TGĐ Vietcomreal: Chữ tín quyết định thành công

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 05/01/2017 06:54

Nữ tướng Vietcomreal kể chuyện 30 năm khởi nghiệp thăng trầm và bén duyên ngành bất động sản, gầy dựng Vietcomreal.

TGĐ Vietcomreal: Chữ tín quyết định  thành công

Gần 30 năm trước, ở tuổi ba mươi, với số vốn ít ỏi, bà Nguyễn Thị Phước rời quê hương Khánh Hòa lên Tây Nguyên lập nghiệp và Công ty Hiệp Phúc của bà đã gắn bó với bao thăng trầm của ngành cà phê Việt Nam. Mãi đến năm 2003, thời điểm thị trường cà phê biến động mạnh, người phụ nữ này mới quyết định chuyển hướng sang bất động sản, song vẫn duy trì nghề truyền thống ở quy mô vừa để giữ lại những giá trị khởi đầu mà bà cùng gia đình tạo dựng. 

Đọc E-paper

* Như bà nói, việc chuyển hướng kinh doanh bắt nguồn từ sự biến động của ngành cà phê, nhưng bất động sản cũng là lĩnh vực không "dễ ăn" chút nào...

- Bước vào năm 2000, từ chỗ chỉ được phép đặt văn phòng đại diện và thu mua qua các doanh nghiệp, đại lý trong nước, các tập đoàn nước ngoài bắt đầu thu mua cà phê trực tiếp từ nông dân. Hơn nữa, giá cà phê thế giới bắt đầu tuột dốc. Năm 1994 - 1995, giá xuất khẩu bình quân mỗi tấn cà phê có lúc lên trên 4.000USD, đến năm 2001 giá còn 400USD.

Thị trường lúc đó chưa có nhiều thông tin dự báo về cung cầu, dẫn đến người nông dân thiệt hại do trồng nhiều nhưng giá cà phê có lúc xuống dưới giá thành. Doanh nghiệp cũng không tránh khỏi những thiệt hại từ tình trạng này.

Xuất khẩu cà phê thời đất nước mới mở cửa không được như bây giờ với giao dịch tự do, phương tiện thông tin đại chúng và công nghệ phát triển, ở đâu người ta vẫn biết được giá cả, dự báo mức tiêu thụ qua smartphone, laptop. Thời chúng tôi, thông tin rất hạn chế, chủ yếu theo dõi tin tức qua bản tin của hãng Reuters.

Ngược với sự ảm đạm của ngành cà phê những năm đầu thế kỷ XXI, tôi thấy được nhu cầu về nhà ở tăng trưởng mạnh nên quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản. Nhưng dù ở lĩnh vực nào, đã bước vào kinh doanh sẽ không tránh khỏi khó khăn. Ngành nào cũng có lúc suy, lúc thịnh.

Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo phải nhạy bén trong việc xác định được tính thời điểm và có chiến lược rõ ràng trong các quyết định cũng như quá trình điều hành doanh nghiệp. Còn nếu nhắm đến mục tiêu đưa doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài thì phải tạo dựng và giữ vững được chữ tín trong mọi hoàn cảnh. Tôi đã luôn tâm niệm như thế trong suốt 30 năm bước chân vào thương trường.

* Trước đây, gia đình bà có ai gắn bó với lĩnh vực cà phê?

- Bố mẹ tôi không ai theo nghiệp kinh doanh, đều là nhà giáo, nhưng tôi lại thích buôn bán từ nhỏ. Năm 1988, tôi từ Nha Trang lên Đắk Lắk lập nghiệp với khởi đầu là tổ thu mua cà phê của một trạm kinh doanh tổng hợp (thu mua nông sản) ở thị xã Buôn Ma Thuột (thời điểm Buôn Ma Thuột chưa chuyển lên thành phố).

Đến năm 1995, một năm sau khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam, chúng tôi thành lập Công ty Hiệp Phúc để đáp ứng nhu cầu về xuất khẩu của một tỉnh chuyên canh cây cà phê như Đắk Lắk. Hơn nữa lúc đó, các tập đoàn nước ngoài đã đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhu cầu thu mua cà phê để xuất khẩu của họ khá lớn nên Hiệp Phúc đi theo hướng thu mua và bán lại cho các công ty ngoại.

Những cái tên như Itochu, Olam, Marubeni của Nhật Bản, Sucafina của Thuỵ Sỹ, Atlantic của Mỹ, Bero của Đức và các tập đoàn có văn phòng đại diện Việt Nam từng là đối tác của chúng tôi.

* Lúc đó, Hiệp Phúc đã làm những gì để thuyết phục và làm việc lâu dài với đối tác nước ngoài, thưa bà?

- Do tính chất của ngành cà phê những năm 1990 biến động liên tục, giao dịch, giá cả đều qua thị trường Luân Đôn nên đôi khi chỉ sau một cuộc điện thoại chốt hợp đồng là giá cả đã lên hoặc xuống. Nếu không giữ chữ tín sẽ rất khó để làm ăn với đối tác ở những nước phát triển - những người luôn đòi hỏi cao về số lượng lẫn chất lượng hàng hóa.

Chẳng hạn, khi xuất hàng sang Ý, họ kiểm tra hàng cho đến tận người mua cuối cùng. Một container cà phê họ chỉ chấp nhận lẫn tạp chất tối đa là ba hạt bắp, đó là chưa kể đến các yêu cầu về độ ẩm, hương vị. Hiệp Phúc chịu trách nhiệm về hàng hóa cho đến người mua cuối cùng và đảm bảo về chất lượng, dù giá cà phê Luân Đôn biến động.

Có lẽ đó là lý do mà giá xuất khẩu của Hiệp Phúc thời điểm đó luôn cao hơn thị trường từ 30 đến 50 USD/tấn và đến bây giờ, dù quy mô xuất khẩu không như trước nhưng nhiều đối tác nước ngoài vẫn giữ quan hệ tốt với chúng tôi. Hiệp Phúc từng là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cho xuất khẩu trực tiếp cà phê.

Tôi nghĩ, kinh doanh cũng giống như chuyện đối nhân xử thế trong cuộc sống, cuối cùng điều đáng quý nhất là sự tôn trọng và mối giao tình mà những người xung quanh dành cho bạn, dù bạn còn trên đỉnh cao hay đã nhường vị trí cho người khác.

* Kinh doanh cà phê hay bất động sản khiến bà phải "lao tâm khổ tứ" nhiều hơn?

- Mỗi lĩnh vực kinh doanh có điều kiện đặc thù khác nhau. Như "chiến trường cà phê” ngày trước, tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, ban ngày thu mua, từ 16 giờ đã phải dán mắt vào màn hình đến 3 giờ sáng hôm sau để giao dịch trên sàn Luân Đôn và New York. Với sự biến động giá cà phê trên thế giới lúc đó, nếu dự báo sai có thể dẫn đến thua lỗ hàng trăm đô la Mỹ mỗi tấn, nên buộc những người tham gia thị trường phải có "tinh thần thép" và giữ uy tín rất cao mới trụ vững.

Ở thời điểm này, tôi ưu tiên cho Vietcomreal, còn kinh doanh của Hiệp Phúc giao lại cho gia đình con gái lớn đảm nhiệm. Nếu so với Hiệp Phúc ngày trước, việc tổ chức nhân sự và hệ thống quản trị của Vietcomreal hiện nay quy củ hơn. Đối với lĩnh vực bất động sản, bên cạnh vấn đề quản trị nội bộ, doanh nghiệp phải tích lũy năng lực để chủ động ứng phó với những khó khăn mang tính đặc thù của ngành. Trong kinh doanh, người lãnh đạo quyết định sai một ly có thể đưa doanh nghiệp đi nghìn dặm.

* Vậy, trong gần 30 năm kinh doanh, bà đã bao giờ phải "trả giá đắt" vì quyết định sai?

- Tôi ít khi thất bại và nếu có cũng không lớn. Một phần có thể tôi may mắn nhưng chắc chắn trong kinh doanh, chẳng ai có thể thành công mãi dù chỉ một lần quên chữ tín. Ngay như lĩnh vực xuất khẩu cà phê, nếu làm đàng hoàng, giữ đúng cam kết với đối tác, đặc biệt là khách nước ngoài thì sẽ không có chuyện phá sản.

Hồi còn làm cà phê, hàng của chúng tôi chinh phục được những thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu là do giữ đúng những gì mình đã hứa, chứ không làm theo kiểu thị trường lên giá thì cung ứng sản phẩm kém chất lượng cho bên mua, không muốn giao hàng theo hợp đồng hoặc ép nông dân bán với giá thấp để không bị thiệt.

Nghề nào cũng có những chuẩn mực đạo đức, cũng như chuyện xây nhà để bán, phải giữ đúng cam kết với người mua về tiến độ cũng như chất lượng công trình. Nên nhớ là không ít người trong số khách hàng phải tích cóp cả đời mới có được ngôi nhà đầu tiên.

* Ba người con của bà đều theo nghiệp kinh doanh, vậy bà có định thời điểm nào sẽ rời thương trường?

- Tôi vẫn thấy mình còn "máu lửa" với thương trường. Kinh doanh cũng là niềm đam mê của tôi. B.C Forbes (nhà sáng lập Tạp chí Forbes) từng nói "Kinh doanh là để đem lại hạnh phúc, không phải để tích lũy sự giàu có”. Những điều mà thế hệ tôi đang xây dựng, định hướng cho doanh nghiệp rồi sẽ đến lúc chuyển giao cho lớp trẻ.

Các con tôi đều được đào tạo bài bản. Con trai lớn đang cùng tôi tham gia mảng bất động sản, con gái lớn thì quán xuyến lĩnh vực cà phê, còn cô út đang học về kinh tế ở Mỹ. Đã có không ít thắc mắc rằng, cả hai doanh nghiệp (Hiệp Phúc và Vietcomreal) mà tôi tham gia điều hành đều có sự hiện diện của người nhà, liệu trong các quyết định có mang tính chủ quan?

Với tôi, khi Công ty ngày một phát triển, việc tuyển mộ, sử dụng nhân sự phải dựa vào tiêu chí năng lực và hiệu quả công việc. Nếu chỉ sử dụng người quen mà không có năng lực thì doanh nghiệp không thể phát triển bền vững.

* Gia đình bà có dự định gì với thương hiệu cà phê "Phúc Ban Mê”?

- Trong khi Hiệp Phúc chú trọng đến cà phê xuất khẩu thì "Phúc Ban Mê” là thương hiệu chỉ dành cho thị trường nội địa (cà phê rang xay). Nhiều người hỏi tôi vì sao lấy thương hiệu cà phê là "Phúc Ban Mê”.

Năm 2001, khi Hiệp Phúc đã kinh doanh ổn định và có uy tín trong ngành cà phê, người nhà tôi đã lấy chữ Phúc trong Hiệp Phúc để đặt cho thương hiệu nội, còn Ban Mê là tên gọi chỉ vùng sản xuất cà phê hàng đầu ở Việt Nam. Để "Phúc Ban Mê” trở thành thương hiệu phổ biến, gia đình tôi đang hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi cà phê "Phúc Ban Mê” tại TP.HCM vào những năm tới.

* Còn với Vietcomreal thì sao?

- Từ năm 2003 đến nay, chúng tôi chủ yếu tích tụ quỹ đất, tiến hành đền bù, giải tỏa và hoàn thiện các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Làm ngay từ đầu để sau này tránh trường hợp khó cho nhà phát triển bất động sản và cũng tránh khó cho khách hàng khi sản phẩm đưa ra thị trường.

Từ năm sau, chúng tôi có kế hoạch phát triển thêm một số khu nhà ở ở quận 8, quận 5, quận 4, TP.HCM. Thêm nữa, cũng nhắm đến việc tìm kiếm đối tác nước ngoài có thương hiệu tốt để tăng thêm sức mạnh tài chính lẫn những giá trị khác liên quan đến quá trình phát triển bất động sản nhà ở.

* Cám ơn bà về cuộc trò chuyện!

>>TGĐ Vạn Thiên Sa: "Dám thay đổi, sẽ thắng"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TGĐ Vietcomreal: Chữ tín quyết định thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO