Dấu son doanh nhân gốc Hoa

Ngô Bích Phượng| 28/04/2020 04:00

Trong 45 năm xây dựng, phát triển, những tên tuổi hàng đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM là doanh nghiệp của người Việt gốc Hoa.

Đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia (ước đạt 405.000 tỷ đồng năm 2020), tỷ trọng kinh tế chiếm khoảng 23-25% GDP cả nước, tăng trưởng kinh tế trên 7% mỗi năm, GDP đầu người 7.500 USD là những con số chứng tỏ TP.HCM xứng đáng được gọi là đầu tàu và động lực phát triển nền kinh tế đất nước. Đạt được thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nhân người Việt gốc Hoa.

Trong 45 năm xây dựng, phát triển, những tên tuổi hàng đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại TP.HCM là doanh nghiệp của người Việt gốc Hoa như Công ty Kinh Đô, Thiên Long, Thái Tuấn, Tân Cường Thành, Hữu Liên - Á Châu, Biti’s, ABC, Vĩnh Tiến, Vạn Thành... với các ông chủ nức tiếng Vưu Khải Thành, Kao Siêu Lực, Lương Vạn Vinh, Trần Duy Hy, Thái Tuấn Chí, Cô Gia Thọ, Trần Kim Thành, Lâm An Dậu, Trương Ty, Thái Tuấn Chí... Tuy người Hoa chỉ chiếm 7% dân số TP.HCM nhưng sở hữu đến 30% số doanh nghiệp trên địa bàn, đủ thấy tác động của họ vào nền kinh tế là to lớn như thế nào.

Tháng 3 năm ngoái, Công ty Nệm Vạn Thành của ông Trương Ty kỷ niệm 38 năm thành lập, đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Khởi sự từ một cơ sở sản xuất dây thun, giày dép, rồi tập trung sản xuất nệm cao su, nệm lò xo, nệm bông ép, nệm mút, đến nay Vạn Thành có ba nhà máy tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hưng Yên, có 43 chi nhánh, 4.500 đại lý ở các tỉnh, thành, có chi nhánh tại Trung Quốc, sản phẩm xuất sang Mỹ, Úc, Campuchia. 

Về sản phẩm xuất khẩu, Biti’s đang giữ vị trí hàng đầu, khi có mặt tại 40 quốc gia với dòng sản phẩm nổi bật là Biti’s Hunter, khiến Biti’s của doanh nhân Vưu Khải Thành trở thành một trong những doanh nghiệp Việt Nam thành công nhất trong việc quảng bá nhận diện thương hiệu ra thế giới, đứng vào top 100 sản phẩm nổi tiếng Đông Nam Á.

Hằng ngày ở Việt Nam, hầu như ai cũng sử dụng ít nhất một món hàng của Bút bi Thiên Long với bút viết, dụng cụ văn phòng, dụng cụ mỹ thuật, dụng cụ học sinh. Thiên Long hiện nắm giữ hơn 60% thị phần bút viết trong nước và đang đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2019, Bút bi Thiên Long đạt doanh thu 3.256 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 349 tỷ đồng. Cơ ngơi có vốn hóa thị trường gần 4.000 tỷ đồng của Thiên Long bắt đầu từ năm 1981, khi ông Cô Gia Thọ đạp xe đi khắp thành phố bán bút bi dạo để nuôi cơ sở sản xuất với vỏn vẹn 20 nhân công. 

Thiên Long hiện nắm giữ hơn 60% thị phần bút viết trong nước và đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Thiên Long hiện nắm giữ hơn 60% thị phần bút viết trong nước và đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Sau 40 năm, giờ đây Thiên Long đã xuất khẩu hàng hóa ra 61 nước, vào top 50 công ty niêm yết tốt nhất do tạp chí Forbes bình chọn và được xem là "đế chế" hùng mạnh về lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam. Hình ảnh bút bi Thiên Long được khắc ghi vào tâm trí của hàng triệu người Việt trẻ tuổi vì 19 năm qua, Thiên Long đã đồng hành trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" giúp học sinh tìm đến cánh cửa các trường đại học. 

Một dải sản phẩm khác cùng nhóm hàng với Thiên Long là giấy Vĩnh Tiến. Công ty Giấy Vĩnh Tiến không chỉ có thị phần đáng kể trong ngành giấy photocopy mà còn cung ứng tới 60% giấy tập học sinh với chất lượng và kiểu dáng liên tục được nâng cấp. Ông chủ Lâm An Dậu của Giấy Vĩnh Tiến là doanh nhân gốc Hoa được trao tặng danh hiệu Vì sự nghiệp giáo dục, nhận được giải thưởng Sao Vàng Đất Việt và có mặt trong top 50 thương hiệu nổi tiếng Việt Nam. 

So với các thương hiệu kể trên thì Dệt Thái Tuấn có tuổi đời ít hơn, mới 27 năm. Thái Tuấn hiện là một trong những thương hiệu uy tín cung ứng sản phẩm dệt may cho thị trường trong và ngoài nước, trở thành một trong những thương hiệu thời trang quen thuộc với người Việt. Hiện, thị phần vải thời trang của Thái Tuấn chiếm khoảng 25% tổng dung lượng thị trường vải nội địa, đang đẩy mạnh xuất khẩu sang một số nước châu Á và Trung Đông.

2_1588057794.jpg

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, dự kiến trong vòng 5 năm tới, doanh thu của Thái Tuấn cao gấp ba lần hiện tại. Công ty Thái Tuấn đã vinh dự được cung cấp áo cho SEA Games 22, Hội nghị APEC lần thứ 14, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43.

Không thể không kể đến sự thành công về kinh tế và thương hiệu của Công ty Kinh Đô thuộc hai anh em nhà Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên.

Từ một cơ sở sản xuất bánh kẹo nhỏ, anh em nhà họ Trần đã đưa Kinh Đô trở thành một tập đoàn thực phẩm niêm yết trên sàn chứng khoán, chiếm hơn 28% thị phần bánh kẹo trong nước, trong đó có nhiều sản phẩm dẫn đầu thị trường.

Năm 2014, Kinh Đô có 4 nhà máy, 5 công ty thực phẩm, 150 nhà phân phối, 40.000 điểm bán lẻ và hơn 8.000 lao động, sản phẩm thâm nhập thị trường 30 quốc gia. Người ta biết nhiều nhất đến Kinh Đô là nhờ dòng bánh Trung thu sang trọng cùng tên, nhờ vào kem Celano, Merino, bánh cracker AFC, Choco, nhưng biết đến nhiều hơn sau khi Kinh Đô bán 80% cổ phần cho Mondelez International, thu về 370 triệu USD vào năm 2015. Sau đó, công ty đổi tên thành Tập đoàn Kido và chuyển hướng sang sản xuất mì gói, kem, dầu ăn, kinh doanh chứng khoán, ngân hàng. Theo báo cáo tài chính năm 2019, Kido có lợi nhuận 10.633 tỷ đồng, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 5.506 tỷ đồng. 

Da-u-son-doanh-nha-n-go-c-Hoa_1588058128

Bên trong nhà máy sản xuất dầu của Tập đoàn Kido

Ngoài những thương hiệu tên tuổi như đã đề cập, vẫn còn hàng nghìn doanh nghiệp của người Việt gốc Hoa đang cần mẫn từng ngày đồng hành để xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại. Sự đóng góp của doanh nhân gốc Hoa không chỉ ở nghĩa vụ tài chính, tạo việc làm cho hàng chục vạn lao động, mà còn là cung cách quản trị cấp tiến, khả năng tiếp cận kỹ thuật và ứng dụng khoa học - công nghệ một cách linh hoạt.

Sản phẩm do khối doanh nghiệp này tạo ra ngày càng tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, đáp ứng nhu cầu trong nước, qua đó giảm dần nhập khẩu vốn tác động đến cán cân mậu dịch hay chảy máu ngoại tệ. Doanh nghiệp gốc Hoa có vai trò không thể phủ nhận trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài do độ tín nhiệm tăng dần của các định chế tài chính và đại công ty. Dưới đây là chia sẻ của hai doanh nhân gốc Hoa với Doanh nhân Sài Gòn nhân kỷ niệm 45 năm xây dựng, phát triển TP.HCM

Ông Hàng Vay Chi – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Hương

Thập niên những năm 1980, Việt Nam mới bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế đầy khó khăn của một đất nước sau chiến tranh. Ngành sản xuất trong nước lạc hậu, công thương nghiệp đình trệ, vật dụng hằng ngày thiếu thốn. Lúc đó, với 200 USD và 7 người trong gia đình, tôi mở cơ sở kinh doanh sản phẩm đầu tiên là bột canh. Sau đó là sản xuất mì ăn liền Việt Hương.

Mặc dù mì Vifon thống lĩnh thị trường từ những năm trước 1975 nhưng thời bao cấp, hàng hóa ít cộng với chất lượng và hương vị đặc biệt nên mì Việt Hương sản xuất đến đâu, bán hết đến đó và thời điểm thị trường khan hiếm hàng hóa, mì gói Việt Hương cũng đã đóng góp được đáng kể cho ngành lương thực TP.HCM, giải tỏa được cơn thiếu thốn lương thực của thị trường lúc đó.

Năm 1995, đất nước bước vào nền kinh tế cơ chế thị trường, Việt Hương là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên xây dựng khu công nghiệp với đầy đủ hệ thống kiểm soát, xử lý nước thải, chất thải - điều mà ít chủ đầu tư làm được ở thời điểm bấy giờ.

Ông Hàng Vay Chi – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Hương

Ông Hàng Vay Chi – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Hương

Thời điểm đó, có doanh nghiệp đề nghị tôi "đổi một lô đất tại vị trí vàng quận 1 để lấy đất ở KCN Việt Hương, tôi cũng hơi "xuôi lòng" nhưng sau đó, tôi thuê kỹ sư Đài Loan quy hoạch và xây dựng KCN, tạo nền tảng tốt cho các DN nước ngoài yên tâm mang của cải vào đầu tư tại Việt Nam, thậm chí ứng vốn để họ tập trung sản xuất, tạo điều kiện cho họ tìm kiếm lợi nhuận. Thời đó, có doanh nghiệp lúc mới đến chỉ thuê 500 mét vuông nhà xưởng với vốn lưu động rất khiêm tốn, sau 8 năm họ mở rộng đến 14 hecta, mỗi năm có doanh thu hàng trăm triệu USD.

Với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, lĩnh vực vải jeans Việt Hồng xuất khẩu đủ tiêu chuẩn vào những thị trường khó tính nhất và tôi cũng đóng góp rất nhiều vào ngân sách nhà nước, thu ngoại tệ về cho Việt Nam và đáp ứng phần nào nguyên liệu cho các doanh nghiệp may mặc trong nước, cũng như giảm chi phí ngoại tệ cho các doanh nghiệp.

Link bài viết

Không chỉ đóng góp về mặt kinh tế, nhiều năm qua, Việt Hương cũng đã giúp cả nghìn người lao động có công ăn việc làm, đóng góp cho Nhà nước giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Để tạo cơ hội và hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, tôi đã thành lập Quỹ khởi nghiệp và cũng đầu tư xây dựng 4-5 trục nhà xưởng để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm giảm chi phí đầu tư để họ tập trung làm ra sản phẩm tốt. 

Bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc New Toyo Việt Nam

Tiền thân của New Toyo là Công ty Toyo (Việt) được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh giấy nhôm từ năm 1993. Thời điểm đó, việc công ty sản xuất giấy nhôm là một hướng đi đúng đắn và kịp thời, bởi vì giải quyết được khó khăn phải mua bằng ngoại tệ và cân đối tồn kho, dòng tiền cho các khách hàng trong nước.

Lúc đầu, việc đầu tư chỉ mang tính thăm dò nên nhà xưởng 1.000m2 tọa lạc trong dãy kho của Transimex - Thủ Đức chỉ thuê mang tính tạm bợ. Máy móc thiết bị đều là máy đã qua sử dụng và nhân sự lúc bấy giờ cũng chỉ 20 người. Và tôi phải làm tất cả mọi việc từ bán hàng, thu tiền, khai hải quan cho đến những việc không tên. 

Sau 5 năm đi vào hoạt động, một nhà máy mới được xây dựng tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, Thủ Đức. Ngành nghề được mở rộng sang lĩnh vực ống giấy công nghiệp và in ấn bao bì giấy. Nhân sự phát triển dần lên đến con số gần 100 trên diện tích đất 12.000m2. Năm 2003, với một pháp nhân mới là Công ty TNHH Bao bì Giấy nhôm New Toyo, tôi chọn đặt nhà máy tại Khucông nghiệp và Khu chế xuất Linh Trung II, Thủ Đức trên quỹ đất 20.000m2. Công ty của tôi là đơn vị thứ hai đặt chân vào khu công nghiệp liên doanh giữa Trung Quốc và Việt Nam này.

Bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc New Toyo Việt Nam

Bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc New Toyo Việt Nam

Mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, doanh nghiệp cũng phải thay đổi để theo kịp chuyển biến đó. Việt Nam càng hội nhập thì doanh nghiệp càng ý thức được những thách thức phải đối diện. Tôi bắt đầu hành trình thuê tư vấn để đào tạo và cấp chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO cho doanh nghiệp. Sau gần một năm, New Toyo đã được tổ chức BVQI cấp chứng ISO 9001:2000. 

Cho đến bây giờ, niềm vui lớn nhất với tôi là vẫn giữ được sự nhiệt huyết như ngày nào và vẫn đam mê tiếp tục theo đuổi, phát triển sự nghiệp lãnh đạo của bản thân cũng như phát triển những người có tố chất và khả năng học tập, cầu thị trong đội ngũ quản lý của mình. Đến thời điểm này chúng tôi ngoài chứng nhận ISO, SA, OHSAS còn phát triển thêm những chứng nhận khác như HACCP, FSSC. Văn hóa học tập và ứng dụng những điều mới được khơi dậy và lan truyền...

Gần 27 năm hoạt động trong ngành bao bì giấy nhôm, chúng tôi đã phát triển sang lĩnh vực bao bì sử dụng một lần có khả năng tái chế thân thiện môi trường và hợp chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ một nhà máy thô sơ khởi đầu trên khuôn viên đất 1.000m2, đến nay chúng tôi đã có ba phân xưởng khang trang theo chuẩn GMP trên diện tích quỹ đất 28.000 m2. Tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 300 lao động hiện nay.

Link bài viết

Máy móc, thiết bị cũ được thanh lý dần để tiếp nhận những công nghệ mới hiện đại hơn, giúp cho việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được tốt hơn. Người lao động được đào tạo và huấn luyện định kỳ thông qua ngân sách được thiết lập hằng năm để nâng cao kiến thức và chuyên môn của họ theo thời gian họ đi cùng với doanh nghiệp. Và họ được nhận lương và thưởng theo năng lực và khả năng đóng góp của mình.

Chúng tôi đang trong giai đoạn cân nhắc đi đến chọn nhà cung cấp hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái để góp phần giảm chi phí nhiên liệu trong sản xuất, cũng như góp phần giảm tải điện lưới quốc gia trong dài hạn.

Ngoài ý thức nghĩa vụ thuế phải hoàn thành đúng hoặc trước hạn với Nhà nước và trách nhiệm chăm lo đời sống, tinh thần cho người lao động, New Toyo còn nhận được nhiều bằng khen, cờ thi đua từ cấp Thủ tướng, Thành ủy, ban quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM và Liên đoàn Lao động Việt Nam, kể cả Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về những đóng góp của doanh nghiệp trong nhiều năm qua cho đất nước và xã hội.

New Toyo đặt mục tiêu xây 100 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi khách hàng mình tọa lạc. Chúng tôi cũng tham gia hưởng ứng những cuộc vận động của các hiệp hội , câu lạc bộ và Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) qua các chương trình như trao bồn nước cho hộ nghèo, xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học, quà cho trẻ em, người già neo đơn nhân dịp những lễ, Tết và gần đây là ủng hộ nước suối khoáng Úc cho đội chống Covid-19 TP.HCM thông qua sự kêu gọi của Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung - người chị cả của Hawee.

Bản thân tôi cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý từ cấp Chính phủ như hai lần được trao Giải Bông Hồng Vàng và nhiều lần nhận giải Doanh nhân Tiêu biểu TP.HCM cùng nhiều bằng khen khác... Nhiều năm qua, tôi làm Ban giám khảo Cuộc thi Giải thưởng Tài Năng Lương Văn Can của Báo Doanh Nhân Sài Gòn và xuất bản quyển sách Phép màu để trở thành chính mình nhằm tạo động lực và truyền cảm hứng cho giới trẻ.

Bước tới thời đại 4.0, New Toyo dám mạnh dạn đầu tư phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP và luôn xem xét cải tiến những chính sách phúc lợi cho người lao động. Đặc biệt trong thời kỳ cả thế giới đang phải đối diện với rủi ro sự lây lan dịch bệnh Covid-19, chúng tôi vẫn duy trì công ăn việc làm cho gần 300 lao động.

Kết quả đánh giá của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thuộc Sở Y Tế TP.HCM đã kiểm tra đột xuất hai nhà máy, đều có kết luận chung là doanh nghiệp đạt chỉ số rủi ro lây nhiễm thấp (mức 20%) và làm tốt công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1203 của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của TP.HCM.

Tuy nhiên, tôi cũng có một vài kiến nghị nên đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng phát triển hạ tầng và giao thông công cộng TP.HCM, giảm 50% thuế TNDN năm 2020 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm 50% mức đóng BHXH năm 2020 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ người lao động, nâng mức thuế giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên 5 triệu đồng/người. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dấu son doanh nhân gốc Hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO