“Trị bệnh” nhập siêu từ Trung Quốc

15/05/2012 06:14

Đầu tháng 5/2012, đoàn doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã thực hiện chuyến khảo sát thực tế hàng Việt Nam tại Quảng Châu, thành phố thương mại lớn nhất Trung Quốc (TQ), và ghi nhận có rất ít thương hiệu Việt Nam tại thị trường này.

“Trị bệnh” nhập siêu từ Trung Quốc

Đầu tháng 5/2012, đoàn doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã thực hiện chuyến khảo sát thực tế hàng Việt Nam tại Quảng Châu, thành phố thương mại lớn nhất Trung Quốc (TQ), và ghi nhận có rất ít thương hiệu Việt Nam tại thị trường này.

Hàng thương hiệu Việt bày bán tại các siêu thị ở Trung Quốc chỉ đếm được trên đầu ngón tay - Ảnh: Kiến Phước

Tại tòa nhà triển lãm ngành thực phẩm của hội chợ xuất khẩu thường niên lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Quảng Châu, số công ty Việt Nam (VN) tham dự đếm không đủ năm đầu ngón tay. Chỉ có một công ty tên Việt nhưng sở hữu Canada chế biến hạt điều, một công ty bán hạt giống và Công ty Vinamit bán hoa quả sấy và cà phê bột...

Tìm hàng Việt trong hệ thống siêu thị Trung Quốc (TQ), ngay cả tại hệ thống Lotus (xếp trong top 5), còn khó hơn tìm gian hàng Việt trong hội chợ Quảng Châu...

Chưa tận dụng hết cơ hội

Đây là điều mà ông Tô Quốc Tuấn, tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu, đề cập đầu tiên khi nói về cơ hội thâm nhập thị trường TQ với đoàn doanh nghiệp từ TP.HCM sang.

Theo ông Tuấn, điều quan trọng nhất cần làm để đẩy mạnh giao thương chính ngạch với TQ là tháo gỡ rào cản về tư duy. Nhiều người ngại làm ăn ở đây dễ gặp rắc rối, bị giả thương hiệu, bị lừa...

Không ít doanh nghiệp cho rằng TQ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu, họ sản xuất thượng vàng hạ cám, làm sao mình xuất hàng qua bán bên đó được. Cũng có người muốn tận dụng kiểu làm ăn tiểu ngạch, vừa dễ vừa gần.

Thêm vào đó, TQ rộng lớn quá, biết kết nối với ai, biết ai là đối tác tốt? Không có nhiều thông tin, lại không chủ động tìm tới những doanh nghiệp có kinh nghiệm đi trước, nhiều doanh nghiệp VN rơi vào thế bị động.

Trong khi đó, không ít doanh nghiệp VN làm ăn tiểu ngạch đang thấy bức bối trước thực tế là đối tác phân phối độc quyền người TQ qua biên mậu đang khống chế và đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ nếu doanh nghiệp tìm đường xuất chính ngạch.

Quả thật mức gia tăng doanh số của các thương lái bán hàng Việt cũng khá tốt. Theo điều tra riêng của chúng tôi, mặt hàng cà phê bột của một công ty lớn VN đang đạt 1.000 tỉ đồng/năm. Về gạo thì năm 2011 đã xuất được hơn 1 triệu tấn. Mì gói, bánh các loại đã có doanh số 3.500 tỉ đồng.

Nhưng có đi sâu vào nội địa và nội ngành thương mại TQ mới thấy với hơn 500 triệu dân phía tây nam, với việc TQ tăng thực thi cam kết ACFTA (Khu mậu dịch tự do Asean - TQ), với xu hướng chuộng hàng ngoại, hàng nhập và sự ưu ái đặc biệt dành cho “báu vật phương Nam” đến từ VN hiện nay trong người tiêu dùng TQ, thì cứ để bị khống chế như vậy thật đáng tiếc.

Trước đây, một số doanh nghiệp đã tự đi tìm đường và thường lặng lẽ đi vì sợ bị “giành mối”. Nhưng bây giờ nhìn thấy hàng hóa của các nước Asean khác đang chiếm nhiều chỗ trong siêu thị TQ, các doanh nghiệp VN thấy rõ cần phải nắm tay, dựa lưng nhau mà cùng đi sẽ tận dụng được cơ hội, giảm thiểu rủi ro, dễ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cùng bảo vệ nhau.

Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Một số doanh nghiệp Việt đã chịu khó tìm hiểu luật pháp và quy tắc làm ăn tại công xưởng thế giới, biết dùng luật sư Trung Quốc trong việc tư vấn pháp lý, chủ động liên hệ và gìn giữ mối quan hệ với các cơ quan đại diện VN tại TQ.

Đó là sự thay đổi quan trọng nhất. Và đã có một số công ty VN kiên trì theo đuổi con đường làm ăn chính ngạch hơn 10 năm qua, họ đã lập công ty phân phối hợp tác với người bản địa, tạo điều kiện tốt để hỗ trợ các doanh nghiệp muốn vào thị trường này.

TQ đang thay đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng nhiều hơn vào cầu thị trường nội địa và ngày càng thực thi sâu hơn cam kết ACFTA. Doanh nghiệp VN cần kịp thời tận dụng động thái chính sách mới của TQ, chuyển hướng sang đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch để thâm nhập vững chắc thị trường này. Lúc đầu sẽ khó nhưng liên kết với các công ty VN có kinh nghiệm là thuận lợi.

Để thúc đẩy xuất khẩu vào TQ, Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách mang tính đột phá khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tốt việc thực thi hiệp định thương mại tự do ACFTA và tận dụng việc chuyển đổi chính sách thương mại của chính TQ. Một số doanh nghiệp bày tỏ ái ngại: tình hình xung đột biển Đông khiến nhân tâm xao xuyến và khiến việc làm ăn khó ổn định lâu dài.

Chúng tôi thấy có một vấn đề cũng lâu dài không kém: nếu cứ để như tình hình hiện nay thì thực trạng nhập siêu và lệ thuộc về kinh tế với TQ chỉ ngày càng nặng nề hơn, khi ACFTA được thực thi và các nước Asean khác đang tiếp tục phương thức giao thương chính ngạch ít rủi ro và lợi nhuận tốt hơn.

Càng chậm có chủ trương chính sách chung làm nền thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang TQ và doanh nghiệp càng chậm trễ thì thương mại nước ta càng lệ thuộc và thua thiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Trị bệnh” nhập siêu từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO