Tổng giám đốc TST: Văn hóa truyền thống là nền tảng cho mọi sự phát triển

LỮ Ý NHI| 07/03/2018 06:55

Việc duy trì bản sắc, nét đẹp văn hóa của dân tộc không chỉ là nghĩa vụ, mà còn giúp DN tạo được điểm khác biệt.

Ảnh: Quý Hòa

Ảnh: Quý Hòa

"Xông đất" Công ty CP Dịch vụ Du lịch & Thương mại TST (TST Tourist) nhân dịp năm mới, chúng tôi được Tổng giám đốc Lại Minh Duy lạc quan chia sẻ triết lý kinh doanh năm 2018 của công ty là "lấy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc làm định hướng chiến lược".

* Năm 2018 là năm thứ 23 TST tourist có mặt trên thị trường du lịch với những thành tích đã đạt được như danh hiệu "Top 10 công ty du lịch lữ hành uy tín năm 2017", giải thưởng "Thương hiệu Việt được yêu thích nhất năm 2017 - 2018", "Thương hiệu vàng 10 năm liên tiếp", "Top 5 công ty du lịch có doanh số cao đóng góp cho Vietnam Airlines". Trong niềm vui riêng ấy, ông có thể chia sẻ những thành quả mà ngành du lịch TP.HCM đã đạt được trong năm 2017, nhất là nỗ lực của TST đóng góp vào thành công của ngành?

- Năm 2017, hơn 6,3 triệu lượt du khách các nước đến TP.HCM. Điều đáng mừng là năm qua, lượng khách đến TP.HCM như điểm đến thứ hai, thứ ba chiếm khoảng 25 - 30%. Cũng trong năm 2017, TP.HCM đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách nước ngoài, như mở rộng phố đi bộ Bùi Viện, thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật đường phố, sắp tới là chương trình biểu diễn nhạc nước ở huyện Nhà Bè và chương trình tái hiện cảnh trên bến dưới thuyền trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

Trong con số tăng trưởng chung của ngành phải kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN) lữ hành. Tại TST, chỉ tính riêng quý I/2018, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt tour từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ v.v.. Đặc biệt, lượng khách khó tiếp cận ở Ấn Độ và Thái Lan chiếm số lượng lớn.

* Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành du lịch vẫn còn nhiều điều phải làm...

- Để ngành du lịch phát triển mạnh hơn và các sản phẩm du lịch không còn mang tính chất riêng lẻ mà là sự hợp tác của nhiều vùng miền, là sản phẩm chung của quốc gia, cần phải có cơ chế, chính sách, sự gắn kết chặt chẽ từ các ban, ngành, địa phương.

Hiện nay, khách các nước phần đông đã nhận thức được các sản phẩm du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, họ chưa có các chương trình quảng bá cụ thể về tuyến điểm. Trong khi tại một số nước, tour tuyến của họ rất rõ ràng, chẳng hạn, mùa đông tham quan điểm nào, địa danh gì, với các chương trình quảng bá cụ thể. Các chương trình quảng bá ấy đều thực hiện chung cho cả quốc gia và mỗi năm đều được nhắc lại. 

Link bài viết

Nhắc đến du lịch không thể không nói đến các điểm mua sắm. Tại TP.HCM, tuy có nhiều trung tâm thương mại nhưng trung tâm mua sắm outlet thì không có nên chưa kích thích và ít nhiều hạn chế về sức mua của du khách. Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng phải được đầu tư mạnh về mẫu mã, chất lượng và mở rộng thành các khu vực chuyên bán loại hàng hóa này.

TP.HCM có thế mạnh về điểm lưu trú và an ninh, nhưng vẫn còn tình trạng kẹt xe khiến thời gian tham quan và mua sắm của khách bị hạn chế, thường xảy ra trường hợp "cháy chương trình". Theo tôi, nên định hướng các khu vực xung quanh trung tâm thành phố để tạo thế mạnh cho mô hình du lịch mua sắm đồng thời kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

* Trong khi các công ty thường xây dựng văn hóa DN theo hướng hiện đại thì định hướng của TST trong năm 2018 là phát triển văn hóa DN hướng đến nét đẹp truyền thống. Liệu điều này có bị xem là tư duy lạc hậu?

- Tôi có dịp chiêm nghiệm những gì đã trải qua nên càng thấy giá trị văn hóa được gầy dựng từ gia đình đã đem lại niềm hạnh phúc, sự ấm áp cho mọi người. Chính văn hóa được gầy dựng từ gia đình đã tạo cho tôi động lực để vươn lên và làm việc vì cộng đồng. Từ những giá trị đó, tôi mong muốn xây dựng nét văn hóa riêng cho gia đình lớn TST. Đó cũng chính là văn hóa DN của TST.

Theo tôi, mỗi người Việt Nam đều mang trong mình bản sắc dân tộc. Vì vậy, việc duy trì bản sắc, nét đẹp văn hóa của dân tộc không chỉ là nghĩa vụ, mà còn giúp DN tạo được điểm khác biệt. Mỗi DN xây dựng được nét đẹp văn hóa riêng sẽ tạo sự lan tỏa đến cộng đồng, xã hội. Hơn nữa, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, rất cần sự chuẩn mực về văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử, cho nên văn hóa truyền thống luôn là nền tảng tạo nên giá trị bền vững cho mọi sự phát triển.

Trong một xã hội mà đội ngũ lao động trẻ tham gia kinh doanh ngày một đông, thì theo tôi, những người điều hành DN phải có thêm trách nhiệm định hướng cho họ trở về với những giá trị truyền thống. Đó là lý do tại TST, tôi luôn hướng đến giá trị truyền thống để nhân viên hiểu hơn về văn hóa của dân tộc.

Với định hướng đó, TST tiếp tục đồng hành cùng "Lễ hội Áo dài TP.HCM", duy trì chương trình "Áo dài khoe sắc" vào mỗi dịp Tết đến xuân về và chương trình "Món ngon quê Việt" v.v..

* "Món ngon quê Việt" là chương trình hướng đến bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Ý tưởng này bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- May mắn là tôi được sống cùng với ông bà và mẹ từ nhỏ cũng như được sinh ra tại Sài Gòn - nơi giao thoa về văn hóa, trong đó có văn hóa ẩm thực. Mẹ tôi là người giữ cho không gian bếp luôn ấm áp. Với mỗi người Việt, bữa cơm gia đình còn là một nét văn hóa rất riêng. Nó đầm ấm, thiêng liêng. Với tôi, nếp văn hóa này đã hình thành ngay từ thời thơ ấu, nên nếu không đi xa, trễ nhất là 6 giờ rưỡi tối là tôi có mặt ở nhà để cùng ăn cơm với gia đình.

Cũng nhờ có cơ hội đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều món ăn và phần nữa là có tình yêu với ẩm thực, nên tôi nhận thấy món ăn Việt Nam rất phong phú, mang bản sắc đặc trưng của từng vùng miền. Ngày nay, do cuộc sống tất bật, nhiều bạn trẻ phải đi làm xa nhà, phải ăn cơm văn phòng hoặc thực phẩm tiện lợi, nên những món ngon trong các bữa cơm gia đình dần bị lãng quên.

Link bài viết

Vẫn có không ít người chưa biết nhiều về nguồn gốc những món ngon đó. Vì thế, chương trình truyền hình "Món ngon quê Việt" đóng vai trò như cầu nối để mỗi người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, đều có cơ hội hiểu hơn về ẩm thực Việt Nam và qua đó nhớ về văn hóa, nguồn cội. Đặc biệt, chương trình này được thể hiện qua hình thức dạy nấu ăn lồng ghép những câu chuyện văn hóa hoặc hoạt cảnh để người xem hiểu rõ hơn về bối cảnh hình thành món ăn, vừa tạo cảm giác gần gũi, thú vị vừa giúp người xem có thể tự chế biến các món ăn đó.

* Nhìn lại năm 2017, thành công nào ở TST đem lại cho ông hạnh phúc nhất?

- Có 3 điểm chính mà TST Tourist đạt được, đó là: Kinh doanh tăng trưởng tốt, sự hài lòng của khách hàng, sự ổn định về nhân sự. Vài năm trước, TST không tránh khỏi việc "kẻ ở người đi" nên công ty đôi lúc thiếu hụt nhân sự.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi tăng cường quản lý chi tiêu và rủi ro, cân đối lại hệ số nhân sự giữa gián tiếp và trực tiếp kinh doanh, đầu tư kinh phí xây dựng "mái nhà chung" cho tập thể nhân viên. May mắn và cũng là niềm vui lớn nhất của tôi, đó là TST đã tập hợp được đội ngũ quản lý có thâm niên trên 10 năm và thu hút được nhiều nhân sự trẻ nhiệt huyết - một thế hệ kế thừa để tôi được truyền lửa.

Từ năm 2014, ý thức được sự tín nhiệm của khách hàng đối với TST, đặc biệt là thị trường xa như các nước châu Âu, Úc, Mỹ, đồng thời rút kinh nghiệm xu hướng du lịch đi nhiều nước trong nhiều ngày (trung bình 10 ngày) thường mang tính chất "cưỡi ngựa xem hoa", không phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của nhiều khách hàng, TST đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển tour "đơn tuyến", nghĩa là chỉ tập trung đi một nước và đã nhận được sự ủng hộ tích cực của khách hàng, nhất là tour đơn tuyến đi Ý và Pháp.

Điểm đặc biệt của tour "trọn gói" là khách hàng chỉ cần trả chi phí một lần, không phụ thu đối với các sản phẩm cao cấp. TST đã xây dựng những sản phẩm "chất" theo tuyến điểm, theo mùa, song song đó hoàn thiện chất lượng và cạnh tranh về giá cho các tour trong nước và khu vực Đông Nam Á để duy trì lượng khách đến các điểm du lịch tưởng chừng như đã quá quen thuộc. Bên cạnh đó, các tour trong nước (gồm tour nội địa và tour cho người nước ngoài du lịch Việt Nam) cũng tăng trưởng đáng kể, đạt mức 40%.

* Theo ông, yếu tố nào giúp các DN lữ hành có được sự khác biệt và chiếm được sự tin yêu của khách hàng?

- Niềm tin của khách hàng dành cho thương hiệu là yếu tố đem lại thành công cho DN lữ hành. Nhiều khách hàng khi đến với TST đã chia sẻ có cảm giác rất yên tâm để tận hưởng chuyến đi, vì số lượng khách mỗi đoàn không quá đông (trung bình 16 đến 25 người mỗi đoàn) cũng như chất lượng dịch vụ và sự tận tâm của đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên. Điều đáng nói là sau mỗi chuyến đi, nhiều khách hàng đã tạo được mối quan hệ mới, tìm thấy những người bạn có cùng sở thích, những bạn làm ăn mới, và khi kết thúc tour họ trở nên thân thiết.

Chính sách giá cũng mang lại hiệu quả kinh doanh cho TST Tourist. Hầu hết cá nhân hoặc gia đình du lịch thường dành một khoản cố định cho tour và phần còn lại là cho chi tiêu khác, vì thế, chẳng ai muốn đi du lịch mà lại bất ngờ trả thêm phí phát sinh bắt buộc. Hiểu được vấn đề này, TST đã xây dựng chương trình tour "trọn gói" - đặc biệt áp dụng ở những thị trường du lịch cao cấp như châu Âu, Úc, Mỹ.

Các khoản phụ thu như tiền tip cho tài xế, hướng dẫn viên địa phương, city tax (thuế vào thành phố), khách hàng không phải lo. Đây có thể coi là sự khác biệt trong dịch vụ của TST và đem lại sự thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên, đó cũng là một trở ngại cho TST do khi tính trọn gói, giá tour sẽ cao hơn so với nhiều đơn vị khác (các đơn vị khác thường chỉ cung cấp giá tour, chưa bao gồm các khoản phí phát sinh) nên dễ gây sự hiểu lầm, tưởng giá của TST cao hơn.

* Ông nhận xét gì về đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam?

- Hiện nay, các chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch được thực hiện khá tốt và đa dạng bởi nhiều trường đại học. Các chương trình này đôi khi còn kết hợp với các công ty lữ hành để tạo được cơ hội cọ xát thực tế và tích lũy kinh nghiệm cho sinh viên. Tuy nhiên, đa số hướng dẫn viên du lịch hiện nay là hành nghề tự do. Trong đội ngũ này có nhiều người tài. Kế hoạch thành lập Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch trong thời gian tới nếu được thực hiện thì có thể khai thác tốt được khả năng của nguồn lực này và sẽ đem đến nhiều tác động tích cực cho ngành du lịch.

Hướng dẫn viên chính là bộ mặt của DN du lịch, lớn hơn là đại diện hình ảnh của quốc gia. Họ gắn bó trực tiếp với khách hàng trong suốt chuyến đi. Vì thế, TST rất chú trọng bồi dưỡng đội ngũ này. Hướng dẫn viên của TST được huấn luyện làm việc ở từng tuyến cụm, tuyến điểm, cả trong lẫn ngoài nước. Điều tôi tự hào về đội ngũ hướng dẫn viên của TST chính là kiến thức và nghiệp vụ.

Hằng năm, TST mời giảng viên chuyên môn của các trường đại học đến nói chuyện chuyên đề về lịch sử, văn hóa Việt Nam v.v. để khi giới thiệu với du khách, thông tin từ hướng dẫn viên được truyền đạt chính xác, khúc chiết và thú vị nhất. Kết quả của các chương trình chăm sóc đội ngũ hướng dẫn viên đã góp phần giúp tỉ lệ hướng dẫn viên lâu năm tại TST duy trì ở mức cao, khoảng 70% có thời gian làm việc từ 5 đến 15 năm.

* Theo ông, sáng tạo trong ngành du lịch có gì khác so với sáng tạo trong các ngành nghề khác?

- Sáng tạo trong ngành du lịch là để tạo nên sự hoàn thiện. Có nhiều khách dành dụm rất lâu để tận hưởng một tour du lịch. Vì vậy, tôi và đội ngũ TST luôn xem khách hàng như người thân và vì thế trong từng hành động phải đem đến cái gì là tốt nhất theo yêu cầu của từng đoàn khách, từng người khách. Hầu hết khách hàng đi những tour xa của TST là người khó tính. Họ có thể chi từ 50 đến cả trăm triệu đồng cho một tour nên yêu cầu của họ phải là tour độc đáo, được trải nghiệm trọn vẹn. Do vậy, trong bố trí chương trình tour, TST luôn hướng đến tiêu chí đó.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ cởi mở!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng giám đốc TST: Văn hóa truyền thống là nền tảng cho mọi sự phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO