Kỹ sư tin học thành "vua" ngọc trai: "Nhân quả nhanh lắm"

30/05/2016 01:35

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, Hồ Thanh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia, người đàn ông xuất thân từ ngành công nghệ thông tin (IT) - đã tạo ra một “vương quốc” ngọc trai cho riêng mình, với những kỹ thuật nuôi cấy và chế tác độc đáo.

Kỹ sư tin học thành

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, Hồ Thanh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia, người đàn ông xuất thân từ ngành công nghệ thông tin (IT) - đã tạo ra một “vương quốc” ngọc trai cho riêng mình, với những kỹ thuật nuôi cấy và chế tác độc đáo.

Doanh nhân Hồ Thanh Tuấn chia sẻ: "Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, nhưng khi cơ duyên đến, tôi sẵn sàng bỏ công việc đang hứa hẹn để theo đuổi một ngành hoàn toàn mới mẻ, đó là nuôi cấy ngọc trai.

Những tháng ngày lênh đênh trên biển cùng nhóm chuyên gia người Pháp xây dựng dự án nuôi trai lấy ngọc khắp các bờ biển, từ miền Trung đến Côn Đảo, Phú Quốc… chính là trường đại học thứ hai của tôi, khám phá những điều thú vị để tạo ra những viên ngọc đẹp nhất.

Dự án đó được chia ra nhiều mảng, từ việc tạo ra con giống ngọc trai sinh sản, thành lập mô hình cơ sở ngọc trai tại những vịnh lớn, cách nuôi ngầm dưới đáy biển để sóng cấp bảy, cấp tám, một cơn bão đi qua mà trại nuôi không bị ảnh hưởng… đến cách nuôi cấy sao cho con trai tạo ngọc cao nhất, cách chế tác như người thợ kim hoàn, kể cả phương pháp thủ công tinh xảo…"

“Tự ái dân tộc”

* Khó khăn lớn nhất với anh là gì, khi tạo ra những viên ngọc trai đầu tiên?

- Trai là loài nhuyễn thể, bị ảnh hưởng trực tiếp nhất từ nguồn nước. Nhìn toàn cảnh, ngành nuôi ngọc trai Việt Nam còn phát triển khiêm tốn, tuy tiềm năng lớn nhưng chưa được quy hoạch đúng mức.

Quy luật chung của thế giới, là khi du lịch phát triển thì nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm. Ban đầu tôi cũng nuôi trai rải rác khắp nơi, từ Phú Yên, Bình Định, nhưng gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, ô nhiễm, sau đó mới tập trung ở Côn Đảo, Khánh Hòa. Miền Trung bị bão nên đầu tư rất rủi ro.

Khánh Hòa đạt điều kiện như miền Trung, nhưng không có bão, vùng biển đủ rộng và ổn định về môi trường sinh thái, chỉ có điều người ta chưa làm thương hiệu tốt cho ngọc trai Khánh Hòa.

Ở Côn Đảo 10 năm trước, môi trường rất tốt, nhưng gần đây cũng bị ô nhiễm do mùa bão có hàng loạt tàu đến tránh bão, sau khi ra đi để lại quá nhiều rác thải.

Bên cạnh đó là nạn nổ mìn khai thác đá, thuốc nổ chảy xuống biển làm cho trai chết hàng loạt, suốt một thời gian dài tôi không phát hiện được nguyên nhân. Đó là lý do để không tiếp tục nuôi được ở Côn Đảo.

Thời gian vừa rồi, khi có nhiều thông tin về ô nhiễm biển, tôi như ngồi trên lửa, theo dõi rất sát từng giờ sức khỏe của trai, nhưng rất may vẫn chưa bị ảnh hưởng. Tôi hiện có trên 100 ha phía Bắc Đầm Môn, đánh cuộc quá lớn ở vùng biển này rồi, có chạy cũng không biết chạy đi đâu...

* Kỹ thuật nuôi cấy và chế tác có một không hai là khắc hoa văn trống đồng và hoa văn chìm vào hạt ngọc đã được anh cho ra đời trong hoàn cảnh nào?

- Trước đây, mỗi lần mang sản phẩm đi chào hàng ra thế giới, tôi luôn vấp phải câu hỏi của khách hàng: “Ngọc trai của mày có gì khác so với các nước không?”. Nghe vậy, mình cũng “tự ái dân tộc” lắm, khi mà về chế tác, nuôi cấy Việt Nam đều đi sau các nước.

Tôi nghĩ mãi, một ngày nào đó, mình phải làm cho thế giới biết về ngọc trai Việt Nam. Ý định tạo hoa văn ẩn trên viên ngọc đeo đuổi tôi 5 năm trời, thử rất nhiều lần mới đạt được kết quả.

Đây là kỹ thuật nhân cấy vào thân con trai từ vỏ ốc có độ cứng, độ giãn nở tương đương với xà cừ do con trai tạo ra, được mài ly tâm định hình với những hoa văn từ các nền văn hóa khác nhau, sau đó “lừa” được con trai khác để bỏ vào, nuôi thêm một năm nữa để lớp xà cừ trai tiết ra sẽ bao phủ bề ngoài hoa văn đã được chạm khắc, là có thể thu hoạch.

Sáng chế này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền. Sau sáng chế này, tôi đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ 70% chi phí cho tất cả công trình nghiên cứu khoa học của mình. Đó là động lực lớn để tiếp tục nghiên cứu, phát triển.

>>Bảo hộ sở hữu trí tuệ theo TPP có gì khác?

* Từ lĩnh vực công nghệ thông tin nhảy sang nuôi cấy ngọc trai, anh có bao giờ từng đối diện với khủng hoảng?

- Do mình không được học hành bài bản về kinh doanh, lại đeo đuổi nghiên cứu, nên thất bại cũng nhiều.

Năm 2007, khủng hoảng kinh tế, công ty mẹ rút về hết, mình đứng trước thử thách: bước tiếp thì không có tiền làm, lùi cũng không có đường lùi, chỉ biết đi tiếp bằng chiều sâu về sản phẩm. Nhờ thế mà lại được thị trường chấp nhận, rồi vượt qua.

Nhưng khó khăn lớn nhất với tôi là phải lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp. Những ngày đầu lập nghiệp, phải bám biển thường xuyên, tôi không dành đủ thời gian cho con khi cháu còn nhỏ.

Nhiều lúc tôi lặng người, do khó khăn quá vợ chồng mạnh ai nấy đi lăn lưng kiếm tiền, con bỏ cho người làm, một thời gian về phát hiện con bị bệnh trầm cảm.

Lúc đó tôi không biết mình đang sai hay đúng, cái mình đeo đuổi liệu có thật sự tốt hơn? Nếu không may con bị tự kỷ thì những thứ đang có không còn ý nghĩa gì cả... Những ngày ấy, kẹt ngoài biển vì mưa bão, tôi bị khủng hoảng thực sự.

Sau đó cố gắng đi về với con nhiều hơn, cuối cùng cháu có điều kiện cân bằng trở lại, dù hơi muộn. Từ từ mọi việc cũng đâu vào đấy... 

Nhân quả nhanh lắm

* Công việc kinh doanh liệu có mang đến bài học nào trong việc làm cha?

- Trong quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài, tôi học được ở họ rất nhiều về quan niệm sống, làm việc, cách ứng xử với gia đình.

Ngoài vai trò làm gương, người cha phải tạo môi trường dân chủ cho con. Mọi chuyện phải đem lên bàn đàm phán, thương lượng, cho con có ý kiến, kể cả việc lựa chọn đi chơi ở đâu cùng gia đình.

Hè này tôi đã đăng ý cho cậu lớn, đang học lớp 9, đi du học ở Mỹ rất đắt tiền. Thế nhưng con tôi không chịu, cháu chọn học lớp thiết kế phim hoạt hình tại Việt Nam rẻ hơn nhiều. Tôi hoàn toàn tôn trọng con.

Giáo dục hai con là điều thú vị lắm, giống như trồng hai cây đời, nhìn con thay đổi từng ngày. Là người sáng lập doanh nghiệp, ai chẳng mong con kế nghiệp, nhưng tôi phát hiện con có đam mê khác, đó là làm phim ứng dụng công nghệ 360 độ.

Cháu mới 9 tuổi, nhưng đã có rất nhiều bạn bè trên thế giới. Đó cũng là niềm vui, mà cũng là nỗi buồn, nhưng thôi, đó là chuyện của tương lai, mình không ích kỷ được.

Dù bận rộn, khó khăn, luôn dành ra những thời gian để cả nhà chăm sóc nhau, cho cha con chồng vợ bên nhau. Đó mới là giá trị, không phải mình có bao nhiêu tài sản. Thời gian mình ở bên nhau trong suốt hành trình mới là giá trị.

* Là người rất tích cực trong các hoạt động xã hội, từ thiện, anh suy nghĩ gì về sự cho đi?

- Do tính cách, từ khi chưa có gì tôi cũng làm điều đó, không đơn giản chỉ là làm từ thiện. Tôi thích giúp người, lúc nhỏ ở quê, khi trời mưa, có đoạn đường sạt lở, người già đi hay bị té. Tôi bỏ ra nguyên ngày đi đắp đoạn đường đó.

Trong quá trình đi học, đi làm, tôi luôn giúp người khác, cái đó vô tình bắc những cây cầu, vô hình chung có lúc nào đó tôi bước lên cây cầu đó.

Giống như lời mẹ dạy về nhân quả. Đời này nhân quả xoay chuyển nhanh lắm, có những việc mình làm vô vị lợi đã bắc cầu cho mình đi qua khó khăn. Điều này giống như một nguyên lý sống, làm được gì cho người khác thấy vui lắm. Mọi chuyện có nguyên lý hết, tôi luôn đeo đuổi chữ "thật" trong cả kinh doanh và cuộc sống, ứng dụng trong mọi ngõ ngách.

>>Doanh nhân Inamori Kazuo: Thành công bằng sự tử tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỹ sư tin học thành "vua" ngọc trai: "Nhân quả nhanh lắm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO