Nhà đấu giá Barridoff ở bang Maine (Mỹ) đã đưa lên mạng một bức tranh của Lê Phổ để chuẩn bị đấu giá cuối tháng 10 vừa qua, trong khi đó bộ sưu tập tranh Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore có một bức cùng tên, cùng bố cục và hình nhưng kích cỡ khác và màu sắc hoàn toàn khác.
Ngay khi ông Rob Elowitch, chủ nhân Barridoff công bố hình ảnh bức tranh Hai chị em trên trang web của nhà đấu giá vào ngày 24/10, lập tức đã có những phản hồi và tranh cãi về tác phẩm còn có tên là Thoa son này. Tìm kiếm thông tin trên mạng, Rob Elowitch phát hiện một bức tranh tương tự của Lê Phổ đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore.
Tranh Lê Phổ vừa đấu giá tại nhà Sotheby’s ở Hongkong |
Bức do nhà Barridoff công bố có kích thước 80cm x 53cm trong khi bức tại Singapore nhỏ hơn: khoảng 54cm x 45cm; cả hai đều vẽ hai thiếu phụ ngồi bên nhau, một người đang thoa son môi, người kia cầm một chiếc hộp tròn nhỏ, có lẽ là chứa son của thời bấy giờ (theo thông tin của Bảo tàng Mỹ thuật Singapore thì tranh được sáng tác năm 1938, vào thời kỳ đầu của Lê Phổ và bảo tàng đã mua nó tại một cuộc đấu giá tranh năm 1999 ở nhà Christie’s).
Tuy nhiên màu sắc của hai bức hoàn toàn khác biệt: tranh ở nhà Barridoff có tông màu nóng, với sắc nâu đỏ trong khi tranh ở Bảo tàng Singapore có màu lục, màu chàm. Nét vẽ trong hai bức cũng rất khác: bức ở nhà Barridoff nét sắc và rối, trong khi bức kia được vẽ với những nét mềm mại, nhân vật nhờ đó trông êm ả, thơ mộng hơn.
Bức tranh suýt được đấu giá tại nhà Barridoff |
Cũng theo ông Rob Elowitch, khi bức tranh được mang tới nhà đấu giá của ông, nó ở trong tình trạng rất xấu: dơ bẩn, lâu ngày không được chạm đến, có một vết thủng phía trên. Điều đó khiến ông và vợ là bà Annette đều tin chắc rằng đây là nguyên bản vào thời kỳ đầu sáng tác của Lê Phổ, vốn rất hiếm thấy hiện nay và nếu có thường là bản sao chép lại.
Những bức tranh như vậy hiện rất có giá trên thị trường. Khi trả lời phỏng vấn của trang mạng AsiaWeekGuide.com, Rob đã khẳng định bức tranh ông có trong tay mới là đồ “xịn”, thậm chí sau đó nó còn được tiến sĩ Jennifer Mass, chuyên gia phân tích khoa học các tác phẩm mỹ thuật ở Pennsylvania khẳng định là Lê Phổ “thứ thiệt”.
Bởi theo tiến sĩ Mass thì khi phân chất các thành phần hóa học trong màu dầu trên bức tranh nhà Barridoff, có những hóa chất cho thấy rõ đó là loại sơn đã được sản xuất trước năm 1938; đặc biệt có loại màu vàng Hansa vốn được sản xuất từ năm 1915.
Bức thuộc sở hữu của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore |
Trong vụ việc lùm xùm này, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore không hề lên tiếng. Có điều nhà Barridoff đã quyết định đưa ra khỏi danh sách đấu giá bức Hai chị em của Lê Phổ. Có lẽ đây là một quyết định đúng đắn vì những ai đã yêu mến Lê Phổ rất dễ nhận ra bức do Bảo tàng Mỹ thuật Singapore mới thật là… Lê Phổ!
Nhớ lại, vào năm 2008, Công ty đấu giá Neal (Neal Auction Company) ở New Orleans, Los Angeles, Mỹ đã rao trên mạng đấu giá hai tác phẩm quan trọng của mỹ thuật Việt Nam: một bức của Nguyễn Gia Trí, một của Nguyễn Sáng mà giá khởi điểm đều rất thấp so với giá tranh của hai bậc thầy này.
Khi đó, chính họa sĩ Đinh Cường, sau khi xem tranh (trên mạng) và tìm hiểu kỹ đã cho biết cả hai đều là đồ “dỏm”. Không rõ hai bức tranh giả mạo đó về sau có lừa được ai không!