Dù TS. Lý Quí Trung đang đảm trách nhiều vai trò, như doanh nhân, diễn giả, giảng viên đại học nhưng nhắc đến ông, nhiều người  nhớ ngay đến Phở 24 và gọi ông là "cha đẻ của Phở 24". Nhiều năm sống và làm việc tại Úc, ông dành thời gian viết sách, viết báo, chia sẻ quan điểm, góc nhìn trên các diễn đàn và trang Facebook cá nhân. Có người nói, cuộc đời của ông có hai cái nghiệp lớn nhất là kinh doanh và viết sách. Xem ra, ông cũng thích thú khi được nói đến cái nghiệp của mình như thế.

Chọn doanh nhân Lý Quí Trung cho chuyên mục Trò chuyện doanh nhân số Tân niên, Doanh Nhân Sài Gòn mong muốn chia sẻ của ông sẽ truyền thêm cảm hứng cho các doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ tinh thần khởi nghiệp mới, kinh doanh mới, đặc biệt là triết lý sống sau những trải nghiệm, thành công, thất bại... 

tro-chuyen-1-1546-1646195875.jpg

TS. Lý Quí Trung trải lòng: "Có quá nhiều điều để nói về những trải nghiệm và suy nghĩ của người từng làm kinh doanh. Nếu phải chọn ra một vài ý chính thì tôi muốn nói rằng kinh doanh là con đường đầy cam go nhưng cũng đầy hấp dẫn, từ tinh thần đến vật chất. Đôi lúc, lằn ranh giữa sự nghiệp kinh doanh có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho xã hội và sự nghiệp kinh doanh bị cuốn theo ma lực của đồng tiền nhiều khi thật là mong manh.

Khởi nghiệp trong thời kỳ biến động do đại dịch Covid-19 như hiện nay là rất khó khăn nhưng khá thú vị. Vì như ai cũng biết, càng nhiều khó khăn thì càng nhiều cơ hội, càng biết sức mình đến đâu. 

Vấn đề ở chỗ là khởi nghiệp lúc này phải nhạy bén, sáng tạo, dũng cảm và bản lĩnh. Ngay cả khi vấp ngã thì cũng phải biết cách ngã về phía trước, chứ không phải về phía sau! Vì ngã về phía sau là chấm dứt, trong khi ngã về phía trước là tiếp diễn và có thể bật dậy. 

Trong sự nghiệp kinh doanh, tôi từng vấp ngã nhiều lần, nhưng bây giờ điểm lại thấy vẫn có lãi, lãi trong cuộc sống, trong sự nghiệp, trong gia đình". 

* Ông từng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Có người bạn thân vui miệng nói, 5 năm trước anh đừng đi Úc có hay hơn không, vì bao nhiêu cơ hội phải bỏ qua. Tôi trả lời, bây giờ mà cho làm lại từ đầu thì mình vẫn làm như vậy". Vì sao vậy thưa ông?

- Tôi ít khi nghĩ về cơ hội bị bỏ qua mà nghĩ nhiều về cơ hội mình có được, hoặc cơ hội sắp tới. Thời gian sống và làm việc tại Úc vừa qua cho tôi nhiều trải nghiệm và kiến thức vô cùng quý giá. Về mặt kinh doanh, tôi như một doanh nhân Việt đi Úc du học, được tai nghe mắt thấy, được sống hòa mình trong môi trường kinh doanh tại đây thông qua việc mở hai nhà hàng Việt Nam. 

Liên quan đến giáo dục, tôi lại có cơ hội bước chân vào môi trường đại học chuyên nghiệp, hiện đại tại Úc như một giáo sư, một cố vấn cấp cao. Còn về mặt gia đình thì tôi đã làm được nhiều điều mà trước đây chưa bao giờ làm được. Không có gì to tát, tôi có cơ hội nấu ăn, làm vườn, chơi thể thao, đưa đón con đi học và dành nhiều thời gian với gia đình hơn.

Còn nhiều thứ khác nữa, nhưng nhìn chung tôi rất hài lòng về những gì mình có được trong thời gian bứt ra khỏi công việc kinh doanh tại Việt Nam. Suy cho cùng, cái được và cái mất luôn đan xen với nhau, tất cả là tùy vào những ưu tiên mà mình chọn lựa ở mỗi thời điểm. 

* Ra đi để trở về. Có lẽ ông là người thấu hiểu câu nói này và nó cũng có giá trị đối với ông khi nhìn lại quê hương mình...

- Đúng ra tôi chưa bao giờ thật sự ra đi vì lúc nào cũng hướng về quê hương. Bằng chứng là tuy đã sống và làm việc tại Úc, nhưng trang Facebook cá nhân của tôi toàn viết bằng tiếng Việt để chia sẻ với bạn bè, cộng đồng tại Việt Nam. Còn trong công việc hằng ngày tại Úc, hễ thấy cái gì hay là tôi tự hỏi liệu mình có thể chia sẻ hay giới thiệu cho Việt Nam hay không. 

Cũng tự nhiên thôi, nước lúc nào cũng chảy về xuôi, người Việt lúc nào cũng nghĩ về đất nước. Và tôi muốn con cái của mình cũng vậy, luôn hướng về quê hương, ít nhất là trong tâm hồn, món ăn, ngôn ngữ.

Tôi từng trở về nước làm việc trong một thời gian và sắp tới sẽ tiếp tục bay qua bay lại giữa Úc và Việt Nam cho một số việc liên quan đến giáo dục của trường đại học.

tro-chuyen-3-9602-1646195876.jpg

* Thành công với việc kinh doanh nhượng quyền, đến thời điểm này, ông có rút ra được điều gì mới mẻ hơn về lĩnh vực này, thưa ông?

- Phải nói tôi kinh doanh nhượng quyền khá nhiều, từ việc xây dựng hệ thống để bán nhượng quyền đến tìm mua nhượng quyền các thương hiệu ẩm thực của thế giới đem về thị trường Việt Nam. Tại Úc, tôi vẫn tham gia tư vấn về lĩnh vực này. Có lúc tôi tâm đắc mô hình kinh doanh này đến nỗi viết luôn hai cuốn sách về nhượng quyền thương mại dành cho thị trường Việt Nam. Lúc đó, ở Việt Nam lĩnh vực này còn rất mới mẻ và chưa có ai viết về đề tài này.

Còn nếu tôi đang kinh doanh, đang sở hữu một chuỗi ẩm thực và muốn áp dụng mô hình nhượng quyền để bành trướng thương hiệu thì sẽ chọn cách làm phá lệ, phi truyền thống. Cách bán franchise theo kiểu truyền thống e rằng không còn phù hợp nữa, nhất là tại thị trường Việt Nam. Như thế nào là kinh doanh nhượng quyền phá lệ thì không thể nói đầy đủ được trong khuôn khổ của một câu trả lời phỏng vấn.

* Nhưng ông có thể cho một khái niệm ngắn gọn...

- Nhượng quyền phá lệ là không theo các khuôn khổ hay cách thức thông thường, ví dụ như trong cách tính phí nhượng quyền, trong cách hợp tác đầu tư, điều hành quản lý, cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu...

* Là mẫu doanh nhân có ý tưởng kinh doanh táo bạo, ông có thể chia sẻ những cột mốc vươn lên đáng nhớ?

- Ý chí vươn lên thì nhiều nhưng ý tưởng kinh doanh táo bạo thì chỉ có một hay hai là đủ mệt! Nói về ý tưởng kinh doanh táo bạo, tôi tâm đắc với mô hình của Phở 24, ngay cả đến 20 năm sau kể từ ngày đầu thành lập. 

Tôi thích mô hình này vì nó mang nhiều yếu tố mới lạ đối với một dự án khởi nghiệp về ẩm thực, ví dụ như là mô hình tiên phong về việc trình bày một món ăn Việt bình dân trong một khung cảnh hiện đại, cũng là mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng Việt đầu tiên áp dụng phương thức nhượng quyền và bành trướng ra được nhiều quốc gia trên thế giới. Chiến lược định giá cho sản phẩm cũng thú vị, là dựa theo túi tiền và cảm nhận của khách hàng hơn là dựa vào giá cả ấn định của thị trường. Nên một tô phở của tôi lúc đó là 24.000 đồng, cao gấp đôi một tô phở bình thường ngoài thị trường mà vẫn thấy rẻ.

Nếu có một bài học nào đó rút ra cho các thế hệ doanh nhân trẻ thì yếu tố khác biệt, độc đáo và táo bạo chắc chắn là một trong những ứng viên xuất sắc cho chiếc chìa khóa thành công.

* Ông viết sách, kinh doanh đều thành công. Phải chăng ông được thừa hưởng điều ấy từ cha mẹ?

- Tôi nghĩ mình may mắn khi được thừa hưởng nhiều điều hay, điều tốt đẹp từ cha và mẹ. Mẹ tôi là một phụ nữ mạnh mẽ, lãng mạn trong kinh doanh nhưng lại vô cùng chi tiết trong điều hành, quản trị. Cách đối nhân xử thế của bà cũng thật độc đáo, nhân bản. Vì vậy mà nhiều nhân viên vẫn gắn bó với bà từ mấy chục năm nay. Còn cha cho tôi niềm vui và sự trân quý đối với con đường tri thức, dùng tri thức và trải nghiệm để chia sẻ với nhiều người thông qua nhiều cách thức khác nhau, trong đó có viết sách. Niềm vui và sự đam mê viết lách của ông thì thật là mãnh liệt. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh trong những ngày cuối cùng mà ông vẫn viết báo và hoàn thành tác phẩm Hồi ký không tên. Khi cha tôi không còn viết được nữa thì đọc cho người khác viết. Niềm vui viết lách của tôi xuất phát từ cha tôi.

 * Gần đây, hình như ông có xu hướng chuyển đam mê kinh doanh sang hoạt động giáo dục? 

- Đúng là niềm đam mê của tôi hiện nay nằm nhiều ở mảng giáo dục, nhưng điều đó không có nghĩa là niềm đam mê kinh doanh đã biến mất. Ví dụ như tôi vẫn đóng vai trò tư vấn, cố vấn cho nhiều doanh nghiệp và cũng là nhà đầu tư thiên thần hay mentor cho một số dự án khởi nghiệp. Theo tôi, kinh doanh và giảng dạy hay làm giáo dục có rất nhiều khoản tương đồng và bổ sung cho nhau. 

Gỉảng dạy, nghiên cứu giúp tôi tư vấn bài bản hơn. Tư vấn hay tham gia vào hội đồng quản trị với tư cách là thành viên độc lập giúp tôi cập nhật thương trường, nên chất lượng các bài giảng cao hơn. 

Tôi đặc biệt quan tâm đến mảng giáo dục vì nó liên quan đến thế hệ trẻ, những người sẽ làm thay đổi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Làm sao giáo dục đóng góp hiệu quả hơn nữa đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn thế giới đang đi vào một bước rẽ quan trọng chưa từng có. Làm sao thế hệ trẻ có khả năng và tư duy vượt trội để cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Làm sao các trường đại học, các chương trình giáo dục đón đầu những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, về tư duy đổi mới sáng tạo của thế giới. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, nó quyết định thắng hay thua, vượt lên phía trước hay bị bỏ lại phía sau. 

* Ông bắt đầu viết sách vì thú vui hay thấy cần?

- Tôi bắt đầu viết sách từ nhu cầu tìm tòi, học hỏi. Khi đó, tôi đang mày mò mô hình nhượng quyền thương mại còn mới lạ ở Việt Nam để áp dụng cho công việc kinh doanh. Sau thời gian nghiên cứu sâu, tôi thấy mình cần hệ thống lại kiến thức và những suy nghĩ cho thật bài bản, rồi chợt tự hỏi tại sao không đem ra chia sẻ với mọi người, nhất là cho các đối tác tiềm năng mua nhượng quyền của mình thông qua một cuốn sách. Thế là hai cuốn sách viết về bán và mua nhượng quyền ra đời.

Tương tự, cuốn Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, rồi cuốn tự truyện Bầu trời không chỉ có màu xanh, cuốn Chỉ có niềm đam mê và gần đây nhất là cuốn Startup trong thời kỳ bình thường mới đều ra đời từ nhu cầu tìm tòi, chiêm nghiệm và chia sẻ những gì mình tâm đắc. Viết xong một cuốn sách, tôi thấy mình như được trải lòng, một cảm giác thật thoải mái, nhẹ nhõm.

* Ông có dự định trở về Việt Nam sống những năm cuối đời không? 

- Tôi chưa có kế hoạch trở về Việt Nam sinh sống, ít nhất là trong vài năm tới đây, vì gia đình nhỏ của tôi vẫn còn ở Úc và có cuộc sống ổn định. Hai đứa con tôi đã lớn và có công ăn việc làm rất tốt tại các công ty lớn. Tôi thích chia thời gian làm việc của mình ở cả hai quốc gia, nhất là khi xu thế làm việc từ xa đã trở nên phổ biến như hiện nay. 

* Còn kế hoạch về Việt Nam kinh doanh?

- Tôi không còn thích điều hành kinh doanh trực tiếp nữa. Nếu có, sẽ là gián tiếp thông qua vai trò cố vấn hay nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp thú vị. 

* Ông hay khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, vì sao và điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống của ông?

- Có lẽ tôi nhìn thấy mình trong họ và có sự đồng cảm nào đó. Tôi khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp vì đó là con đường rất thú vị mà tôi đã từng đi qua, giống như xem một cuốn phim hay, rồi thích kể và cổ động người khác cùng xem. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi nó được chia sẻ.

Tuy nhiên, tôi cũng không phải là người khuyến khích lớp trẻ khởi nghiệp bằng mọi giá. Bằng chứng là sách tôi viết hay những chia sẻ trên trang Facebook cá nhân đều có lời khuyên các bạn trẻ không nên khởi nghiệp khi điều kiện chưa chín muồi. 

Sắp tới, tôi phối hợp với Trường Đại học Western Sydney của Úc mở một trung tâm startup hỗ trợ cho giới trẻ khởi nghiệp Việt Nam, đặt tại TP.HCM. Trung tâm này sẽ góp thêm một luồng gió mới cho cộng đồng khởi nghiệp với cách làm mới mẻ. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có cơ hội đóng góp cho đất nước thông qua những việc làm cụ thể như vậy.

tro-chuyen-2-1119-1646195876.jpg

* Ông nghĩ gì về sự thay đổi của doanh nhân và môi trường kinh doanh hiện nay tại Việt Nam?

- Môi trường kinh doanh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thực sự thay đổi bởi ảnh hưởng của Covid-19. Trong đó có một sự thay đổi quan trọng nhất, là thay đổi trong suy nghĩ và thói quen của người tiêu dùng, người lao động và người sử dụng lao động. Nhưng tìm ra lời giải và hướng đi nào cho phù hợp và hiệu quả nhất là một bài toán không dễ chút nào. Nó đòi hỏi sự tỉnh táo, sáng suốt, năng động và sáng tạo. Rõ ràng là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đang đứng trước một bước rẽ vô cùng quan trọng, vì nó định đoạt sự thành công hay thất bại trong tương lai không xa. Tốc độ cũng sẽ có tiếng nói quyết định. 

* Được Trường Đại học Western Sydney University phong hàm giáo sư, trở thành một trong những người Việt hiếm hoi được hai trường đại học ở nước ngoài bổ nhiệm chức danh này, đây không chỉ là tự hào của ông mà còn cho người Việt Nam, ông có nghĩ như vậy?

- Tôi rất vui khi được hai trường đại học tại Úc bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor), đó là Trường Griffith University và Trường Western Sydney University. Tháng 6/2021, tôi còn được Trường Đại học Western Sydney tại Úc trao bằng tiến sĩ danh dự (Honorary Doctorate Degree) - một học vị cao cấp và danh giá nhất của trường đại học. 

Hôm đứng trên bục phát biểu nhận bằng, tôi rất xúc động khi nghĩ đến hình ảnh mới ngày nào đây mình còn là một du học sinh vừa đến Úc, với vô vàn khó khăn từ tài chính đến trình độ học vấn, ngôn ngữ. Nhưng giờ đây tôi có thể đứng đây với sự trân trọng của mọi người trong khán phòng dành cho mình. Thì ra tôi đã đi được một đoạn đường khá dài và đến được những nơi đúng ra đã không dành cho tôi. Và khi hai chữ Việt Nam xuất hiện trong đầu, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào.

* Cám ơn ông về những chia sẻ! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TS. Lý Quí Trung - Giáo sư kiêm nhiệm và Cố vấn cấp cao Trường Đại học Western Sydney, Úc: “Tôi thích chia thời gian làm việc của mình ở cả hai quốc gia”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO