Đà trả đũa lẫn nhau này làm dấy lên lo ngại sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc cho biết sự trả đũa sẽ ở quy mô "anh bao nhiêu tôi bấy nhiêu" đối với việc tăng thuế quan của Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc trong cuộc tranh chấp về thặng dư thương mại và chính sách công nghệ.
Bắc Kinh "không muốn chiến tranh thương mại" nhưng sẽ phải "đánh trả mạnh mẽ” - theo một thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc. Thông báo còn cho biết Bắc Kinh cũng đã loại bỏ các thỏa thuận thu hẹp khoản thặng dư thương mại nhiều tỷ USD với Mỹ bằng cách mua thêm nông sản, khí đốt và các sản phẩm khác.
Mỹ và Trung Quốc có mối giao thương lớn nhất thế giới nhưng Mỹ cho rằng việc phát triển công nghiệp của Bắc Kinh vi phạm những cam kết tự do thương mại và làm thiệt hại cho các công ty Mỹ. Châu Âu, Nhật Bản và các đối tác thương mại khác cũng đưa ra những khiếu nại tương tự, riêng Tổng thống Donald Trump phản ứng bằng cách thách thức Bắc Kinh và đe dọa cắt đứt một khối lượng lớn hàng xuất khẩu.
Báo Thời đại Toàn cầu của Trung Quốc bình luận: "Trong trận thương chiến này, chính Mỹ là bên đóng vai trò khiêu chiến, trong khi Trung Quốc chỉ là tự vệ. Nhưng Trung Quốc là một người lính mạnh mẽ và có đủ đạn dược để bảo vệ các quy tắc thương mại hiện hành và sự công bằng".
Bắc Kinh sẽ áp mức tăng 25% thuế quan bắt đầu từ ngày 6/7 đánh vào 545 sản phẩm nhập từ Mỹ, trong đó có đậu nành, xe hơi điện, nước cam vắt, rượu whisky, tôm càng, cá hồi và xì gà. Những mặt hàng tăng thuế như đậu nành sẽ tác động mạnh đến nông dân Mỹ, tôm càng tác động đến ngư dân Mỹ. Bắc Kinh có vẻ như đang giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế bằng cách chọn các nhà cung ứng sản phẩm khác từ Brazil hoặc Úc.
Các nhà quản lý Trung Quốc cũng đang xem xét việc tăng thuế đối với 114 sản phẩm nhập từ Mỹ, trong đó có thiết bị y tế và sản phẩm năng lượng. Quyết định này sẽ được công bố sau.
Hành động của Trung Quốc là nhằm phản ứng thông báo của chính phủ Trump về việc tăng thuế quan lên 34 tỷ USD đánh vào hàng hóa Trung Quốc cũng có hiệu lực từ ngày 6/7, và có kế hoạch tăng thêm 16 tỷ USD tiền thuế đánh vào các sản phẩm khác.
Các quan chức chống độc quyền Mỹ được cho là đang trì hoãn việc công bố một quyết định về thương vụ mua lại hãng chế tạo bán dẫn NXP do công ty công nghệ khổng lồ Qualcomm đề xuất, lấy lý do là đang có xung đột thuế quan.
"Sự trả đũa của Trung Quốc sẽ được hiệu chỉnh và chủ yếu là có qua thì có lại. Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động nào của Tổng thống Trump" - Eurasia Group viết trong một báo cáo.
Phòng Thương mại Mỹ đã kêu gọi Washington tránh tăng thuế quan nhưng cho rằng sự đe dọa của ông Trump khiến cho Bắc Kinh phải tham gia vào các cuộc đàm phán chuyên sâu hơn so với các năm trước. Các doanh nghiệp cũng đang theo dõi số phận của Công ty ZTE - một hãng sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc đang bị các quan chức Mỹ "bắt giò” vì vi phạm lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Iran và Triều Tiên.
Washington đã hủy bỏ lệnh cấm bán công nghệ Mỹ cho ZTE sau khi công ty này đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD và thuê các nhà quản lý chấp pháp do Mỹ lựa chọn. Thỏa thuận cho phép Washington áp đặt thêm 400 triệu USD tiền phạt hoặc các hình phạt khác nếu ZTE vi phạm thỏa thuận.
Ông Trump đang ép Bắc Kinh thu hẹp thặng dư mậu dịch với Mỹ, giảm kế hoạch nhà nước hỗ trợ cho các công ty cạnh tranh quốc tế trong những lĩnh vực sản xuất xe điện, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Mỹ, châu Âu, Nhật và các đối tác thương mại khác phàn nàn về việc Bắc Kinh ăn cắp công nghệ nước ngoài, hỗ trợ và bảo hộ cho các ngành công nghiệp trong nước. Họ cho rằng những việc đó vi phạm cam kết thị trường mở của Trung Quốc theo luật của Tổ chức Thương mại Thế giới.