Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Kiểm định Xây dựng (Cotesco), vào đời với một xuất phát điểm thấp. Quê nghèo, cha mẹ công tác xa, thời thơ ấu của người thanh niên quê gốc Nghệ An này khá cơ cực, nhưng cũng ăm ắp kỷ niệm.
Tranh: HOÀNG TƯỜNG |
Là những ngày đói. Là những buổi dang nắng mót lúa trên cánh đồng vừa thu hoạch. Là những đêm trăng sáng cùng đám trẻ nghịch ngợm trong làng bơi vượt sông Giăng, nhánh sông đổ vào thượng nguồn sông Lam, trộm đậu phộng, trộm khoai... Là những buổi theo cha mình ra đồng. Đến năm 15 tuổi, anh mới biết... đánh răng.
Có lẽ cũng chính những năm tháng cơ hàn đã giúp anh hình thành một khả năng sống còn dẻo dai khi dấn thân vào thương trường, nhất là lĩnh vực tư vấn và kiểm định xây dựng vốn là ngành dịch vụ cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Xin một cuộc hẹn với Nguyễn Anh Tuấn không dễ. Không phải vì công việc quá bận rộn, mà phần vì chưa từng làm việc với báo chí, phần vì ngại rằng mình chưa “chín”. Nhưng khi tiếp xúc thì anh tỏ ra khá cởi mở.
Năm 2003, sau ba năm làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, Nguyễn Anh Tuấn chuyển công tác xuống Vĩnh Long. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu từ quyết định “bỏ phố về quê” này. Anh nói:
Quyết định xuống Vĩnh Long làm việc là do ảnh hưởng của mấy bậc đàn anh của tôi. Các anh ấy có tư duy khá mở, ấp ủ ý định thành lập một phòng thí nghiệm xây dựng chuyên nghiệp, bởi ngành này lúc còn khá non trẻ, nhiều doanh nghiệp nhỏ, làm ăn manh mún, thậm chí chụp giựt…
So với TP. Hồ Chí Minh, áp lực cạnh tranh ở Vĩnh Long có vẻ như bớt khắc nghiệt hơn?
Thực ra tôi cũng chưa nghĩ đến chuyện đó đâu, vì cũng mới đi làm được ba năm, mặc dù trong lòng cũng có đôi chút băn khoăn về quyết định của mình. Đi Nhưng cũng mong có ngày về lại Sài Gòn.
Anh mang gì trong hành trang ngày trở về?
Cuối 2005, xí nghiệp nơi tôi làm việc sáp nhập vào một doanh nghiệp ở Sài Gòn. Đến năm 2006, tức là sau ba năm thành lập, phòng thí nghiệm tách ra thành một trung tâm tư vấn xây dựng, tôi trở thành giám đốc đơn vị này. Tháng 9/2009, chúng tôi chuyển đổi trung tâm thành công ty cổ phần.
Điều đó đồng nghĩa với việc anh thừa hưởng toàn bộ năng lực, kinh nghiệm, khách hàng, các mối quan hệ… tích lũy được trong sáu năm?
Đúng vậy. Mặc dù có thuận lợi hơn việc gầy dựng một doanh nghiệp mới nhưng ngành tư vấn và kiểm định xây dựng cạnh tranh rất nghiệt ngã.
Mặt khác, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này mọc lên như nấm sau mưa. Năm 1993, cả nước có vỏn vẹn 14 đơn vị, chủ yếu là của Nhà nước, cung cấp dịch vụ thì đến cuối 2010, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã vượt con số 1.000.
Phần vì thị trường tiềm năng, phần vì việc thành lập doanh nghiệp không quá khó. Yêu cầu về vốn không lớn, công nghệ không quá phức tạp, nhân sự cũng không có gì ghê gớm. Việt Nam vẫn đang phát triển hạ tầng, nên làm ăn làng nhàng cũng có thể kiếm được năm, bảy khách hàng, đủ để nuôi quân.
Nhưng tôi nghĩ trong vòng năm, mười năm tới, khi thị trường ngày càng chuyên nghiệp, kiểu cạnh tranh “sát phạt” nhau bằng cách giảm giá sẽ không còn nữa. Thời làm ăn chụp giựt đang qua nhanh. Chỉ có làm đàng hoàng, bài bản thì mới tồn tại được.
Anh mất bao lâu để nhận ra điều đó?
Cuối năm 2009. Có giai đoạn cứ loay hoay, làm thì làm vậy thôi, chứ không có chiến lược rõ ràng. Để thắng một hợp đồng, tôi phải xoay xở khá nhiều vì cần sự chấp thuận của nhiều đơn vị, chẳng hạn như nhà thầu, tư vấn giám sát, chủ đầu tư... Mỗi lần thua hầu là một lần mất ăn mất ngủ, tự trách mình đã không lường đủ các biến số tác động đến việc thắng được hợp đồng.
Phải chăng một phần cũng vì áp lực về doanh thu?
Chuyện đó là có. Nhất là giai đoạn khởi nghiệp. Khách hàng ít nên kiếm được hợp đồng nào là chăm sóc từng ly từng tí, kể cả những chuyện không liên quan đến công việc.
Nhiều lần đi công tác miền Tây, về đến Sài Gòn gần 10 giờ đêm, mà khách hàng điện thoại rủ nhậu là đi liền. Khách hàng hài lòng, còn mình thì đuối.
Vốn ít, phải dàn trải ra những hợp đồng nhỏ, nhưng tôi lại không chú ý đến việc thu hồi công nợ, dẫn đến có nhiều khoản nợ quá hạn, thậm chí không thể thu hồi.
Làm dịch vụ cho nhà thầu, nên mình phụ thuộc vào bên B. Tiền từ chủ đầu tư, bên A, rót xuống khi đến được bên B thì còn phải ưu tiên cho những đối tác khác, như nhà cung cấp nguyên vật liệu, máy móc thiết bị..., thành ra nhà thầu phụ như chúng tôi thường là đơn vị cuối cùng được thanh toán.
Thế nên, có những khi gần đến ngày trả lương cho nhân viên là mình nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa, tìm cách xoay tiền để trả lương cho anh em. Mặc dù trước mắt là nợ, nhưng trả lương xong thì sướng không tả nổi.
Vậy đã lần nào anh phải khất nợ lương nhân viên?
Cũng có khi chậm lương năm bảy ngày, phải đi vay nóng. Tuy nhiên, thật may mắn là vào những thời điểm then chốt, tưởng đâu hết đường, thì lại có một khoản tiền ở đâu đó về, như một sự đền bù cho những nỗ lực không mệt mỏi.
Theo quan sát và trải nghiệm của tôi, người lãnh đạo thường làm việc như một con trâu cày trong giai đoạn khởi nghiệp.
Một phần vì cái gì mình cũng phải nhúng vào, đặc biệt là tìm khách hàng, thương thảo hợp đồng, công tác thanh toán và chăm sóc khách hàng. Ôm mãi rồi cũng mỏi. Vừa hại mình, vừa cản trở sức sáng tạo của những cộng sự.
Thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản là một vấn đề khá nhức nhối. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kiểm định chất lượng xây dựng, anh nghĩ sao?
Thực trạng này đã được đề cập quá nhiều, tôi cũng không muốn nói lại. Thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản liên quan trực tiếp đến tệ nạn tham nhũng.
Bên cạnh đó, trình độ con người hạn chế cũng góp phần đáng kể, thể hiện rõ nhất ở quá trình lập quy hoạch cho dự án cơ sở hạ tầng, giao thông...
Không quá khó khăn để thấy những con đường rất đẹp vắng bóng xe, chỉ thấy trâu bò đủng đỉnh giữa đường. Hoặc nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phải mất hơn một thập niên mới đưa vào sử dụng. Thiệt hại từ lãng phí cũng đáng sợ không kém tham nhũng.
Thế nhưng, công luận vẫn thường đổ lỗi cho nhà thầu. Nhưng nếu nhìn nhận một cách thấu đáo và công tâm thì có nhiều trường hợp nhà thầu rơi vào tình trạng bất khả kháng.
Thông thường, các dự án liên quan đến vốn ngân sách do các đơn vị Nhà nước làm chủ đầu tư. Ngay từ bước thiết kế và lập dự toán cho công trình, định mức và đơn giá do các sở ban ngành liên quan như tài chính, xây dựng quy định.
Nhà thầu khó có thể mua được vật liệu, máy móc... phục vụ thi công theo đơn giá này, chưa kể việc triển khai dự án chậm trễ, có khi mất sáu tháng, một năm thậm chí lâu hơn nữa do thủ tục hành chính...
Với tốc độ lạm phát cao trong nhiều năm qua, việc trượt giá là không thể tránh khỏi. Mặt khác, việc chủ đầu tư nhiều khi chậm thanh toán vì nhiều lý do khác nhau, ngay cả khi công trình đã nghiệm thu, khiến nhà thầu gặp vô vàn khó khăn.
Trong khi đó, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ việc phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, nên có những trường hợp, dù biết lỗ nhưng trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn phải ký hợp đồng, để tạo công ăn việc làm cho người lao động và trả lãi ngân hàng, chờ đợi cơ hội tốt hơn.
Thực ra, đa số các doanh nghiệp xây dựng đều muốn làm tốt.
Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì các doanh nghiệp nói chung, và đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng khó thể cầm cự?
Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó một câu nói, đại ý rằng nếu bạn nợ ngân hàng một trăm đô la thì bạn là con nợ, còn khi bạn nợ ngân hàng một trăm triệu đô la thì bạn trở thành chủ nợ. Đó cũng là tình cảnh của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam bây giờ.
Trong tình cảnh hiện nay, nhiều nhà thầu phải xoay xở mọi cách để sống còn.
Theo kinh nghiệm của anh thì “xoay xở thế nào”?
Với những doanh nghiệp có năng lực tài chính khá hơn một chút, họ thận trọng hơn trong việc lựa chọn những dự án ít rủi ro, chẳng hạn như giá tốt, có sẵn vốn, tốc độ giải ngân nhanh...
Trong trường hợp cực chẳng đã, phải chấp nhận bỏ thầu giá thấp để có hợp đồng, những nhà thầu đàng hoàng sẽ tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh như năng lực về máy móc thiết bị, giải pháp công nghệ tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí.
Số khác buộc lòng phải lựa chọn phương án giảm bớt khối lượng và giảm chất lượng công trình.
Thành ra có những công trình sau khi đưa vào hoạt động một thời gian thì xuống cấp nghiêm trọng như báo chí đã nêu trong thời gian qua.
Theo anh, tình trạng tiêu cực trong xây dựng cơ bản xảy ra nhiều nhất ở khâu nào?
Cũng nhiều khâu lắm, nhưng tôi thấy nhiều nhất ở khâu đấu thầu. Lựa chọn nhà thầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thành công của một dự án. Nhà thầu tốt thì chủ đầu tư rất khỏe.
Chuyện nhiều đơn vị dự thầu vận động hành lang trong quá trình dự thầu là khó tránh khỏi. Trao đổi với một số chuyên gia đã từng làm việc trong ngành xây dựng ở nước ngoài, tình trạng này cũng có nhưng nhà thầu có năng lực tốt nhất vẫn luôn được chọn.
Ở ta hiện nay, việc một số nhà thầu yếu về năng lực tài chính lẫn chuyên môn nhưng vẫn thắng được nhiều dự án có quy mô lớn vẫn thường xảy ra.
Liệu có giải pháp nào để giải quyết thực trạng này?
Một trong những biện pháp hạn chế rủi ro đối với dự án là quy trình đấu thầu phải thật chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần có những điều khoản thật chi tiết, ràng buộc trách nhiệm của đơn vị trúng thầu về chất lượng công trình trong suốt quá trình thi công, thậm chí sau khi đã bàn giao công trình.
Nhà nước có thể có quy định nhà thầu kéo dài thời hạn bảo hành cho công trình. Đổi lại, họ sẽ được hưởng thêm các khoản chi phí tương xứng.
Thị trường bất động sản trầm lắng và chưa thấy có dấu hiệu khi nào sẽ phục hồi. Là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho nhà thầu, hẳn rằng anh chịu tác động khá nhiều?
Sự im ắng của thị trường bất động sản có tác động đến chúng tôi, nhưng không nhiều. Bởi mảng dịch vụ xây dựng bất động sản chỉ chiếm 20% doanh số. Phân khúc chúng tôi tập trung là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, như cầu, cảng, đường sá...
Đây mới là lĩnh vực chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều, vì chiếm đến 80% doanh thu của doanh nghiệp.
Biện pháp thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đưa ra khiến một số dự án giao thông trọng điểm phải đình hoãn, nhiều dự án đang triển khai cũng sẽ bị tạm ngưng... làm mình “thấm đòn”, bắt đầu quan tâm đến bất ổn vĩ mô. Trước kia, với tôi, đây là chuyện đâu đâu, chứ không phải của mình...
Vậy mà trong tình trạng khó khăn như hiện nay, được biết anh vẫn tiếp tục “mua vào” nhân công?
Đúng là tôi đang tìm kiếm những người giỏi. Đương nhiên, trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi không thể đãi ngộ như mình mong muốn. Nhưng anh em đến với mình thì cố gắng “nuôi” và chờ... thời.Thiệt hại từ lãng phí cũng đáng sợ không kém tham nhũng.
Thế có sa thải bớt để nhường chỗ cho những người mới?
Đến thời điểm này, công ty chưa hề sa thải một ai. Thực tế cũng có một số anh em ra đi nhưng nhiều người cũng đã quay về. Mà những người đã về thì tôi tin họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Hiện nay, ngoài đang không “êm”, mà trong không “ấm” thì rất nguy hiểm. Mục tiêu của tôi là cố gắng giữ người, ổn định nguồn nhân lực bằng cách kiếm thêm việc làm để đảm bảo thu nhập cho anh em.
Còn mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời anh là...
Mục tiêu thì có nhiều, chẳng hạn như tài chính, học vấn... nhưng nói gọn lại là trong con người mình có bao nhiêu năng lượng thì muốn “xài” mình một cách hiệu quả nhất, để đến khi chết, mình rỗng như một cọng rơm khô.
Làm sao để biết đã xài mình đúng hay chưa?
Câu hỏi này tôi vẫn thường xuyên tự đặt cho mình. Tôi chỉ có thể trả lời rằng ngay tại thời điểm này, có vẻ như tôi đang đi đúng hướng. Tôi nghĩ trong mười năm tới mình vẫn tiếp tục làm doanh nghiệp. Còn sau đó thì không dám nói, biết đâu số phận lại dẫn dắt cuộc đời mình sang ngả khác.
Cũng như lúc còn nhỏ, tôi từng mơ ước sẽ làm chính trị, nhưng hiện tại thì lại làm kinh doanh. Chỉ biết khi đã làm việc gì thì luôn tận tâm, tận lực.
Mơ ước ấy bây giờ còn không?
Nó “teo” lại gần bằng zero rồi. Hồi đó còn nhỏ quá, đã biết gì đâu, chính trị với tôi là “có chức”, mà có chức thì oai.
Gia đình anh có ai đi theo con đường chính trị?
Không. Mẹ tôi là giáo viên tiểu học. Cha tôi là quân nhân. Sau năm 1975, ông tiếp tục tham gia chiến dịch Campuchia. Lúc ấy hòa bình rồi nhưng cuộc sống vô cùng thiếu thốn, lúc nào cũng đói, cũng thèm ăn.
Anh thèm nhất món gì?
Thèm kem. Thèm hột vịt lộn. Kể từ khi cha tôi phục viên về địa phương với tỷ lệ thương tật 61% năm 1982 thì thèm sách. Thỉnh thoảng, có dịp lên huyện, ông lại mua cho tôi một cuốn.
Mỗi lần có sách mới là tôi giấu biến vào cặp, sợ người khác mượn, chờ đến tối, tắm rửa sạch sẽ, lên giường trùm chăn, khêu cái đèn dầu, nhẩn nha đọc dưới ánh sáng leo lét.
Bây giờ anh còn thì giờ để đọc không?
Tôi vẫn đọc. Một trong những vật bất ly thân là cây bút dấu, đánh dấu những đoạn mà mình tâm đắc. Có những cuốn hay thì đọc lại, nhưng lần hai chỉ đọc những đoạn đã đánh dấu thôi. Mỗi cuốn sách mà lượm được năm, bảy câu hay... là lời rồi, nhớ hoài.
Có một câu mà tôi rất thích, rằng: “Người thông minh học từ sai lầm của mình, còn thánh nhân học từ sai lầm của người khác”.
Thánh nhân thì hiếm lắm?
Trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống, có trải qua nhiều vấp váp tôi mới thấy học theo “thánh nhân” vẫn tốt hơn là học từ “người thông minh”. Người ta thường nói cứ nhào vô làm đi, làm rồi sẽ có kinh nghiệm. Có thất bại, có đau đớn, thì mới nhớ.
Cũng như muốn bơi thì phải sặc nước mấy lần, muốn đi xe đạp thì phải tập, phải té...
Quan điểm này đúng, nhưng không phải lúc nào cũng có thể áp dụng phù hợp, đặc biệt là trong kinh doanh, có những sai lầm mà mình không còn cơ hội để làm lại.
Khác với tập bơi hay tập đi xe đạp, tổn thương không chỉ làm riêng mình đau đớn, mà còn ảnh hưởng đến những người ruột thịt, những cộng sự. Tôi nhớ một câu nói, rằng “Kinh nghiệm giống như chiếc lược cho những người hói đầu”.
Một cụm từ xuất hiện nhan nhản trong thời gian gần đây là “tái cấu trúc” doanh nghiệp, thậm chí có một số trường hợp mới hoạt động được vài ba năm đã phải tái cấu trúc.
Nếu có định hướng, chiến lược rõ ràng từ đầu, đừng ôm đồm, đừng lập ra những công ty con, làm những chuyện không phải sở trường của mình... thì đâu cần phải tái cấu trúc sớm như vậy.
Nhờ đọc sách mà tôi tránh được khá nhiều rủi ro thường gặp khi khởi nghiệp. Vấp ngã làm người ta nhớ lâu hơn, nhưng nếu bớt vấp ngã thì hẳn sẽ đến đích nhanh hơn.
Khi đề cập đến thành công của Bill Gates hay Mark Zukenberg, sáng lập trang Facebook..., nhiều khi người ta cứ nhấn mạnh đến chi tiết những nhân vật này không học hết đại học, khiến nhiều người nhầm hiểu rằng không cần học, cần đọc cũng sẽ thành công.
Tuy nhiên, phải thấy rằng những trường hợp như Bill Gates, Mark Zukenberg học rất nhiều, chỉ có điều họ không đến trường mà thôi. Nhiều thống kê cho thấy những người học hành đến nơi đến chốn có tỷ lệ thành công cao hơn.
Anh lớn lên ở Nghệ An, tại sao anh không thi đại học ở Hà Nội mà lại học ở TP. Hồ Chí Minh?
Hồi trung học, tôi chuyển vào học ở Bình Định, nên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi thuộc khu vực thi ở phía Nam. Hơn nữa, qua sách báo, Sài Gòn trong hình dung là một vùng đất dễ sống. Có vậy thôi.
Để nuôi anh ăn học, hẳn rằng gia đình anh phải nỗ lực nhiều lắm?
Gia đình cũng chỉ hỗ trợ được một năm đầu, vì phải lo cho các em tôi. Phần còn lại thì mình tự xoay xở. Cũng như nhiều sinh viên khác, tôi đi làm thêm. Vào đại học được ba ngày là đi phụ quán cà phê.
Sang năm thứ hai thì đi dạy kèm tiếng Anh. Học giáo trình Streamline bài 13 mà dám đi dạy bài 12. Tôi thường đi trễ để tránh giờ phát sóng chương trình bản tin tiếng Anh, phòng trường hợp phải trả lời những câu hỏi cắc cớ từ hai cô học trò. Nghĩ lại mới thấy mình liều.
Cũng hơi láu cá, nhỉ?
Lúc ấy bí bách quá. Vả lại, mình cũng có gì để mất đâu. Nhìn lại, sau năm năm đại học, tôi đã trải qua 17 công việc khác nhau. Nhờ vậy mà tôi khá tự tin khi đi làm. Phải cảm ơn Sài Gòn. Ngoài cơ hội kiếm được những công việc để kiếm tiền ăn học, tôi còn may mắn gặp được nhiều bậc đàn anh rất giỏi và tốt bụng.
Ngoài trường lớp, tôi còn học mót khá nhiều thông qua những buổi nói chuyện, hội thảo mà các anh là diễn giả. Với các anh ấy, tôi là một cậu học trò thầm lặng. Lượm được điều hay là ghi liền vào sổ tay. Nhiều khi có cảm giác mình giống như cục bọt biển, thấm được chút nào thì vắt kiệt, chắt vào chai.
“Chai” đầy hay vơi?
“Chai” không bao giờ đầy được. Đến giờ, tôi vẫn giữ thói quen ghi chép. Những cột mốc quan trọng với mình cũng được ghi lại cụ thể, chẳng hạn như lần đầu tiên sử dụng Internet, cầm thẻ ATM, có xe máy...
Tôi viết để lâu lâu lại mở ra xem, như một cách nhắc nhở mình rằng không bao giờ được chủ quan, mà phải tiếp tục cố gắng.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.