Trò chơi truyền hình: Thay đổi để tồn tại

ĐINH NGUYỄN| 23/03/2019 02:36

Sức hút khán giả và mức giá quảng cáo sụt giảm, thị trường trò chơi truyền hình (gameshow, reality show - truyền hình thực tế) tiếp tục là cuộc đua khốc liệt.

Trò chơi truyền hình: Thay đổi để tồn tại

Cảnh trong trò chơi truyền hình Ký ức vui vẻ

Bởi vậy, loại hình giải trí này cần phải tìm ra hình thức thể hiện mới lạ, hấp dẫn để có thể tồn tại.

Ở phương diện thương hiệu, những chương trình từng rất thành công như Gương mặt thân quen, Giọng hát Việt, Thách thức danh hài, Ơn giời cậu đây rồi, Tuyệt đỉnh song ca, The Face Việt Nam, Vietnam next top model vẫn tiếp tục, nhưng sức hút rõ ràng đã giảm sút. 

Thống kê của Vietnam Tam cho thấy số lượng trò chơi truyền hình có rating (lượng theo dõi) cao ít hơn hẳn so với các chương trình về thể thao, phim truyện truyền hình, mức giá quảng cáo khung giờ vàng cao nhất hiện nay trung bình đạt 170 - 180 triệu đồng/30 giây, giảm một nửa so với thời hoàng kim (2013 - 2014).

Đáng nói là trò chơi truyền hình vẫn tiếp tục "nở rộ trào lưu" ăn theo. Sau cơn sốt của hài hay bolero đã hạ nhiệt, trò chơi "hẹn hò" bùng lên như một hiện tượng trong năm 2017 - 2018 nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Các chương trình khai thác yếu tố đời tư nghệ sĩ từng được xem là một cách "vớt" lại sự quan tâm của công chúng, thì chỉ sau thời gian ngắn đã gây ra nhiều vụ việc lùm xùm khiến các nhà sản xuất phải dè chừng. 

Có một thực tế không thể phủ nhận là rất nhiều trò chơi truyền hình tạo được sức "nóng" về hiệu ứng khán giả, doanh thu quảng cáo rất tốt ở mùa đầu nhưng đi qua mùa phát sóng thứ hai hay thứ ba thì giảm hẳn.

Cảnh trong trò chơi truyền hình 5 vòng vàng kỳ ảo

Cảnh trong trò chơi truyền hình 5 vòng vàng kỳ ảo

Trò chơi truyền hình còn chịu sự chia sẻ khán giả, khi đang có xu hướng đổ xô theo dõi các chương trình giải trí qua Facebook và YouTube. Hiện tại, khán giả có thói quen sử dụng các thiết bị di động chiếm đến hơn 80% và thời lượng xem tivi thấp hơn hẳn so với xem qua laptop, điện thoại hay mạng xã hội.

Các nhà tài trợ hiện nay không chỉ quảng cáo trên truyền hình truyền thống mà có sự chuyển hướng, chia sẻ với các mạng truyền thông xã hội, nền tảng trực tuyến khác vì kiểm duyệt nội dung cởi mở hơn và "đất" cũng rộng hơn, không phải phụ thuộc vào sóng truyền hình. Bên cạnh đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều trò chơi truyền hình trực tuyến.

Chính bởi sự bão hòa như vừa kể, nên thị trường trò chơi truyền hình buộc phải liên tục dịch chuyển về mặt nội dung, format... Chẳng hạn, từ năm ngoái đã nổi bật xu hướng kết hợp nhiều lĩnh vực trong một trò chơi để tăng sức hấp dẫn với đa dạng đối tượng khán giả. Một số chương trình như Đấu trường võ nhạc kết hợp võ thuật và âm nhạc, Khúc hát se duyên, Giai điệu chung đôi kết hợp hẹn hò mai mối thông qua âm nhạc, Duyên dáng Bolero kết hợp thi ca hát và thi nhan sắc, Ẩm thực kỳ duyên kết hợp giữa nấu ăn, ẩm thực và mai mối hẹn hò.

Cảnh trong trò chơi truyền hình Giác quan thứ sáu

Cảnh trong trò chơi truyền hình Giác quan thứ sáu

Số trò chơi mới cũng liên tục ra đời như Nhanh như chớp, Đêm tiệc cùng sao, 5 vòng vàng kỳ ảo, Bước ra ánh sáng, Giọng ca bất bại, Hành trình lột xác, Cha mẹ thay đổi, Bộ ba siêu đẳng, Giác quan thứ sáu, Im lặng là vàng được mua bản quyền từ nước ngoài, có định dạng và cách thức thể hiện mới lạ, dàn dựng hoành tráng và thậm chí ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, đặt trong bối cảnh phim truyền hình mới có dấu hiệu khởi sắc trở lại, trò chơi truyền hình nói chung vẫn chiếm vị trí chủ yếu trong các khung giờ vàng dành cho giải trí của các kênh truyền hình VTV, HTV, THVL... Có thể thấy,  trò chơi truyền hình đều đã đề cập đến đủ các vấn đề xã hội, đời sống, văn hóa, giải trí..., tạo ra một "thực đơn" phong phú, đa dạng nhắm tới đủ mọi đối tượng khán giả.

Tuy nhiên trước sự cạnh tranh khốc liệt kể trên và nhất là đã qua thời hoàng kim, nên mặc dù có nhiều trò chơi mới ra đời nhưng khó tạo hiệu ứng mạnh mẽ như trước, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải nâng cao chất lượng nội dung, bởi dù hình thức thể hiện có hoành tráng đến đâu, mức đầu tư có cao đến mấy mà nội dung nhạt thì vẫn khó giữ chân khán giả ngồi lại trước màn ảnh nhỏ.

Bên cạnh các chương trình đầu tư hoành tráng, gần đây thị trường xuất hiện một số chương trình mới có nội dung đơn giản nhưng vui vẻ và giàu ý nghĩa được mua bản quyền từ Hàn Quốc, Thái Lan hay thuần Việt. Đó là Lô tô show - Gánh hát ngàn hoa, Ký ức vui vẻ, Đùa như thật, Ô hay gì thế này, Giải mã tri kỷ, Kẻ thách thức, Người ấy là ai, Nữ hoàng quyến rũ... đều hứa hẹn ít nhiều tạo được làn gió mới cho trò chơi truyền hình. Trong đó Chạy đi chờ chi - phiên bản Việt hóa của Running Man rất "ăn khách" ở Hàn Quốc, thông qua những trò chơi hài hước đã gửi thông điệp "hãy cứ tận hưởng cuộc sống mỗi ngày, hãy mạnh dạn làm điều mình thích và thật vui vẻ” đến khán giả.

Kết nối và mở rộng kênh tiếp cận với khán giả cũng là xu thế được các nhà sản xuất trò chơi truyền hình quan tâm triển khai. Một số chương trình như Bữa trưa vui vẻ, Cất cánh, Không giới hạn Sasuke Việt Nam đã tương tác rất tốt với khán giả trên mạng xã hội. Như vậy, khi có thêm kênh được phổ biến, các nhà sản xuất sẽ có thêm một khoản bù đắp để tăng chi phí đầu tư giúp cho trò chơi truyền hình có thể tồn tại qua các mùa phát sóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trò chơi truyền hình: Thay đổi để tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO