Một con mèo ảo độc nhất trên nền tảng CryptoKitties - Ảnh: CryptoKitties |
Ra mắt vào năm 2017, CryptoKitties khơi mào cơn sốt cho các trò chơi dựa trên công nghệ blockchain, cho phép mọi người mua và bán động vật ảo tại Trung Quốc. Hiện có hơn một triệu con mèo ảo trên các nền tảng blockchain khác nhau ở nước này. Không chỉ mèo, những con chó ảo, chuột ảo, heo ảo, robot ảo... mà phần nhiều trong số chúng hiện đang bị bỏ rơi trong cơn nổ "bong bóng" thú ảo.
Các công ty công nghệ Trung Quốc từng nhanh chóng tận dụng cơn sốt nuôi thú ảo trên blockchain, nhưng giờ những game lớn nhất không còn tồn tại hoặc chuyển đổi hình thức. Kéo theo đó, các nhà đầu tư đã đổ những đồng tiền khó nhọc lắm mới kiếm được vào thú ảo thì nay đã trắng tay vì bong bóng thú ảo vỡ.
Bị dụ dỗ bởi khả năng tăng giá nhanh và hứa hẹn trở thành triệu phú, ông Dong đã chi 14.200 USD để mua một con heo ảo trên nền tảng Bit Pig. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2019, ông phát hiện trò chơi đã đóng cửa và khoản đầu tư cũng bốc hơi theo. Thông tin này được cảnh sát ở Phố Đông, Thượng Hải chia sẻ.
Vào thời kỳ đỉnh cao, sự cường điệu đã khiến hàng nghìn người tại Trung Quốc như ông Dong đầu tư vào tiền điện tử và các dự án dựa trên blockchain. Công nghệ này lan tỏa vào mọi ngành công nghiệp, bao gồm cả game.
Sử dụng blockchain cho phép các trò chơi tận dụng sự khan hiếm kỹ thuật số. Mỗi con mèo trong CryptoKitties là duy nhất. Việc sử dụng chuỗi khối Ethereum nghĩa là có một hồ sơ công khai về người sở hữu mỗi con thú cưng độc nhất đó. Hai điều này cho phép thú ảo được giao dịch giống như các vật phẩm sưu tầm.
Trong khi một số người xem CryptoKitties là trò chơi thì người khác xem nó là kênh đầu tư béo bở. Vào giai đoạn bong bóng phình to, một vài con thú trên nền tảng này được rao bán giá đến 170.000 USD. Chính vì thế, hàng loạt nền tảng nuôi thú ảo blockchain tương tự lần lượt ra đời.
"Những người mua đầu tiên đổ tiền vào mèo ảo hy vọng họ sẽ giàu. Chính việc này đã tạo ra bong bóng. Vì thế giờ đây, tình hình rất khó hồi phục", David Johansson - nhà sáng lập kiêm CEO Blocklords tại Thượng Hải nhận xét.
Những con heo ảo này từng được mua với giá chục nghìn USD - Ảnh: Văn phòng Cảnh sát Phố Đông. |
Khi cơn sốt tiền ảo nổi lên, Trung Quốc đã trở thành điểm nóng của các công ty liên quan đến blockchain và tiền điện tử. Dù chính quyền nước này cấm giao dịch tiền điện tử nhưng lệnh cấm không ảnh hưởng đến các dự án blockchain khác. Vì vậy, nhiều công ty đã nhảy vào làm thú cưng ảo, thậm chí là các công ty hàng đầu.
Baidu, NetEase, Xiaomi và Qihoo 360 đều có bộ sưu tập thú nuôi blockchain của riêng họ. Vấn đề là, không bộ sưu tập nào hiện còn tồn tại hoặc được chuyển đổi sang hình thái khác. "Nhìn chung, tôi nghĩ các công ty muốn tận dụng cơn sốt của trào lưu sưu tập trên blockchain. Đó là một cách tiếp thị tuyệt vời", Ian Wittkopp - Phó chủ tịch Sino Global Capital bình luận.
Một số trò được tung ra dưới dạng thử nghiệm, như bộ sưu tập thỏ Jiamitu của Xiami là cách để chiêu dụ người dùng đến với các dịch vụ khác của hãng. Hay như các con chó ảo Laicigou của Baidu là để kết nối với các dịch vụ tài chính. Ngày nay, những thú ảo vẫn còn tồn tại nhưng không còn hấp dẫn và giá trị.
"Nếu bạn hỏi tôi rằng các trò chơi trên nền tảng blockchain sẽ phổ biến với người chơi bây giờ hay không thì tôi sẽ nói là không. Bởi vì điều này là không thể và công nghệ chưa sẵn sàng. Còn trong tương lai, người chơi thậm chí sẽ không biết họ đang chơi một trò dùng blockchain", Johansson nói thêm.
(Theo VnExpress - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)