Ông Nguyễn Đức Thịnh - Chủ tịch Công ty CP Music One: "Kinh doanh để nuôi nghệ thuật"

Lữ Ý Nhi| 01/05/2021 05:08

Làm nhạc sĩ có thể là một cuộc dạo chơi và không cần suy tính chuyện được - mất, nhưng làm kinh doanh thì "tiền phải đẻ ra tiền". Tôi đặt vấn đề với nhạc sĩ - giám đốc Nguyễn Đức Thịnh như thế khi bắt đầu câu chuyện, nhưng xem ra ông khá... thoải mái bởi kinh doanh với ông chỉ là phương tiện để nuôi âm nhạc.

* Câu chuyện kinh doanh để... nuôi âm nhạc của ông được bắt đầu thế nào?

- Khi còn là thành viên trong ban nhạc Đen Trắng, được làm nghề sở trường lại có khá tiền nhưng tôi vẫn thấy vẫn cảm thấy chưa trọn vẹn hạnh phúc. Bởi ước mơ có một trung tâm âm nhạc cứ quấn trong suy nghĩ. Nghe thì rất hoang đường vì thời điểm đó chỉ cần có một phòng thu cũng đã khó, có khi làm suốt đời cũng không thể có được, nhưng tôi không từ bỏ ước mơ.

Thú thật, khi có một ước mơ theo đuổi nhưng quá xa tầm với, tôi như một người bị... mộng du, bởi tâm trí luôn bị ước mơ đeo đuổi, đè nặng. Sau mỗi đêm diễn, thay vì đi lai rai vài chai với đồng nghiệp, tôi "tách mình" đi lang thang tìm thú vui trên phố. Một đêm, nhìn lên tòa cao ốc văn phòng Bitexco, tự hỏi: "Tại sao mình ngồi đây mà không phải ngồi trên tòa nhà văn phòng kia?". Và nghĩ, chỉ có con đường kinh doanh mới có thể kiếm tiền để biến ước mơ thành hiện thực.

* Và đó chính là động lực để ba năm sau, ông có một công ty và mở văn phòng tại Bitexco?

- Ba năm để có thể bước vào tòa nhà Bitexco đặt văn phòng như mong muốn là một hành trình nhiều nỗ lực và thử thách.

Lúc đó, tôi còn trong ban nhạc Đen Trắng, ban đêm đi diễn, ban ngày tôi đi tiếp thị pano quảng cáo và in ấn. Ròng rã suốt hai tháng trời mới bán được sản phẩm đầu tiên cho Công ty điện tử Tiến Đạt, được 10% hoa hồng - số tiền chỉ bằng một đêm diễn nhưng tôi học được nhiều thứ, biết nhiều thứ đằng sau công việc của một nhạc sĩ.

anh-1-5806-1619579329.jpg

Khi ban nhạc Đen Trắng tan rã, tôi vẫn lặng lẽ đi làm tiếp thị, rồi quyết định mở công ty quảng cáo truyền thông, giới thiệu sản phẩm cho nhiều nhãn hàng quốc tế. Buổi tối lại ngồi đàn piano cho khách sạn Duxton. Còn nhớ, có một vị khách khá sang ngồi hút xì gà và yêu cầu tôi đàn cho ông ấy nghe. Ước chừng từ chỗ tôi đánh đàn đến ghế salon của vị khách chỉ khoảng 8 bước chân nhưng lúc đó tôi lại cảm thấy một khoảng cách quá dài giữa hai con người. Thầm ước: "Biết bao giờ mình mới được ngồi ở vị trí ông khách kia để tự tại thưởng thức âm nhạc?".

Và để rút dần khoảng cách trong 8 bước chân đó, tôi cũng mất 8 năm mới chạm tay đến ước mơ.

Bước vào kinh doanh, dù mang lại cho tôi kha khá tiền nhưng lại thấy cô đơn, đôi lúc hoang mang, mất phương hướng và luôn tự hỏi mình đang đúng hay sai? Lúc không có tiền thì nghĩ đi kiếm tiền để nuôi giấc mơ âm nhạc, nhưng khi mang đồng tiền kinh doanh được để về nuôi âm nhạc thì lại không làm được. Đơn giản vì tôi là nghệ sĩ, nhạc sĩ. Bạn bè tôi phần lớn cũng là nghệ sĩ, nên với họ kinh doanh là thực dụng, tính toán, là những con số thiệt hơn, là một phạm trù không thể xen lẫn. 

Trong khi đó, những người kinh doanh thì lại xem tôi là một nhạc sĩ, đầu óc bay bổng lãng mạn nên chẳng ai muốn hợp tác. 

* Rồi ông làm gì để vẫn là chính mình và... tiếp tục đi?

- Để đi tiếp và vẫn là chính mình, tôi phải dành thời gian để nhìn lại, suy nghĩ, thẩm thấu lại những gì đã làm, rồi ngộ ra: Không phải kinh doanh để kiếm tiền "nuôi" âm nhạc mà là đi tìm kiếm kiến thức từ kinh doanh, học quản trị, tài chính, nhân sự... để về "làm" âm nhạc. 

Khi xác định rõ hai khái niệm "làm" và "nuôi" âm nhạc hoàn toàn khác nhau, tôi đã mở được cánh cửa phía trước cho con đường của mình, đó là kinh doanh trong chính lĩnh vực mình yêu thích nhất, đó là âm nhạc.

Năm 2017, tôi mở trường nhạc MPU cùng anh Trần Minh Tâm, sau này là nhạc sĩ Đức Trí. Từ trường nhạc, tôi tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc gồm có trường dạy nhạc, nhà hát VOH Music One - Opera House, bảo tàng nhạc cụ, đoàn ca múa nhạc. Và đến thời điểm này, gần như tôi đã có đủ hết hệ sinh thái, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và mang lại nhiều giá trị khác cho xã hội, cộng đồng. Thế nhưng, tôi vẫn chỉ là một doanh nghiệp startup.

* Có thể hiểu doanh nghiệp startup của ông theo nghĩa quy mô còn nhỏ hay đang vẫn cần vốn và nhiều nguồn lực hỗ trợ, thưa ông?

- Để có hệ sinh thái âm nhạc, nhiều người cho rằng tôi phải có rất nhiều tiền mới làm được nhưng cách làm của tôi là tạo ra giá trị cho từng lĩnh vực, rồi tự nó nuôi nó và tái đầu tư. Khi muốn khởi nghiệp, không thể chờ đủ tiền mới làm mà hãy bắt đầu từ bước đi nhỏ nhất. Và mỗi bước đi nhỏ đều cho mình những bài học lớn, trải nghiệm lớn.

anh-2-8105-1619579329.jpg

Dù hiện tại các lĩnh vực kinh doanh của tôi vẫn đang sống được nhưng tôi vẫn chỉ là một startup, bởi nói đến startup, tôi muốn nói đến tinh thần của người khởi nghiệp. Quá trình thực hiện các dự án, tôi thấy phải có một thương hiệu quốc gia về âm nhạc. Vượt lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp phải là phụng sự quốc gia. Muốn vậy, hãy xem âm nhạc như một doanh nghiệp và cần có đủ ba yếu tố để phát triển, đó là quỹ đầu tư để giữ người tài và nuôi đoàn ca nhạc, Nhà nước tạo điều kiện và sự hợp lực, chung tay của các doanh nghiệp. Hiện tại, lĩnh vực văn hóa giải trí chưa có tiêu chí cho các quỹ đầu tư lớn tham gia nên tôi vẫn đang làm một mình, rất cô đơn.

* Ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, văn hóa cũng được... xuất khẩu, ông có nghĩ đến việc này?

- Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta xem xuất khẩu văn hóa không chỉ đem lại nguồn tiền cho quốc gia mà còn là cách để quảng bá văn hóa, du lịch. Ví dụ, ở Hàn Quốc họ xem đây là một chiến lược quốc gia và có những hoạt động kết nối doanh nghiệp cùng gánh vác chi phí để xuất khẩu văn hóa, tạo sự bùng nổ và rất thành công. Tôi mong Việt Nam cũng sẽ làm như vậy. Bởi một doanh nghiệp, một ước mơ, một nhóm người không thể tạo được sức mạnh để có những bước đi lớn.

Hay như ở góc độ thương mại, nếu dùng văn hóa để xúc tiến thương mại, kết nối giao thương thì tôi tin cũng rất hiệu quả mà chi phí lại thấp.

* So với những năm đầu khởi sự thì hiện tại khó khăn đã đỡ hơn rất nhiều nên ông cũng ít áp lực hơn...

- Từ lúc nuôi giấc mơ đến lúc thực hiện được cũng gần ba mươi năm. Ba mươi năm trước, con người sống bằng cảm xúc, nhu cầu cuộc sống cũng đơn giản nên việc hiện thực giấc mơ cũng đơn giản. Còn bây giờ con người sống hiện đại hơn, nhiều nhu cầu hơn, ngay cả giấc mơ cũng bị... cạnh tranh thì kinh doanh không thể ít áp lực, thậm chí nhiều hơn. Áp lực từ ý tưởng , sản phẩm đến thương hiệu, tài chính, công nghệ, con người... Và trong lĩnh vực văn hóa giải trí, chỉ riêng việc quản trị nghệ sĩ cũng là một áp lực rất lớn. Sống sót đến phút này, cũng chỉ có một mình. Đôi lúc thấy lẻ loi và cảm giác mình đang vẽ bức tranh mà người khác chưa nhìn thấy được. Nhưng tình yêu nghệ thuật, âm nhạc đã giúp tôi vững vàng vượt qua và luôn tin ở phía trước. Và tôi vẫn không từ bỏ giấc mơ.

* Có nhận xét rằng, thị hiếu hưởng thụ âm nhạc của giới trẻ đang dễ dãi, ông suy nghĩ gì về điều này?

-  Âm nhạc mỗi giai đoạn có một nhịp thở và sức sống riêng của nó nhưng vẫn phải trên cái chung là tính thẩm mỹ, nhân văn và phải đẹp từ ca từ, giai điệu đến hòa âm và hình thức biểu diễn. 

Giới trẻ hiện nay thích nghe nhạc nhưng cảm thụ âm nhạc ở mức độ cao hơn, đa dạng hơn như các thể loại nhạc Jazz, nhạc cổ điển, thính phòng... thì rất ít bạn trẻ hiểu được và yêu thích. 

Bản chất của âm nhạc là để khơi dậy tình yêu thương và cái đẹp trong mỗi người. Vậy nên, các công ty tổ chức ca nhạc, truyền thông ngoài việc phục vụ xu hướng nên có sự dẫn dắt, định hướng âm nhạc đa dạng hơn để nâng cao trình độ thẩm mỹ của các bạn trẻ hơn là đi theo trào lưu, đám đông và bình dân. 

Hiện tỷ lệ các tác phẩm âm nhạc để đời ít hơn rất nhiều so với ngày xưa. Đó là điều đáng buồn và trăn trở.

* Phải chăng, đó cũng chính là lý do ông thành lập Music One - Opera House thành một điểm đến cho người yêu nhạc? 

- Tôi đã được xem rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong các dàn nhạc. Họ không thua kém nghệ sĩ quốc tế và có nhiều người cực kỳ xuất sắc, nhưng truyền thông ít biết đến họ và người xem cũng ít quan tâm. Có cả những người thầy, những nghệ sĩ mà tài năng vẫn đang trong độ chín, những nghệ sĩ được học âm nhạc rất bài bản, dành cả đời cho âm nhạc nhưng để có một sân khấu cho họ có đất diễn thì lại hiếm vô cùng. Và đó chính là điều thúc đẩy tôi tạo lập hệ sinh thái âm nhạc và thành lập Nhà hát Opera House, tạo môi trường cho anh em nghệ sĩ hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Đồng thời, mang nghệ thuật hàn lâm đến với rộng rãi công chúng và giới trẻ. 

* Như vậy ông đang dẫn dắt khán giả chứ không phải đáp ứng nhu cầu của họ, ông chuẩn bị tinh thần này như thế nào?

- Áp lực xã hội và sự lôi kéo của đồng tiền lớn lắm. Nếu chọn con đường dẫn dắt nghệ thuật, định hướng khán giả thì ngoài đam mê, sống hết mình với nó, cần phải có tâm, có tài, dám chấp nhận, hy sinh và phải kiên định thì mới vượt qua được sự lôi kéo và áp lực. 

* Ông có nghĩ đến việc đưa nhạc hàn lâm đến với công chúng và giới trẻ không dễ?

- Nhiều người cho rằng ít người dân thích nghe nhạc thính phòng và hàn lâm nhưng nếu mình làm nghệ thuật nghiêm túc, hướng đến người nghe và sáng tạo, tôn trọng sân khấu và trân trọng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng thì chắc chắn khán giả cũng sẽ đến và dần dần thẩm thấu, yêu thích.

* Quan điểm của ông là làm kinh doanh, tạo ra giá trị cũng là yêu nước. Vậy dự án nào tạo ra giá trị mà ông tâm đắc nhất?

- Đó là bảo tàng nhạc cụ dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc mang nét văn hóa, bản sắc riêng, từ Bắc vào Nam mỗi vùng miền đều có nhạc cụ truyền thống đặc trưng tạo nên sự phong phú, đa dạng cho văn hóa Việt.

anh-3-9738-1619579329.jpg

Hơn 20 năm làm nghề, có dịp sưu tầm, nghiên cứu nhiều nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Hiểu được giá trị của mỗi nhạc cụ dân tộc, tôi mong muốn gìn giữ, trưng bày để nhạc cụ truyền thống không bị mai một cũng như lan tỏa giá trị văn hóa đó cho nhiều người Việt được biết, được tự hào về văn hóa nước nhà, nhất là du khách quốc tế. Đặc biệt, thế hệ trẻ và các em sinh viên trường nhạc có điều kiện nghiên cứu phát huy nhạc cụ truyền thống. Thông qua nhạc cụ, thế hệ trẻ hiểu được văn hóa dân tộc, giáo dục các em gìn giữ văn hóa truyền thống.

Ngoài giá trị gìn giữ, bảo tàng cũng là nơi thu hút khách du lịch. Bất cứ ai đi du lịch quan tâm đến văn hóa đều sẽ tìm đường đến bảo tàng và các nhà hát. Nhưng hiện nay, chúng ta còn có rất ít bảo tàng, nhà hát và các show ca nhạc thật sự có giá trị.

* Nhưng xem ra, để bảo tàng hoạt động được cũng lắm công phu?

- Mỗi nhạc cụ là một câu chuyện và để mỗi nhạc cụ "nói" lên được tiếng nói riêng của nó và bảo tàng cũng sinh động hơn,  tôi đã mang đến cho bảo tàng nhiều hình thức mới mẻ. Khách đến đây không chỉ tham quan, tìm hiểu nhạc cụ mà còn trải nghiệm, được dạy cách sử dụng từng loại nhạc cụ và nghe những câu chuyện xung quanh nó.

Để làm được điều đó, tôi phải đi nhiều nơi, tìm tòi, học hỏi về cấu trúc, văn hóa vùng miền, thậm chí cả trang phục phù hợp với từng loại nhạc cụ.

* Lần đầu tiên TP.HCM có một chương trình nghệ thuật âm nhạc đương đại Shapes of Sound - Dáng hình âm vang, ông kỳ vọng gì vào chương trình này?

- Đây là một chương trình nghệ thuật xây dựng theo ý tưởng kể chuyện lịch sử bằng nhạc cụ dân tộc theo phong cách nghệ thuật đương đại. Trong chương trình, các nhạc cụ dân tộc Việt Nam lần lượt được hòa thanh, biểu diễn độc tấu cùng sự phối hợp, hỗ trợ trong trình diễn hòa nhạc của dàn nhạc dây và dàn nhạc điện tử hiện đại. 

Chương trình quy tụ gần 50 nghệ sĩ đến từ Nhạc viện TP.HCM, dàn nhạc giao hưởng, nghệ sĩ tự do. Những bản đờn ca tài tử ngọt ngào, điêu luyện; giai điệu âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên hay tiếng đàn t’rưng réo rắt vui ca; ca trù, nhã nhạc cung đình Huế du dương và nhạc giao hưởng, nhạc điện tử được sắp xếp làm nền để tôn vinh, làm nổi bật lên tiếng đàn của các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống trong các tiết mục Sky & Earth, Dạ cổ hoài lang, The Fire of beat...

Để thực hiện chương trình, tôi đã ấp ủ dự án trong hai năm với mong muốn góp sức cùng TP.HCM giới thiệu, quảng bá sâu rộng hơn âm nhạc dân tộc đến với giới trẻ, công chúng.

* Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện. Chúc các dự án của ông thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Nguyễn Đức Thịnh - Chủ tịch Công ty CP Music One: "Kinh doanh để nuôi nghệ thuật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO