Ông chủ DGW: 18 năm vẫn "yêu say đắm" CNTT

09/09/2015 01:30

Sự kiện DGW lên sàn là mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông Đoàn Hồng Việt, sau 18 năm "yêu say đắm" nghề CNTT.

Ông chủ DGW: 18 năm vẫn

Sự kiện DGW lên sàn là mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông Đoàn Hồng Việt, sau 18 năm "yêu say đắm" nghề công nghệ thông tin (CNTT).

Trong buổi sáng 3/8/2015, khi được Trung Tâm Chứng Khoán TP HCM (HOSE) trao giấy chứng nhận MCK: DGW lên sàn, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT/Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld Corporation - DGW) không giấu nổi cảm xúc của mình: “Tôi đợi ngày này lâu lắm rồi. Bởi trước xu thế hội nhập toàn cầu, DN không thể mạnh lên nếu không bắt tay với các đối tác. Ngoài ra, cũng để cho cổ đông thấy sự minh bạch về tài chính và giá trị công ty của mình…”, và ông Việt cũng không ngần ngại chia sẻ chiến lược thành công trong kinh doanh của mình. 

Thế chân kiềng

* Trong kinh doanh, đương nhiên DN nào cũng có những định hướng, chiến lược, bí quyết riêng của mình để DN tồn tại và phát triển. Vậy, chiến lược kinh doanh của DGW là gì thưa ông?

- Đến hôm nay DGW bước vào tuổi 18 – đời người được xem là tuổi bắt đầu trưởng thành nhưng quan điểm của DGW muốn trưởng thành, phát triển bền vững cần phải có một chủ định đủ lớn để tiếp nhận, nuôi dưỡng và phát triển những ước mơ lớn. Đặc biệt, DN phải có tầm nhìn rộng mở để cho những nhân tài có đất dụng võ và phải có một môi trường minh bạch tương đương xứng đáng để giữ chân họ. Và tất cả điều đó nằm trong chiến lược từ 3 chữ C đó là: “Cơ sở, Con người và Cơ hội” kiên định, nhất quán và chúng tôi đã vận dụng, xuyên suốt qua từng chặng đường phát triển của DGW.

Trong khoảng 5-6 năm đầu gây dựng công ty, chúng tôi bắt đầu từ “Cơ hội” khi thị trường CNTT Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển như vũ bão. Từ các DN lớn, đến các DN SMEs hay mỗi cá nhân trong xã hội… đều có nhu cầu sử dụng CNTT nên việc mở rộng thị trường, xây dựng hệ thống bán lẻ từ những thành phố lớn, đến các tỉnh lẻ, chúng tôi đều nhắm đến. Người nhiều tiền sẽ dùng hàng hiệu với sản phẩm đắt tiền, còn người ít tiền, có thể dùng sản phẩm phổ thông… đó là cơ hội.

Đến giai đoạn cách đây 10 năm thì chúng tôi đã nhìn ra rằng để phát triển bền vững thì phải xây dựng nền tảng “Cơ sở” vững chắc, đầu tư vào “con người” để phát triển bền vững từ nội lực, đó chính là chiến lược toàn diện “từ trong ra ngoài” làm nên vị thế DGW ngày hôm nay.

* Vậy ông có thể “tiết lộ chi tiết” hơn về chiến lược 3C qua 18 năm được không?

- DGW hiện là công ty đại chúng, nên chẳng cần phải giấu diếm điều gì.

Thứ nhất, về “Cơ sở”, DGW đã thành lập và tổ chức hiệu quả 3 trung tâm kinh doanh tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mạng lưới bán lẻ lên tới 6.000 đại lý rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước, đã phát triển 3 trung tâm dịch vụ khách hàng DGCare và 15 điểm tiếp nhận có thể giải quyết đến 95% các yêu cầu dịch vụ trong vòng 3 ngày làm việc. Công ty còn áp dụng hệ thống phần mềm ERP chuyên nghiệp của SAP; Hệ thống Logistics rộng và chuyên nghiệp để tối ưu hóa chi phí và hỗ trợ khách hàng kịp thời.

Thứ hai, về “Con người”– là yếu tố mà DGW đặc biệt coi trọng, cách đây 5 năm chúng tôi đã đầu tư nguồn lực cả tài chính và cử lãnh đạo chủ chốt tham gia vào việc xây dựng văn hóa DN, tổ chức các khóa huấn luyện tạo dựng nên Digiworld DNA, tìm kiếm và phát triển đội ngũ lãnh đạo kế thừa.

Thứ ba, “Cơ hội” như tôi đã nói ở phần trên và những năm gần đây DGW có thêm “cơ hội” tiếp cận thêm các thương hiệu mới từ chiến lược 3C.

* Và các tập đoàn điện tử nước ngoài đã tìm đến DGW?

- Trong mảng kinh doanh CNTT và KTS, DGW hiện là một trong ba nhà phân phối hàng đầu tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đáp ứng được các tiêu chí để trở thành nhà phân phối uy tín của các thương hiệu hàng đầu trên thế giới như: HP, Dell, Acer, ASUS, Toshiba, Samsung, Gateway; Genius, Logitech, Belkin, APC…

Năm 2014 DGW đã ký thêm các hợp đồng phân phối với hãng sản xuất màn hình AOC, Philips, máy in Ricoh, Fuji Xerox, đặc biệt là hai dòng sản phẩm điện thoại thông minh Wiko (Pháp) và Xiaomi (Trung Quốc). Năm 2015, DGW tiếp tục trở thành nhà phân phối độc quyền điện thoại OBI. Đây là nhãn hiệu điện thoai thông minh của John Sculley – cựu TGĐ Apple. Dự kiến điện thoại OBI sẽ ra mắt vào Quý III tại Mỹ và một tháng sau đó, DGW sẽ là đối tác đầu tiên tại châu Á tung dòng sản phẩm này ra thị trường Việt Nam.

Chúng tôi tự tin là một trong số ít nhà phân phối áp dụng chính sách bán hàng tận gốc, phân phối trực tiếp tới từng đại lý nhỏ lẻ nhằm đảm bảo lợi ích tối ưu cho đại lý, đồng thời mang đến cho người dùng cuối sản phẩm với chất lượng tốt với giá thành tiết kiệm nhất.

Ngoài ra, kinh nghiệm phân phối sỉ lâu năm giúp chúng tôi có nền tảng vững chắc về quản lý tài chính, quản trị hệ thống và logistics, đây là bàn đạp giúp chúng tôi đón đầu xu hướng cung cấp các dịch vụ cho thương mại điện tử tại Việt Nam.

Đón đầu cơ hội

* Thời gian qua, nhiều DN kinh doanh điện máy, CNTT và kỹ thuật số gặp không ít khó khăn. Ở góc độ người trong cuộc, ông đánh giá ra sao về thị trường này?

- Đây là thị trường còn vô số tiềm năng. Ngoài các dòng sản phẩm CNTT như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng và màn hình máy tính, triển vọng tăng trưởng của ngành điện thoại di động vẫn còn rất lớn. Theo thống kê của IDC, tỷ lệ thuê bao 3G ở Việt Nam trong năm 2015 vẫn còn thấp, chiếm chỉ 27% tổng dân số. Ngoài ra, điện thoại smartphone đang sôi động nhưng chỉ bán được 10 triệu máy chiếm khoảng 10% dân số. Trong khi ở Thái Lan, các Cty phân phối hàng đầu đều đạt doanh số hơn 600 triệu USD/năm. Các nhà đầu tư từng trải ở Thái Lan, họ có thể sẽ thấy trước được các bước phát triển tương đồng ở Việt Nam. Đây chính là lý do nhiều nhà đầu tư Thái Lan hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đã từng thành công ở Thái Lan chuyển hướng đổ vốn vào Việt Nam trong thời gian gần đây và tiếp tục trong thời gian tới.

* Và DGW sẽ làm gì để trở thành đối trọng với các nhà kinh doanh Thái?

- Mảng kinh doanh điện thoại di động hiện nay đang được DGW chú trọng, vì thị trường này đang tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến điện thoại di động sẽ chiếm khoảng 65-70% tổng doanh thu trong năm 2015. Mảng phân phối laptop sẽ chiếm khoảng 30-35% tổng doanh thu, khoảng 5% còn lại sẽ là máy móc thiết bị. Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc, thương lượng với một số nhãn hàng lớn khác. Ngoài ra, theo định hướng chiến lược trong thời gian tới, DGW sẽ nghiên cứu các cơ hội M&A, liên doanh liên kết nhằm tăng quy mô cũng như gia tăng lợi nhuận cho Cty.

Tuy nhiên, cũng không thể nói trước được điều gì nhưng tôi đặt niềm tin tuyệt đối vào ngành này và định hướng phát triển của DGW trong thời gian tới. Với các thành phố lớn, chúng tôi tập trung phát triển dòng sản phẩm smartphone cao cấp. Trong khi những sản phẩm có giá cả bình dân sẽ được đưa về các vùng nông thôn bởi theo khảo sát thị trường, sản phẩm KTS về vùng nông thôn còn hạn chế.

Phải “yêu” say đắm mới có hạnh phúc

* Xin hỏi, tại sao ông lại chọn nghề này để khởi nghiệp?

- Xuất phát điểm của DGW là từ đam mê của tôi với ngành CNTT. Bản thân tôi học kinh tế, nhưng lúc nào cũng mơ màng về CNTT, đến khi đi làm, tôi tìm đến công ty của một tập đoàn Singapore chuyên về lĩnh vực CNTT có trụ sở tại TP HCM. Học trường, học đời giúp tôi tích lũy được chút vốn liếng kinh nghiệm và được sự hỗ trợ của gia đình, tôi quyết tâm khởi nghiệp riêng cho mình từ nghề này.

DGW thuộc Top VNR500 liên tục trong 8 năm liền từ 2007 đến 2014. Trong 3 năm trở lại đây, DGW đạt tốc độ tăng trưởng doanh số kép là 27,3% một năm. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng kép 31% một năm. Năm 2014 là năm phát triển rực rỡ và đạt kết quả tăng trưởng ấn: Tổng doanh thu đạt 4.877 tỷ đồng, tăng 59,5% cùng kỳ năm 2013. Lợi nhuận sau thuế và lãi cơ bản/cổ phiếu tăng lần lượt 148,9% và 148,6% so với năm 2013. Dự kiến 2015 đạt 6.230 tỷ đồng và những năm tiếp theo, doanh thu tăng trưởng khoảng 20% cùng với mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2020.

DGW phiên chào sàn giá 52.000 đồng/CP tổng số lượng phát hành 23,6 triệu CP, tương đương vốn hóa trên thị trường là 235,8 tỷ đồng. Ngày đầu tiên DGW có mức giao dịch khá ấn tượng. Giá mua thấp nhất là 60.000 đồng một cổ phiếu, còn cao nhất là 62.000 đồng.

* Với kinh nghiệm thành công từ DGW, ông có thể chia sẻ…?

- Cứ “yêu say đắm” sẽ nhận được hạnh phúc! Khi tôi bước chân vào kinh doanh nghề này, trên thị trường cũng không kém sôi động của những mảng kinh doanh khác “siêu lợi nhuận” như TTCK, thị trường bất động sản nhưng tôi vẫn chuyên tâm vào ngành, một lòng, một dạ nghĩ đến ngày mai, ngày kia và xa hơn… DGW phát triển được bao nhiêu đại lý, làm thế nào để giành quyền phân phối các sản phẩm mới… Cho nên trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, doanh thu và lợi nhuận của DGW vẫn tăng trưởng đều. Trong khi đó, như chúng ta cũng đã thấy, biết bao nhiêu DN phá sản vì chạy theo “siêu lợi nhuận”.

* Vậy ông có lời khuyên nào cho những bạn trẻ bước chân vào con đường khởi nghiệp

- Thành công chỉ đến với những ai có đam mê và sống hết mình với đam mê đó.

Không phải cứ làm doanh nhân mới thành công. Nếu bản thân yêu nghề gì mà mình thích, tâm huyết, chắc chắn sẽ thành công nghề nghiệp. Ví dụ nếu bạn tâm huyết với nghề may, chắc chắn qua thời gian, bạn sẽ có tay nghề giỏi, có nhiều khách hàng, mở nhiều cửa hàng… Hay nếu bạn đam mê về ẩm thực, qua thời gian chắc chắn bạn sẽ trở thành một chuyên gia giỏi trong nghề… Và tôi nghiệm, thành công chỉ đến với những ai có đam mê và sống hết mình với đam mê đó.

* Xin hỏi ông câu cuối, ngoài công việc kinh doanh, ông còn có những thú vui gì để “nạp năng lượng”?

- Nói thật, doanh nhân lúc nào cũng công việc, nếu như mình không biết sắp xếp thời gian, nghỉ ngơi, giải trí. Ngoài trừ đi công tác xa, tôi vẫn dành thời gian cuối tuần đưa các con đến rạp xem phim và chơi Golf – môn thể thao tôi yêu thích nhất. Chơi Golf đã “nạp” thêm cho tôi ý chí chiến thắng bản thân, ý chí chiến thắng trong công việc, có thêm những giây phút thư giãn sau những ngày ngồi trong bốn bức tường, máy lạnh.

* Cảm ơn ông và chúc DGW thành công nhiều hơn nữa bằng chiến lược 3C!

>Văn hóa doanh nghiệp - "bí quyết vàng" để thành công

>5 bài học kinh doanh thú vị từ tỷ phú Donald Trump

>50 bài học quản trị từ Gates, Jobs, Buffeet và Branson

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông chủ DGW: 18 năm vẫn "yêu say đắm" CNTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO