Muốn thành công phải tạo ra thị trường

LỮ Ý NHI| 03/09/2009 00:31

Lần trước câu chuyện giữa tôi với ông đã bị ngắt quãng bởi công việc. Hai năm sau gặp lại, vẫn thế. Chỉ cần trễ hẹn nửa giờ, ông đã tất bật vào công việc khác...

Muốn thành công phải tạo ra thị trường

Lần trước câu chuyện giữa tôi với ông đã bị ngắt quãng bởi công việc. Hai năm sau gặp lại, vẫn thế. Chỉ cần trễ hẹn nửa giờ, ông đã tất bật vào công việc khác. Những tưởng một người luôn bị công việc cuốn hút như ông sẽ không còn thời gian cho gia đình và bản thân. Nhưng không...

Ông tiếp tôi tại nhà riêng nằm trên đường Lê Hồng Phong. Thật bất ngờ khi bố cục, trang trí trong ngôi nhà, kể cả những vật trưng bày tỉ mỉ nhất đều do ông thiết kế, mua sắm. Và bất ngờ hơn khi 8 năm qua (kể từ khi vợ ông qua đời), ông không chỉ biết công việc mà còn là người mẹ, người bạn luôn bên cạnh các con.

“Bí mật” này được tôi khám phá khi tình cờ xem lá thư của con trai thứ hai gửi ông trước khi sang Mỹ du học. Lá thư viết: “Thưa ba, việc buồn nhất trong nhà ta là khi mẹ qua đời. Nhưng may thay, ông trời cho con một người cha luôn hết mực chăm lo cho con từ học hành đến miếng ăn, giấc ngủ. Ở cương vị làm cha, có lúc ba cũng khó khăn với con cái nhưng con không buồn ba. Vì chính cái khó đó đã giúp con nên người như ngày nay. Con cám ơn ba về những những lời khuyên, những lời động viên của ba, kể cả lúc ba chăm chú lắng nghe những chuyện không đâu của con suốt nhiều năm qua. Con cám ơn ba vì thời gian ba đã bỏ ra cho con đều đặn vào mỗi đêm. Con yêu ba”.

Ông nói:

- Thông thường ở tuổi 30-40, người đàn ông thường coi sự nghiệp là số một mà đôi khi quên đi việc coi sóc con cái và gia đình. Chỉ khi tuổi đã về chiều mới bắt đầu coi gia đình là trọng. Khi bà xã mất đi, tôi hiểu sự mất mát, chông chênh trong tình cảm của các con nên ngoài niềm say mê công việc, tôi dành hết thời gian bù đắp tình cảm, dạy dỗ và chăm sóc các con. Giá trị lớn nhất trong cuộc sống tôi chính là mái ấm gia đình và tôi đang hạnh phúc có được những đứa con trưởng thành vừa ngoan ngoãn, hiếu thảo và học giỏi (con trai lớn của tôi được nhận học bổng du học của Mỹ).

* Theo tôi được biết, ông có cách dạy con rất nguyên tắc, chẳng hạn bắt con phải tập làm những công việc của một công nhân khi tuổi còn nhỏ...

- Khi con tôi học lớp 9, vào mỗi dịp hè tôi thường bắt xuống nhà máy với tôi, thậm chí cùng vào làm việc với công nhân, sau đó về nhà viết ra qui trình sản xuất. Nếu viết đạt thì được thưởng. Thậm chí mỗi lần dẫn con đi chơi, tôi cũng bắt chúng phải viết ra những cảm nhận những điều nhìn thấy. Con trai lớn của tôi sau khi tốt nghiệp ngành quản trị ở Mỹ, tôi vẫn bắt học thêm MBA, sau đó qua Trung Quốc làm việc như một nhân viên bình thường. Điều đó giúp cho chúng mở mang hiểu biết, học hỏi nhiều cách làm khác nhau, biết cách tư duy, hiểu được công nhân lao động cực khổ ra sao để thấm thía giá trị của đồng tiền, sức lao động của con người, từ đó biết thông cảm, chia sẻ và lắng nghe. Đấy không chỉ là tố chất của lòng nhân hậu mà còn rất cần cho một người lãnh đạo.

* Một nguyên tắc mà ông cho là khắt khe với các con?

- Trong cuộc sống phải biết tự lập, sống có kỷ luật, tự tin. Tôi thường răn dạy các con: Con người sống không có mục tiêu thì không phải là con người. Và tôi bắt các con phải đặt ra những kế hoạch để phấn đấu. Các kế hoạch đó đều được tôi đóng góp ý kiến.

Câu chuyện của chúng tôi chuyển sang đề tài bạn bè khi một người bạn của ông đến thăm. Ông tâm sự: “Cuộc đời tôi may mắn không trải qua quá nhiều gian truân nhưng trong kinh doanh cũng không tránh khỏi những thất bại, mà lúc đó, chính sựå chia sẻ, giúp đỡ của bè bạn giúp tôi vượt qua thử thách”.

Dẫn tôi đến hầm rượu, ở đó có phòng karaoke, bàn bida..., ông nói: “Vào những ngày cuối tuần, chúng tôi thường tụ họp nhau ở đây, vừa chơi, vừa hát hò, uống với nhau vài ly. Mọi người tình thương mến thương, rất khăng khít...”.

* Mỗi lần thất bại, điều gì giúp ông tiếp tục bước tiếp?

- Trước hết, tôi đặt đi đặt lại câu hỏi: “Tại sao thất bại? Trả lời được câu hỏi này nghĩa là tôi đã tạo cho mình động lực để “sửa sai”. Tôi quan niệm, thất bại là điều bình thường nhưng quan trọng là sau thất bại phải biết rút kinh nghiệm, tức là thất bại vẫn có ý nghĩa của nó. Những lúc như vậy, tôi lại nhớ lời dạy của cha: “Dù ở tình huống xấu nhất cũng không được mất bình tĩnh. Thất bại có thể làm ta mất của, mất công, thậm chí mất tất cả nhưng cái tuyệt đối không được mất là tinh thần”.

* Con đường sự nghiệp của ông dường như cũng ít thăng trầm?

- Trong kinh doanh, 50% thành công là do con người và 50% là may mắn, có thể nói tôi là người may mắn. Sau khi xin nghỉ chức phó giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Bình Chánh, năm 1993, tôi cùng một nhóm anh em thân hữu thành lập Công ty Đại Phát và là đơn vị đầu tiên nhập hóa chất hàng rời vào Việt Nam. Lợi thế mà cũng là điểm mạnh của chúng tôi là tất cả anh em đều chí thú làm ăn, có tinh thần đoàn kết, có trình độ và có chí làm giàu. Năm 1994, với chiều hướng kinh doanh thuận lợi, tôi quyết định thành lập thêm nhà máy sản xuất đồ đồng thờ cúng. Mức vốn ban đầu chỉ 500.000USD. Ngoài đồ đồng thờ cúng, chúng tôi còn sản xuất đồ đồng trang trí nội thất và nghệ thuật. 100% sản phẩm đồ đồng làm ra trước năm 1997 đều xuất hết cho những công ty ký hợp đồng dài hạn ở Đài Loan và bây giờ, 50% sản phẩm đã được bán ở trong nước. Năm 1997, tôi thành lập thêm nhà máy sản xuất bồn chứa nước bằng inox thương hiệu Dapha, năm 2000 mở nhà máy nước tinh khiết đóng chai Dapha...

* Xin lỗi ngắt lời ông. Quyết định thành lập nhà máy đúc đồng thờ cúng vào thời điểm các làng nghề đang bị mai một vì sức mua yếu, không có thị trường, liệu có liều lĩnh?

- Đó là một quyết định táo bạo chứ không liều lĩnh. Bởi trong kinh doanh phải táo bạo, mà táo bạo thì còn đường tính để thoát hiểm chứ liều lĩnh thì hết đường thoát. Người kinh doanh thực thụ phải là người có tầm nhìn xa, nắm bắt xu thế thị trường, do đó muốn thành công, mình phải tạo ra thị trường.

* Ngay từ khi thành lập, Đại Phát đã theo chiến lược phát triển đa ngành - một xu hướng đang được nhiều công ty áp dụng hiện nay. Với tốc độ phát triển quá nhanh ở các lĩnh vực, ông có cảm thấy đuối trong việc quản lý?

- Năm 1991, tôi đã sang Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ... Lúc đó, tôi đánh giá Đài Loan là vương quốc của những ông chủ nhỏ, Nhật, Hàn Quốc là vương quốc của những tập đoàn lớn. Qua những chuyến đi, tôi học được ở họ rất nhiều điều, từ cách làm cách quản lý, điều hành. Đưa ra chiến lược kinh doanh đa ngành (Đạt Phát hiện có 11 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh hóa chất, sản xuất đồng mỹ nghệ, giấy in, bồn inox, nước tinh khiết, sản xuất răng sứ, phục hồi thùng phuy...), nhiều người cho là tôi nóng vội, bởi chưa mạnh cây này đã ham trồng cây khác. Nhưng tôi nghĩ, khi thành lập nhiều công ty con ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì khả năng phá sản rất khó. Ngoài ra, giữ chân nhân viên, nhất là cán bộ quản lý ngày càng khó hơn, nhất là khi cơn lốc chứng khoán cứ cuốn họ ra khỏi công việc và thu hút người tài bằng chiêu chia cổ phần. Vì vậy, chọn cách “cùng phát triển”, mở thêm các ngành kinh doanh mới, tạo điều kiện để người làm việc cùng góp vốn, cùng điều hành kinh doanh với mình là hướng đi tôi cho là phù hợp.

Để làm điều được điều đó thì hệ thống quản lý phải cực kỳ tốt. Tôi đã tham gia khá nhiều khóa học về quản lý, điều hành, các lớp quản trị, marketing... Từ đó tôi chọn lọc kiến thức và kinh nghiệm để thiết lập ba hệ thống quản lý chính cho Daphaco, gồm quản lý chất lượng, quản lý kinh doanh và quản lý công việc theo hệ thống domino. Khi xác lập được hệ thống quản lý qui củ, nề nếp thì một công ty hoạt động cũng giống như 100 công ty mà thôi.

* Cụ thể, ông đã đào tạo nhân viên Đại Phát thế nào?

- Ban giám đốc, nhân viên của Đại Phát đều được khuyến khích đi học và nhân viên được các giám đốc lĩnh vực huấn luyện thường xuyên trong công việc. Theo qui định, mỗi nhân viên ở Đại Phát đều phải thuộc lòng các câu hỏi tình huống, qui trình công việc. Và tôi là người trực tiếp kiểm tra bài hoặc đưa ra tình huống cho nhân viên xử lý.

* Ông nói doanh nhân thường nhìn việc biết kiếm được bao nhiêu tiền...

- Người chủ doanh nghiệp chỉ cần đủ trình độ quản lý, điều hành, biết tìm đầu ra cho sản phẩm và duy trì bộ máy vận hành tốt chứ không cần phải biết hết chuyên môn, kỹ thuật. Một điều không thể thiếu của một doanh nhân là phải có ước mơ. Chính ước mơ giúp cho anh ta biết phấn đấu, dám dấn thân, dám nghĩ, dám làm.

* Ông nghĩ thế nào khi lại đầu tư vào lĩnh vực đào tạo?

- Công nhân Việt Nam thừa số lượng mà thiếu tay nghề nên chúng tôi phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là số lượng công nhân tại các nhà máy đang dự kiến tăng lên gấp đôi, gấp ba. Chính vì vậy mà chúng tôi quyết định mở thêm trung tâm đào tạo nghề theo hướng thiết thực, phục vụ ngay nhu cầu công việc của Công ty.

* Trước đây, tên tuổi của Đại Phát được biết đến nhờ thương hiệu bồn inox Dapha và nước tinh khiết Dapha, nhưng hiện nay tuy đã phát triển đến 11 công ty con, nhưng thương hiệu Dapha lại có vẻ im ắng hơn trước, ông nghĩ sao về điều này?

- Đồ đồng, bồn inox, nước tinh khiết là những mặt hàng thuộc bề nổi của công ty và bây giờ nó đã đi vào tiềm thức của người sử dụng, nên mỗi lần nhắc đến bồn chứa nước inox, đồ đồng thờ cúng, người ta vẫn nghĩ đến Dapha. Ở những lĩnh vực kinh doanh sau này, chúng tôi không lấy chung thương hiệu Dapha, cũng chỉ đề phòng rủi ro. Ví như một lĩnh vực bị sai sót thì tất cả sản phẩm ở các lĩnh vực khác cùng thương hiệu có thể bị ảnh hưởng theo.

* Có lẽ ông không còn kế hoạch mở thêm công ty?

- Chúng tôi sắp mở thêm công ty chăm sóc người già và sắp tới xây dựng nhà máy sản xuất đèn trang trí nội thất, thành lập công ty cung cấp dung môi tổng hợp và công ty bán hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật Bình Phát...


* Ông không tính nghỉ ngơi sao?

- Tôi quan niệm làm giàu không chỉ cho mình, cho một đời mà phải để thế hệ sau kế thừa. Muốn kế thừa thì phải tạo nền tảng vững chắc. Tre già măng mọc nhưng để măng mọc thẳng thì tre phải bảo vệ măng. Một lý do nữa để tôi làm hoài vì tôi còn nhạy bén với công việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn thành công phải tạo ra thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO