Cuộc đời ngắn ngủi nên tôi phải học…

PHƯƠNG QUYÊN (thực hiện)| 06/07/2011 05:37

Trở thành đầu tàu của Đại Đồng Tiến, với ông Trịnh Chí Cường là một tương lai được hoạch định trước. Nhưng, người hoạch định không phải là ông bà, cha mẹ... theo đúng truyền thống của người Hoa, mà là quyết định của chính Trịnh Chí Cường.

Cuộc đời ngắn ngủi nên tôi phải học…

Trở thành đầu tàu của Đại Đồng Tiến, với ông Trịnh Chí Cường là một tương lai được hoạch định trước. Nhưng, người hoạch định không phải là ông bà, cha mẹ... theo đúng truyền thống của người Hoa, mà là quyết định của chính Trịnh Chí Cường. Tuổi đời chỉ mới ngoài ba mươi, vậy mà ông đã thiết lập được những bước đi khá chắc chắn cho mình và cho doanh nghiệp mình điều hành...

Học để rút ngắn thời gian

* Là một du học sinh, từng được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến ở Singapore và Mỹ, trở về nước, làm doanh nhân, ông vẫn tham dự các chương trình đào tạo chuyên sâu về năng lực lãnh đạo. Có vẻ như việc học đối với ông rất quan trọng?

- Nếu sống hoài không chết, tôi sẽ không đi học, mà chỉ cần tích lũy kiến thức từ cuộc sống. Tiếc là cuộc đời ngắn ngủi nên phải học để rút ngắn thời gian tích lũy.

Với tôi, học là một cách trải nghiệm những kiến thức của người khác và đầu tư cho việc học là kết nối với những trải nghiệm của toàn xã hội nên tôi sẽ không bao giờ ngừng học. Tuy nhiên, tôi không nghĩ kiến thức nào mình học cũng đúng hoặc sai, mà chọn lựa học cái nào đúng với mình.

* Vậy thì ông chọn học những gì trong quá trình lĩnh hội kiến thức ở xứ người?

Ảnh: Quý Hòa

- Tôi đi du học là đã xác định ngày về để đóng góp cho Đại Đồng Tiến. Ngành tôi chọn học cũng là nhằm thực hiện mục đích này. Ban đầu tôi học quản lý sản xuất và thiết kế, sau học quản trị kinh doanh. Tất cả đều là để phục vụ cho việc tiếp quản công ty từ gia đình.

Học là phải có định hướng! Chỉ có như thế kiến thức mới có thể hỗ trợ đắc lực cho công việc sau này. Tất nhiên, chỉ học những gì liên quan đến nghề đang làm là chưa đủ, mà còn cần tiếp tục học từ nghề, từ cuộc sống nữa.

* Đó có phải là lý do khiến ông luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên theo đuổi việc học? Theo ông, làm thế nào để không lãng phí khi đầu tư vào lĩnh vực này?

- Doanh nghiệp không thể bỏ khoản đầu tư cho giáo dục cũng như các khoản đầu tư khác mà cần xác định là sẽ thu được lợi nhuận từ các khoản đầu tư này. Như vậy, cách tốt nhất là nhu cầu đến đâu thì đầu tư đến đấy, không đầu tư dàn trải.

Ở khoản này, tôi chọn đầu tư theo hướng đón đầu. Bám sát kế hoạch phát triển của Công ty để định hướng cho nhân viên trang bị kiến thức phù hợp. Về hình thức thì có thể hoặc tổ chức khóa học tại Công ty, mời chuyên viên về dạy, hoặc cho nhân viên đi học các khóa đào tạo ngắn hạn.

Tôi tâm đắc với phương pháp để nhân viên dạy lại nhân viên. Ví dụ, khi bắt đầu tung ra một sản phẩm mới, đội ngũ thiết kế, sáng tạo sẽ phổ biến đầy đủ kiến thức cho các nhân viên phụ trách mảng bán hàng, tiếp thị sản phẩm đó. Dần dà những người này sẽ hiểu và nắm vững kiến thức về kỹ thuật, chế tạo.

Đôi khi chính đội ngũ tiếp thị lại cho những người làm kỹ thuật, nghiên cứu biết thị trường đang cần gì để họ có thể sáng tạo các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Sự bổ sung này sẽ giúp tập thể phát triển đều và liên tục.

Marketing hiện đại

* Quản lý một tập thể gắn kết với nhau theo kiểu đan cài nhiệm vụ như thế có khó lắm không, thưa ông?

- Khi bắt đầu đảm nhận vai trò đầu tàu của Đại Đồng Tiến, tôi quản lý bằng cách chia đội ngũ nhân viên thành 5 bộ phận chuyên môn chính: Sản xuất - Thiết kế; Bán hàng; Marketing; Phát triển sản phẩm (R&D); Tổ chức - Quản lý.

Nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ phận được phân định khá rõ ràng nên việc quản lý cũng thuận lợi. Các bộ phận của Công ty liên kết với nhau qua công việc, qua hoạt động trang bị kiến thức..., nên mọi nhân viên đều hiểu rõ nhu cầu đặc trưng của từng bộ phận. Thế nên, khi muốn trở thành chuyên viên ở một lĩnh vực nào đó, họ biết sẽ phải trang bị những kiến thức, kỹ năng gì.

Tôi quan niệm, khi nhân viên có năng lực và còn được đáp ứng nhu cầu làm việc tại vị trí thích hợp, họ sẽ làm việc nhiệt tình và hiệu quả hơn. Vì vậy, tôi sẵn sàng cho họ thuyên chuyển đến vị trí mà họ mong muốn nếu họ đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây cũng là cách giúp nhân viên Đại Đồng Tiến phấn đấu, phát triển bản thân.

* Trong cơ cấu đang áp dụng cho Công ty, ông tách bạch hai khâu sản xuất - thiết kế và R&D (nghiên cứu và phát triển). Có phải nhờ vậy mà Đại Đồng Tiến đã có sự đột phá về sản phẩm mới?

- Một ví dụ thành công của việc triển khai bộ phận R&D là đưa ra dòng sản phẩm công nghệ kháng khuẩn Sina. Thành công này đã đưa Đại Đồng Tiến bước sang thời kỳ mới. Tôi khuyến khích phát triển công tác R&D, không gò bó bộ phận này trong việc sáng tạo và tạo ra khung pháp lý để họ có thể sáng tạo.

Đến nay, chỉ 80% sản phẩm mới của Đại Đồng Tiến thành công khi đưa ra thị trường, nhưng theo tôi, đây là con số khả quan bởi sản phẩm mới thường luôn gặp rủi ro. Mặt khác, tôi phát triển R&D vì muốn bên cạnh sản phẩm bằng nhựa Đại Đồng Tiến còn phải hướng tới các sản phẩm khác nữa.

* Tung ra nhiều sản phẩm mới đồng thời thiết kế hàng loạt logo tương ứng cho từng dòng sản phẩm, làm như vậy có khiến thương hiệu Đại Đồng Tiến bị “loãng” không, thưa ông?

- Tôi cũng thấy hình như mình hơi “quá tay” khi sử dụng nhiều logo, nên đang hệ thống lại danh mục thương hiệu của Đại Đồng Tiến. Nhưng làm thương hiệu cho từng dòng sản phẩm là phương pháp marketing hiện đại, vì mỗi sản phẩm có đối tượng khách hàng khác nhau.

Tạo ra nhiều thông điệp tương ứng với những nhu cầu của khách hàng sẽ có lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Khách hàng sẽ dễ phân biệt hơn, nhưng cũng phải hết sức thận trọng.

Ứng dụng phương pháp marketing hiện đại từ năm 2010 đến nay, Đại Đồng Tiến đã gây dựng được một số hình ảnh rõ nét. Tuy nhiên, ấn tượng về Đại Đồng Tiến còn rất sâu sắc nên tôi vẫn phải duy trì việc gắn thương hiệu Đại Đồng Tiến cùng với thương hiệu riêng của từng dòng sản phẩm.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng cao

* Là doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông đánh giá thế nào về chương trình này?

- Không có thống kê cụ thể, nhưng thú thật là Đại Đồng Tiến cũng được “mượn sóng” từ chương trình ấy khá nhiều. Tuy nhiên, khâu triển khai chương trình chỉ đề cao yếu tố “hàng Việt” chứ chưa coi trọng yếu tố “chất lượng” của hàng Việt, kế đó là tính thẩm mỹ, tính tiện dụng...

Người dùng dù có muốn thể hiện tinh thần dân tộc thì cũng chỉ mua hàng Việt một lần dùng thử. Sẽ không có lần thứ hai nếu sản phẩm ấy không có chất lượng. Như vậy, niềm tin của khách hàng được xây dựng trên cơ sở thực chất của doanh nghiệp.

Hiệu quả lớn nhất chương trình mang lại là đã làm cho người dùng nhận thức tốt về hàng Việt và muốn tìm mua sản phẩm của những thương hiệu Việt có uy tín lâu năm.

Với doanh nghiệp, chương trình đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mời khách hàng dùng thử sản phẩm. Doanh nghiệp nào đưa ra những sản phẩm có chất lượng thực sự thì sẽ tận dụng được cơ hội này.

* Đến nay, chương trình vận động này vẫn tiếp diễn, theo ông, cần có hướng đi mới nào để chương trình thành công hơn nữa?

- Theo quan niệm cá nhân tôi, chương trình vẫn chưa chỉ ra được nhược điểm của các doanh nghiệp Việt. Nhiều mặt hàng của Việt Nam rất tốt, nhưng bên cạnh đó cũng có những sản phẩm chưa tốt.

Để chương trình hiệu quả hơn, tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải siết chặt hơn nữa việc bảo vệ người tiêu dùng bằng cách áp dụng các hệ thống kiểm định chất lượng hàng Việt.

Cách làm này cũng tạo nên sự công bằng, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp làm ra sản phẩm tốt hơn chứ không chỉ tùy thuộc đạo đức của nhà kinh doanh như hiện nay. Lúc đó tên chương trình có thể đổi thành “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần kiên quyết chống hàng lậu, xử lý nghiêm khắc những việc làm sai trái có thể dẫn đến hủy hoại sản xuất và nền kinh tế như hiện nay.

Thực chất, doanh nghiệp Việt Nam không sợ cạnh tranh về chất lượng, mà chỉ lo ngại cạnh tranh về giá cả. Các mặt hàng Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam quá nhiều, không phải chịu thuế nên giá bán rất rẻ. Không cạnh tranh được với những mặt hàng này, doanh nghiệp Việt chỉ còn cách thu hẹp sản xuất. Chống hàng lậu cũng là cách “chắp cánh” cho hàng Việt.

* Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn cạnh tranh bằng cách giảm giá thành để có thể sống còn, ông có tán đồng?

- Tôi lại nghĩ khá ngược đời là sản xuất hàng chất lượng sẽ có giá thành rẻ hơn làm hàng “dỏm”. Bởi sản xuất hàng chất lượng đòi hỏi phải tuân thủ cả một quy trình, còn làm hàng kém chất lượng, pha tạp chất vào nguyên liệu để có giá thành rẻ hơn thì sẽ dẫn đến hư hỏng máy móc, rồi phải ngừng sản xuất để có thời gian sửa chữa... Xét cho cùng thì “tính già hóa non” vì chi phí sửa chữa máy móc còn tốn kém hơn nhiều lần.

* Nghĩa là ông khẳng định doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh rất cao trong khu vực?

- Nếu là sản xuất chân chính, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện tiêu chuẩn thì so với những sản phẩm có cùng chất lượng của các doanh nghiệp trong khu vực, chi phí sản xuất ở Việt Nam là rẻ hơn cả. Ngay cả giá thuê nhân công ở Trung Quốc cũng cao hơn mình. Thế nên, tôi không ngại nếu cạnh tranh công bằng.

* Điều đó có giúp ông tự tin khi đưa Đại Đồng Tiến phát triển ra ngoài biên giới đất nước?

- Tham vọng của tôi là trong một vài thập kỷ nữa, Đại Đồng Tiến sẽ trở thành thương hiệu toàn cầu. Để phục vụ cho tham vọng này, trước mắt tôi đưa Đại Đồng Tiến ra thị trường khu vực như Campuchia, Myanmar, Lào và thậm chí là “thánh địa” của đồ nhựa Thái Lan. “Đánh ăn chắc, thắng ăn chắc”, tôi muốn mình đi từng bước thật vững vàng.

Mỗi ngày một tốt hơn

* Nếu không rơi vào tình huống chẳng đặng đừng là cha ông đau nặng, liệu ông có đảm nhận trọng trách thay cha khi còn khá trẻ?

- Tôi nghĩ cuộc sống có sự chi phối của yếu tố cơ duyên để mọi việc diễn ra theo những thứ tự không tùy thuộc vào ý muốn của con người. Nhưng như đã nói, tôi quyết định sẽ tiếp quản Đại Đồng Tiến ngay từ đầu nên vấn đề thời điểm cũng không quan trọng.

Đây là quyết định của bản thân tôi chứ gia đình chẳng hề ép buộc dù hầu như gia đình người Hoa nào cũng coi trọng vấn đề cha truyền con nối. Nếu muốn, tôi vẫn có thể làm những công việc khác mà tôi yêu thích. Ai cũng vậy, khi bị đặt vào một vị trí không hợp với nhu cầu của bản thân thì sao có thể làm tốt được.

* Đến đời con ông, ông cũng để cho chúng được tự quyết định có tiếp quản gia nghiệp hay không chứ?

- Tôi chưa có con nhưng sau này việc tiếp quản Đại Đồng Tiến cũng sẽ như thế. Con tôi có quyền làm những công việc mà chúng yêu thích, như cha chúng hiện nay.

* Hài lòng với hiện tại, nhưng ông có hình dung 20 năm nữa, khi đã ngoài 50, ông muốn mình sở hữu những gì?

- Mục tiêu sống của bản thân tôi rất dung dị, đó là mỗi ngày phải một tốt hơn. Ngoài công việc của một doanh nhân, tôi rất thích nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ, hai niềm yêu thích này phải tồn tại song song vì chỉ khi kinh doanh có lợi nhuận thì mới đủ điều kiện để nghiên cứu khoa học.

Và ngược lại, khi có những bước tiến về công nghệ sản xuất, công việc kinh doanh của tôi sẽ tốt hơn rất nhiều. Tiếc là công việc kinh doanh hiện nay vẫn còn bề bộn quá, nên tôi chưa có đủ thời gian dành cho niềm đam mê còn lại.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đời ngắn ngủi nên tôi phải học…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO