Để đẩy mạnh doanh thu bằng cách duy trì lượng khách hàng trung thành và thu hút khách hàng mới, các ứng dụng OTA (Online Travel Agents) luôn tìm cách nâng cao trải nghiệm trực tuyến cho người dùng mạng, từ đó giúp người dùng tương tác dễ dàng hơn trên trang web trực tuyến và tìm được sản phẩm du lịch phù hợp, từ đó duy trì và gia tăng số lần quay trở lại của khách hàng, cuối cùng tạo ra sự gắn kết và lòng trung thành.
Xu hướng số hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt và cũng trở thành cơ hội lẫn thách thức cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại trên thị trường du lịch đầy biến động. Thêm vào đó, những thiệt hại nặng nề mà ngành du lịch đang trải qua do dịch bệnh lại càng khẳng định rằng các doanh nghiệp và các bên liên quan cần nghiêm túc nhìn lại mô hình kinh doanh hiện tại và việc áp dụng phương thức kinh doanh mới là điều tất yếu.
Những phân tích thực trạng về chuyển đổi số đang diễn ra, bài nghiên cứu đã phần nào mô tả được một bức tranh về ngành du lịch trong thời đại mới. Từ đó, mô hình giải pháp được xây dựng kết hợp chặt chẽ 5 yếu tố: khả năng kết nối, phổ cập công nghệ, tần suất sử dụng Internet, tích hợp công nghệ và số hóa các dịch vụ công.
Để gia tăng khả năng kết nối, việc triển khai cơ sở hạ tầng băng thông rộng và chất lượng tại những địa điểm có lượng du khách lớn là yêu cầu hàng đầu để tạo ra một lộ trình trải nghiệm liên tục và tối ưu. Sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung cấp mạng trong và ngoài nước sẽ tạo nên một sức mạnh cộng hưởng tạo ra các gói dịch vụ đa dạng và đồng nhất.
Khả năng phổ cập công nghệ là yếu tố thứ hai trong mô hình giải pháp này. Yếu tố này tập trung khai thác nguồn nhân lực bằng cách chú trọng, bồi dưỡng và có kế hoạch phát triển dài hạn về lĩnh vực công nghệ. Giải pháp này nhằm xóa mù công nghệ cho dân địa phương và nâng cao năng lực chuyên môn của nguồn lực phục vụ trong ngành du lịch. Thứ ba là tần suất sử dụng Internet.
Tần suất sử dụng gia tăng cho thấy du khách đang hoàn toàn tham gia vào lộ trình trải nghiệm và điều này được kích thích bởi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (AR) hay hệ thống thông tin địa lý (GIS). Yếu tố thứ tư là việc bổ sung, tích hợp công nghệ mới và những công nghệ có sẵn nhằm tạo ra những hành trình mới lạ và thay đổi liên tục, kích thích sự trở lại của du khách. Cuối cùng, Chính phủ cần xúc tiến nhanh quá trình số hóa các dịch vụ công, tạo hệ thống dữ liệu mở, thân thiện và an toàn đối với du khách nội địa cũng như quốc tế.
Những giải pháp được đề xuất trên cũng phần nào cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong ngành, doanh nghiệp liên ngành, các cơ quan chính phủ cùng với sự hợp tác của khách du lịch (người dùng trực tuyến). Mạng lưới liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho bức tranh của toàn ngành du lịch thêm khởi sắc trong những năm sắp tới.
(*) Khoa Du lịch - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM