Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG): Mục tiêu của tôi sẽ đưa 40-50 triệu khách du lịch đến Việt Nam

Ý Nhi| 01/04/2021 05:30

Nhắc đến ông Johnathan Hạnh Nguyễn, nhiều người nhớ ngay đến ông vua hàng hiệu cùng hàng loạt thành tích mà ông đạt được như: Người mở đường bay, doanh nghiệp nhiều năm liền hoàn thành nghĩa vụ thuế (trên 2.000 tỷ đồng), một nhà hảo tâm, một doanh nhân có tấm lòng vàng... Nhưng không chỉ vậy, ông còn là người luôn hướng về quê hương với trái tim của một doanh nhân yêu nước, dám đi trước đón đầu để đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển của đất nước. Ông cũng là một tinh thần ý chí thực nghiệp tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam.

Hanh-Nguyen-3166-1617265768.jpg

Nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hơn 35 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, năm 2020, ông Johnathan Hạnh Nguyễn lại vinh dự là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Đây không chỉ là kết quả trong suốt quá trình xây dựng một tập đoàn sở hữu độc quyền trên một trăm thương hiệu trên thế giới, phát triển IPPG ngày càng lớn mạnh, bền vững của vị Chủ tịch này, mà còn ghi nhận những đóng góp của cá nhân ông cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng, các hoạt động từ thiện xã hội và các chương trình vì cộng đồng.

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn, biến động, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đất nước càng khó khăn, ông khẳng định: “Là một doanh nhân, làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm. Khi đất nước cần thì chúng ta có. Và lúc này là lúc đất nước đang càng cần lắm sự đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp để đưa nền kinh tế phục hồi, phát triển, nhất là những tấm lòng, những sự sẻ chia, đóng góp dù nhiều hay ít cho Tổ quốc và đồng bào trong lúc khó khăn. 

Với tâm nguyện đó, ông đã dành hàng chục tỷ đồng đóng góp cho đất nước phòng chống dịch, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lão lũ, hỗ trợ người dân đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng hạn hán, ngập mặn...

tro-chuyen-1-9965-1617265768.jpg

Không chỉ là điển hình cho thế hệ doanh nhân mới với tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội, ông còn là một doanh nhân luôn kiên định, bền bỉ và tâm huyết với những kế hoạch, dự án kinh doanh lớn, mang tầm quốc gia như mở đường bay Việt Nam - Philippines, nỗ lực đưa các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam, xây dựng cửa hàng miễn thuế tại các sân bay, cửa khẩu... và các dự án mới mang tầm quốc gia vẫn tiếp tục được ông theo đuổi và đã từng bước thành hiện thực. Tất cả dự án đều chông gai, lâu dài và nhiều thử thách, nhưng ông vẫn kiên trì, sáng tạo tìm cách vượt qua vì tâm niệm mang lại nhiều thành quả lớn, góp sức đưa Việt Nam trở thành quốc gia vững mạnh và đầy tự hào trên trường thế giới. 

* Đó là lý do trong năm qua, ông đã đóng góp rất lớn cho cộng đồng và công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như bà con bị thiên tai bão lũ?

- Ngay từ những ngày đầu trở về đất nước cho đến nay, tôi đã tâm niệm: là một doanh nhân, làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm. Khi đất nước cần thì chúng ta có. Vì vậy, tôi đã tham gia rất nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa cho xã hội và xem đó như là trách nhiệm của một doanh nhân đối với đất nước như: Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, Quỹ Phòng chống Covid-19, Quỹ Vì người nghèo... của TP.HCM, hỗ trợ Bộ Ngoại giao và người dân Philippines khẩu trang và các thiết bị y tế trong phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi hạn hán xâm nhập mặn, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ...

* Trong năm qua, dù gặp khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nhưng ông lại cho rằng: “Trong nguy có cơ”. Vậy “cơ“ mà ông tìm thấy là gì?

- Năm 2020 là một năm khủng hoảng với ngành hàng không và du lịch nhưng trong nguy lại có cơ. Ví dụ tại sân bay quốc tế Cam Ranh, trong thời gian tạm ngừng đón khách quốc tế, tôi đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ xin phép cho triển khai thực hiện tiếp giai đoạn 1B. Bởi trong giai đoạn 1A, chúng tôi chỉ đón được tối đa 7 triệu khách quốc tế. Như vậy, không thể bứt phá sau dịch. Nếu triển khai giai đoạn 1B sẽ có khả năng đón thêm được 10 triệu khách, có nghĩa tôi sẽ vượt con số 10 triệu khách đến với sân bay Cam Ranh đúng như mong đợi. Đề nghị của tôi đã được Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải, các ban ngành cho phép thực hiện.

Ngoài ra, vào cuối tháng 12/2020, IPPG và Lotte PK Duty Free (thuộc Lotte Duty Free) cũng đã ký kết hợp tác kinh doanh để phát triển chuỗi cửa hàng miễn thuế dưới phố (down town duty free) tại các thành phố lớn để thu hút khách du lịch trên thế giới đến mua sắm tại Việt Nam. Các cửa hàng downtown và factory outlet hiện cũng là yếu tố thu hút du khách cho nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Ý, Thụy Sĩ...

Dự kiến chúng tôi sẽ mang đến Việt Nam hơn 20 triệu du khách mỗi năm sau khi dịch Covid-19 được khống chế, sẽ góp phần quan trọng tăng trưởng bán lẻ du lịch, tăng thu ngoại tệ... Trước đây, khách quốc tế đến Việt Nam mang 5.000 USD, có khi lại mang tiền về vì thiếu nơi mua sắm. Cửa hàng miễn thuế chính là nơi tiêu tiền. Cứ tạm tính, nếu mỗi du khách mua sắm hàng miễn thuế trị giá 500 USD thôi là chúng ta có 10 tỷ USD rồi.

Cũng năm 2020, chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á đã có bốn, năm dự án sân bay dự định khởi công nhưng vì Covid-19 nên bị đình trệ. Với Việt Nam, dự án sân bay Long Thành được triển khai là sự đột phá và được xem là thắng lợi lớn. Đến năm 2025 khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, mục tiêu của tôi là sẽ đưa 40-50 triệu khách du lịch đến Việt Nam. Hiện IPPG phân phối độc quyền 108 thương hiệu quốc tế, chiếm tới 40% doanh số của toàn bộ cửa hàng miễn thuế. Bên cạnh đó, việc hợp tác với hai thương hiệu hàng đầu thế giới là Công ty DFS và Lotte Duty Free, chúng tôi có hàng trăm nghìn mặt hàng. Ngoài ra, khu phi thuế quan, các factory outlet, cửa hàng miễn thuế, casino, các dịch vụ vui chơi giải trí sẽ tạo thêm cú hích mới để thu hút du khách. Sắp tới, chúng tôi cũng phát triển kinh doanh online duty free để phù hợp xu thế và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, với lợi thế một số mặt hàng chỉ có tại duty free nên doanh thu sẽ còn tăng khả quan.

Một lý do khác để tôi đưa ra mục tiêu đón từ 40-50 triệu khách đến Việt Nam khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động là vì chỉ riêng sân bay quốc tế Cam Ranh hiện nay, dù mới chỉ có cửa hàng miễn thuế cũng mới hoạt động gần đây nhưng đã phục vụ 6,8 triệu lượt khách. Nếu sắp tới chúng ta triển khai nhiều dự án nữa, chắc chắn con số 40-50 triệu khách là khả thi.

* Ông hay nói: “Lùi một bước để nhảy mười bước”, ông đã làm điều đó như thế nào?

- Thông thường người ta hay nói “lùi một bước tiến ba bước”, nhưng tôi xác định “lùi một bước phải nhảy mười bước”. Trong nhiều năm qua, tôi đã “lùi” một bước để nhẫn nại chờ đợi và chuẩn bị các dự án sân bay tại các thành phố, khu phi thuế quan được thực hiện. Nhưng khi Luật Đặc khu tạm dừng, nhiều người khuyên tôi từ bỏ ý định, thậm chí, có người còn khuyên tôi đầu tư vào bất động sản vì lợi nhuận cao, đừng mất thời gian theo đuổi các dự án còn rất... xa vời, đến lúc được làm thì không biết còn đủ sức không”. Nhưng tôi vẫn quyết tâm tập trung vào các thương hiệu. Lúc đầu chỉ có 23 thương hiệu, rồi lên đến mấy chục, rồi bây giờ cả trăm thương hiệu. Tôi nghĩ, đến một thời điểm nào đó, Nhà nước sẽ cần mình, đất nước cần mình. 35 năm trước, việc mở đường bay khó như vậy nhưng tôi đã làm được. Bây giờ việc góp sức phát triển đất nước, nhất là sau dịch bệnh, tôi cũng phải làm được. Đây cũng là lúc Việt Nam cần phải đột phá. Và sự đột phá đã được thể hiện thông qua các chính sách, chủ trương của Chính phủ.

Nhiều năm qua, tôi chờ đợi việc thành lập đặc khu vì đặc khu là miễn thuế, là phi thuế quan. Đó chính là cơ hội để tôi bứt phá. Đến bây giờ thì sự kiên trì chờ đợi “lùi một bước” của tôi đã trở thành hiện thực. Khu kinh tế Bắc Vân Phong, rồi Phú Quốc vừa lên thành phố, IPPG đều được mời ký kết đầu tư. Hiện nay, rất nhiều tỉnh thành cũng đang mời gọi chúng tôi đến đầu tư, phát triển các khu phi thuế quan. Đây chính là lúc tôi “nhảy mười bước”.

* Nhưng ở tuổi 70, vì sao ông không nghỉ ngơi, an nhàn mà lại tiếp tục theo đuổi những dự án lớn, đòi hỏi thời gian dài và nhiều thử thách?

- Ở Việt Nam, có nhiều người trở thành tỷ phú, có nhiều người có hàng tỷ đô la nhưng dịch vụ của họ chỉ gói gọn trong một lĩnh vực nào đó, trong khi các dự án của tôi sẽ đem đến hàng chục triệu du khách cho đất nước, tạo công việc làm thực tế cho hàng triệu lao động. Đó chính là mục đích cuộc sống của tôi. Tôi rất thích câu nói: “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc”. Câu nói đó thúc đẩy cả đời tôi phải làm những điều có lợi cho đất nước, trước đây, bây giờ hay sau này cũng vậy.

* Ông có cảm thấy quá sức khi theo đuổi dự án thành phố sân bay thông minh (smart airport city)?

- Với dự án thành phố sân bay thông minh, cách làm của tôi là chọn phương án phù hợp, khả thi nhất rồi “liệu cơm gắp mắm”. Cụ thể, tôi chỉ triển khai dự án ở mức 500ha hay dưới 1.000ha vì khi đó, chiếc áo mình may vừa với khả năng của mình. Còn nếu thực hiện dự án lớn thì có khi phải mất đến 20-30 năm. Nếu làm theo cách của tôi thì chỉ 10-15 năm đã thấy hiện thực. Hiện chúng tôi đã chuẩn bị và có sẵn các mô hình, từ 300-500ha sẽ thực hiện như thế nào, từ 800ha thì mô hình ra sao. Quan trọng là tìm được quỹ đất trống vì nếu triển khai dự án tại một thành phố mà đã thành lập từ mấy chục năm nay sẽ có nhiều phát sinh, thiếu sót, vì đó là những cái áo cũ, nếu sửa lại thì khó mà đẹp và vừa ý. 

Hiện nay, nhiều địa phương đã có lời mời IPPG đầu tư thành phố sân bay thông minh. Các nhà đầu tư, các đối tác quốc tế cũng đã sẵn sàng cung cấp thông tin về các thành phố sân bay thông minh trên thế giới, các đơn vị, tập đoàn lớn về công nghệ cũng đã hợp tác để xây dựng hệ thống IT. Với mô hình dự án thành phố sân bay thông minh, xe buýt sẽ không có tài xế, không có dây điện trên đầu và tất cả điều hành đều bằng AI. Tôi tin rằng, dự án thành phố sân bay thông minh sẽ đóng góp đáng kể vào GDP của Việt Nam trong tương lai.

* Ngoài giá trị GDP mang lại cho nền kinh tế, còn có giá trị nào khác không, thưa ông?

- Đó là giá trị của bài toán giải quyết việc làm cho người lao động, đội ngũ trí thức, sinh viên tốt nghiệp ra trường. Tại lễ tốt nghiệp lần thứ 14 của Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức tháng 1/2021, tôi cũng đã “đặt hàng” cho các đơn vị, các trường đại học để định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên ra trường và thực tập tại những dự án chúng tôi đang làm như: thành phố sân bay thông minh, ngành hàng không, ngành quản trị nhà ga, logistics, khu factory outlet, siêu thị miễn thuế....Vì vậy, tôi cũng mong Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ chế đặc thù. Khi đó, sự thành công của Việt Nam không chỉ là 6% hay 7% GDP mà sẽ tăng lên hai con số. Tôi từng chứng kiến những nước mà họ đã từng khó khăn, kinh tế đi xuống, nhưng khi vực dậy thì GDP tăng trưởng đến 12-14%. Việt Nam hoàn toàn có quyền tin vào điều đó.

tro-chuyen-2-2915-1617265768.jpg

* Từ một người được hưởng xã hội hóa ở sân bay quốc tế Cam Ranh nhưng với sân bay quốc tế Long Thành, ông lại đề nghị Nhà nước đầu tư quản lý? Và mới đây ông lại chấp nhận thay đổi hợp đồng khai thác sân bay Cam Ranh từ 49 năm xuống còn 19 năm 7 tháng. Vì sao vậy thưa ông?

- Dù biết xã hội hóa thì tôi sẽ có phần, nhưng một sân bay cần một nhạc trưởng, thích hợp nhất là Nhà nước. Khi hàng tỷ USD đổ vào trong sân bay thì sẽ do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị có hơn 95% vốn nhà nước quản lý. Hơn nữa, Cảng HKQT Long Thành còn là một cảng hàng không chiến lược có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống an ninh - quốc phòng của nước ta. Nhà nước, Chính phủ có thể quản lý, điều hành, đưa ra những chiến lược, quyết sách ưu tiên cho các lợi ích về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng chứ không đơn thuần chỉ là hoạt động kinh doanh thương mại.

Mặc dù đã xây dựng và vận hành thành công nhà ga quốc tế Cam Ranh, nhưng xét về các yếu tố tổng thể về an ninh - quốc phòng và lợi ích của Nhà nước, tôi nhận thấy Nhà nước vẫn cần nắm giữ vai trò chủ đạo tại Cảng HKQT Long Thành. Ở một số nước có cảng hàng không có quy mô tương tự như Long Thành, đa phần vẫn do Chính Phủ hoặc các tổng công ty nhà nước đầu tư và vận hành như: Cảng HKQT Changi (Singapore); Cảng HKQT Incheon (Hàn Quốc); Cảng HKQT Charles de Gaulle (Pháp); Cảng HKQT Frankfurt (Đức); Cảng HKQT Suvarnabhumi (Thái Lan),...

* Năm qua, điều gì ông cảm thấy tự hào nhất về những thành quả làm được?

- Năm vừa qua là một năm quá khó khăn, chúng tôi cũng có cái được và cái mất nhưng cái mất lại không đáng kể. Nhờ dự báo khá chính xác tình hình và có nguồn quỹ dự phòng 2.000 tỷ đồng chưa sử dụng đến, nên các công ty con vẫn vững mạnh. Ảnh hưởng dịch bệnh, ai cũng nghĩ hàng hiệu sẽ thất thu nhưng sự thật là hàng hiệu lại tăng trưởng vì các tín đồ hàng hiệu không ra nước ngoài mua sắm được, họ gọi điện thoại chúng tôi mang đến, doanh số tăng 20% và lãi vẫn trên 15%. Đặc biệt là được sự đồng lòng, chung tay và nỗ lực cùng nhau của các cộng sự, các thành viên trong gia đình, dưới sự chỉ đạo của tôi, IPPG đã vượt qua sóng gió và quan trọng nhất là có một năm kinh doanh không thua lỗ, không bị phá sản hay bị nợ lương nhân viên.

Thêm một điều mà tôi cảm thấy tự hào đó là, vừa qua Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) công bố, lần đầu tiên sau dịch bệnh nhưng vẫn chia lãi cho các cổ đông, chúng tôi không thua lỗ, không âm vốn mà lại có lãi để chia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG): Mục tiêu của tôi sẽ đưa 40-50 triệu khách du lịch đến Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO