Ông Trương Gia Bình: 4.0 sẽ là lực hấp dẫn trong thu hút đầu tư

HỒNG NGA - Ảnh: TOÀN THẮNG| 15/11/2017 09:36

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình có niềm tin Việt Nam sẽ bước cùng nhịp với thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tạo ra sự bứt phá.

Gặp gỡ trong dịp Tuần lễ APEC 2017, người được mệnh danh là con người của ước mơ và khát vọng hào hứng nói về cuộc "cách mạng 4.0" mà theo ông, làm thế giới thay đổi sâu sắc và sẽ tạo cho Việt Nam lực hấp dẫn trong thu hút đầu tư.

Ông Bình chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) sẽ làm thế giới thay đổi sâu sắc. Bây giờ, ở đâu cũng nghe về 4.0, từ những người bình thường đến các nhà hoạch định chính sách, các hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017 đều đề cập đến cuộc cách mạng này. Cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analystic), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo, người máy học (Robotics), internet vạn vật (IoT), phương tiện tự hành, công nghệ nano đã đặt doanh nghiệp toàn cầu vào một cuộc đua khốc liệt.

Sự ra đời của người máy có trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng mạnh và làm thay đổi cách thức làm việc và cả công việc của con người. Đây là xu thế không cưỡng được, nếu không làm chủ được nó, doanh nghiệp sẽ bị cuốn trôi. Đơn giản nhất là sự cạnh tranh của Uber, Grab với taxi truyền thống. Gọi Uber hay Grab là biết được lúc nào xe đến, giá cả của chuyến đi, xuống xe không phải lo chuyện tiền lẻ tiền chẵn, không sợ đi lòng vòng, xe đẹp, lái xe thì lịch sự... Những trải nghiệm này hoàn toàn khác biệt và người tiêu dùng nhanh chóng thích nghi.

* Quả là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam...

- May mắn lần này chúng ta bước cùng nhịp với thế giới. Chỉ thị 16 của Chính thủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là khá sớm so với nhiều nước trên thế giới, và không phải nước nào cũng có những chính sách rõ ràng, cụ thể như vậy.

Áp lực vô cùng lớn nhưng cuộc cách mạng 4.0 mới bắt đầu và Việt Nam đủ điều kiện thích nghi và đủ sức góp phần đẩy nhanh cuộc cách mạng này. Chẳng hạn như trong lĩnh vực quảng cáo, trước đây doanh nghiệp quảng cáo không biết được khách hàng muốn gì, cần gì và vào lúc nào. Nay, công nghệ số có thể trả lời được vấn đề này.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng thu thập được dữ liệu về nhu cầu, thậm chí cả thói quen của khách hàng, sau đó dùng trí tuệ nhân tạo xử lý để đưa ra giải pháp tức thời. Đây là nền tảng của công ty thời đại số, trong đó mọi quyết định được đưa ra dựa trên tính toán của máy móc và khách hàng không phải chờ đợi lâu. Trong điều hành, người lãnh đạo thường tự xem xét dữ liệu, ra lệnh cấp dưới làm nhưng 4.0 sẽ giúp tăng tương tác, công tác quản trị nội bộ cũng sẽ rất mới.

* Ông thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị đón cuộc cách mạng này như thế nào?

- Vì rất mới nên nhiều người lúng túng trong việc xác định sẽ làm gì, làm với ai và làm như thế nào. Quan trọng nhất là phải sớm xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 vì không chỉ liên quan đến doanh nghiệp mà đây là cuộc cạnh tranh của quốc gia này với quốc gia khác, nếu bị động sẽ thụt lùi.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là nguồn nhân lực. Các kỹ sư Việt Nam phải sẵn sàng học tập cái mới để đáp ứng nhu cầu vô cùng lớn ngay trong nay mai. Công nghệ 4.0 đòi hỏi mỗi lao động phải hiểu biết, có kỹ năng số. Chẳng hạn như quần áo không chỉ đơn giản là một thứ để mặc chống rét, chống nắng hay làm đẹp mà còn là thiết bị để theo dõi sức khỏe, trạng thái và gợi ý những việc người mặc cần làm.

Một vấn đề nữa cũng cần quan tâm là pháp lý kinh doanh. Những lợi thế về đất đai, nguồn lao động giá rẻ có thể không còn quan trọng nữa mà khung pháp lý 4.0 sẽ là lực hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin... trong công cuộc chuyển đổi số.

* Cũng có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thử thách rất lớn?

- Vấn đề cần quan tâm là doanh nghiệp công nghệ thông tin phải nhanh chóng nâng cấp từ công nghệ thông tin sang kỹ thuật số gồm Big Data, AI, tự động hóa sản xuất, số hóa thế giới vật lý... Doanh nghiệp cần phải từng bước thay đổi chính mình. Doanh nghiệp nào thành công sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Uber và Grab là minh chứng về mô hình kinh doanh mới ra đời theo sự tác động mạnh mẽ của chuyển đổi số, xu hướng không thể cưỡng lại được trong nền kinh tế số.

Doanh nghiệp dù ở quy mô nào, nếu không thay đổi và nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ sẽ khó sinh tồn và phát triển. Và nếu doanh nghiệp không chủ động ứng phó sẽ bị thay thế bởi các doanh nghiệp hình thức mới. Điều cần làm ngay lúc này là chủ doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, phải biết đối mặt với điều gì và phải làm như thế nào. Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, và lan tỏa tinh thần đó đến từng thành viên.

* Nhận diện sự thay đổi và tác động rất lớn của cách mạng công nghiệp 4.0, hẳn FPT đã có sự chuẩn bị chu đáo?

- Bảy năm trước, chúng tôi đã bắt đầu "cuộc chơi" S.M.A.C (viết tắt của bốn xu hướng hiện đại là xã hội - Social, di động - Mobile, phân tích dữ liệu - Analystic và điện toán đám mây - Cloud). Nhờ vậy, doanh thu từ lĩnh vực này của FPT đã tăng qua từng năm. Nếu như năm 2014, doanh thu từ lĩnh vực này chỉ đạt 628 tỷ đồng thì năm 2015 tăng lên 1.039 tỷ đồng, năm 2016 là 2.197 tỷ đồng và riêng 6 tháng đầu năm nay đạt 1.343 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực này đã lên ba con số (144%) trong năm ngoái.

Chúng tôi đang chuyển đổi số trong kinh doanh, quản trị để nâng cao hiệu quả. Chúng tôi cũng đã thiết lập được quan hệ đối tác với những người dẫn đầu công nghệ 4.0 của thế giới như IBM, Microsoft, AWS, Siemens và cùng tham gia với các tập đoàn này để phát triển các nền tảng công nghệ mới.

FPT không chỉ làm các ứng dụng hoặc một phần các ứng dụng mà đã có những đơn đặt hàng nền tảng công nghệ 4.0 từ một số tập đoàn trong lĩnh vực ngân hàng, ô tô, hàng không, viễn thông trên thế giới. Nếu như Microsoft thành công với MSdos, Apple nổi tiếng với IOS... thì FPT cũng đã chạm vào nền tảng công nghệ, hệ điều hành 4.0.

Tại Việt Nam, dựa trên nền tảng công nghệ số như IoT, Big Data, ChatBot, trí tuệ nhân tạo, FPT đã cung cấp các giải pháp giao thông thông minh ở TP.HCM, ở đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai... Chúng tôi vừa làm việc với UBND TP. Hà Nội về ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực giao thông. Tắc đường là vấn đề bức xúc nhất hiện nay và chúng ta cần nhanh chóng đưa giao thông 4.0 vào ứng dụng. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn tất việc xây dựng bản đồ số giao thông Hà Nội.

Bản đồ số giao thông dự kiến sẽ cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông theo thời gian thực, các loại biển báo, hình ảnh giao thông trực tuyến qua camera, thông tin về các dịch vụ vận tải hành khách công cộng như sơ đồ tuyến, trạm dừng, biểu đồ giờ chạy xe buýt, thời gian xe buýt đến trạm... Chúng tôi cũng đã triển khai ứng dụng số trong nhiều lĩnh vực cho doanh nghiệp thực phẩm, nước giải khát, ngân hàng...

* Và đó cũng là một trong những hướng đi để FPT bước nhanh trên hành trình toàn cầu hóa?

- Lợi thế của FPT là nhanh chóng chuyển đổi từ dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống sang dịch vụ số. Chúng tôi luôn tịnh tiến theo cách tiên phong, như trước đây chúng tôi tiên phong đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới thông qua xuất khẩu phần mềm, tiên phong cung cấp dịch vụ internet và giờ là đưa công nghệ số đến doanh nghiệp Việt Nam và ra thế giới.

* Vậy có thể hình dung FPT những năm tiếp theo...

- FPT sẽ trở thành tập đoàn toàn cầu, tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ chiếm 50% tổng doanh thu, tiên phong trong cuộc cách mạng số trên thế giới và Việt Nam, trở thành công ty dịch vụ số vào loại hàng đầu của thế giới. Cùng với đó, số lượng nhân viên sẽ tăng lên 50.000 người.

* Người ta đang nói nhiều về thành phố thông minh. Theo ông, điều này có thành hiện thực khi mà thực tế hạ tầng giao thông của Việt Nam vẫn còn rất ngổn ngang?

- Để Smart City trở thành hiện thực, cần sự quyết tâm của Chính phủ, sự sáng tạo trong giải pháp, công nghệ của doanh nghiệp công nghệ thông tin và sự ủng hộ của người dân. Hy vọng sẽ sớm có những quận trung tâm những thành phố lớn trở thành Smart City.

* Được biết ông là con người của ước mơ và khát vọng và không ngừng đặt ra các mục tiêu cao hơn. Vậy trên chặng đường toàn cầu hóa, dấu mốc ấn tượng nhất mà FPT đã đạt được là gì?

- FPT đã làm tốt sứ mệnh của người tiên phong, góp phần đưa Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ số của thế giới. Chặng đường 10 năm đầu sau khi thành lập, FPT đã tiên phong đưa công nghệ thế giới đến Việt Nam. Chặng đường 20 năm tiếp theo, FPT tiên phong đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới. FPT đã hiện diện tại 21 quốc gia, hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam đã ra khỏi lũy tre làng, sang làm việc cùng những chuyên gia của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Theo Bảng xếp hạng các điểm đến cung cấp dịch vụ trên toàn cầu 2017 do A.T Kearney công bố, Việt Nam đứng vị trí thứ 6. Đây là vị trí cao nhất Việt Nam đạt được trong 8 lần đánh giá của A.T Kearney kể từ trước đến nay.

Gartner mới đây công bố bản báo cáo Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2016, trong đó Việt Nam được xếp là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực này. Dù vậy, chúng tôi mong muốn đứng trong top các tập đoàn cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới.

* Điều gì ông cảm thấy chưa làm được và muốn đạt được?

- Cũng có nhiều điều mà tôi cảm thấy tiếc nuối vì chưa thật quyết đoán để thực hiện. Chẳng hạn như năm 1996, mạng trí tuệ Việt Nam là hình thức đầu tiên của mạng xã hội trên nền tảng của FPT phát triển nhưng chúng tôi đã bỏ ngang mặc dù rất thành công. Sau đó Facebook ra đời, đầu tư và thành công mỹ mãn. Một cơ hội nữa bị bỏ qua là làm mạng di động.

Đã từng tính đến việc đầu tư vào lĩnh vực này nhưng vì không nghĩ rằng Nhà nước cho tư nhân làm nên chúng tôi đã bỏ qua. Giấc mơ của tôi là FPT được xếp hạng cùng các công ty tư vấn công nghệ thế giới. Đã là con người Việt Nam ai cũng tự hào là mình làm gì có ý nghĩa trong cuộc sống.

* Vậy ông truyền cảm hứng này cho đội ngũ nhân sự như thế nào?

- Tôi luôn xem đồng nghiệp như bạn bè và đối tác. Chúng tôi đang hợp tác để góp phần thay đổi thế giới bằng công nghệ. Và tôi mong có thêm nhiều bạn trẻ dám thử cái mới, dám dấn thân.

* Cám ơn ông về những chia sẻ thú vị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Trương Gia Bình: 4.0 sẽ là lực hấp dẫn trong thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO