Đề án xây dựng chính quyền đô thị nếu được thông qua có thể sẽ giúp khôi phục giấc mơ Hòn Ngọc Viễn Đông của TP.HCM.
>Chính quyền đô thị - Sự khác biệt
>Lắng nghe ý dân để xây dựng Đề án Chính quyền đô thị
>Chính quyền đô thị: Mô hình được mong chờ
>Góp ý dự thảo Đề án thí điểm chính quyền đô thị
"Hòn ngọc Viễn Đông” từng là cụm từ mỹ miều mà nhiều người đã dùng để ca ngợi vẻ đẹp của thành phố Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20. Nhưng theo thời gian, cùng với những thăng trầm của lịch sử, nét lấp lánh của hòn ngọc này đã mai một rất nhiều.
Đó là điều những người yêu thành phố này tiếc nuối, đặc biệt khi chứng kiến nhiều thành phố trong khu vực như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur đã dần vượt xa Sài Gòn.
Sự tụt hậu này do nhiều nguyên nhân, trong đó có một yếu tố xuất phát từ mô hình quản lý hành chính nặng nề, chưa hiệu quả, không tạo được động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển lên cao hơn.
Nhưng mọi thứ có thể sẽ thay đổi khi gần đây, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã công bố hoàn tất dự thảo đề án xây dựng chính quyền đô thị để trình Thủ tướng phê duyệt. Nếu được thông qua, đây có thể là một bước ngoặt trong tiến trình cải cách hệ thống quản lý hành chính tại Việt Nam và gián tiếp khôi phục giấc mơ Hòn Ngọc Viễn Đông của TP.HCM.
Chiếc áo mới “Chính quyền đô thị”
Việt Nam xếp khá thấp trong khu vực châu Á về chỉ số năng lực hiệu quả của chính quyền. (*) Xét theo thang điểm từ 0 đến100 - Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2011. |
Theo Tiến sĩ Võ Trí Hảo thuộc khoa Luật Kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM, chính quyền đô thị có thể hiểu đơn giản là mô hình chính quyền địa phương thành lập ở các đô thị, có nhiều điểm khác biệt với mô hình chính quyền nông thôn như về diện tích, dân số, trình độ dân trí, cấu trúc kinh tế, sức ép phát triển và cung ứng dịch vụ công.
Với những khác biệt này, các đô thị lớn ở Việt Nam rõ ràng không thể mặc cùng một chiếc áo về hệ thống quản lý hành chính giống nông thôn. Nhìn về dài hạn, sức ép thực hiện cải cách quản lý hành chính sẽ rất lớn khi TP.HCM nhiều khả năng trở thành một siêu đô thị.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy để quản lý và phát triển một siêu đô thị với mô hình chính quyền như hiện nay là rất khó”, Tiến sĩ Trần Du lịch nhận xét.
Đề án chính quyền đô thị của TP.HCM có một số điểm nhấn quan trọng. Đó là giảm bớt một cấp quản lý như hiện nay xuống còn 2 cấp, thậm chí địa bàn nội thành với 13 quận sẽ chỉ còn một cấp quản lý. Hai cấp chính quyền sẽ bao gồm cấp thành phố (trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở. Trong đó, cấp cơ sở bao gồm xã, phương, thị trấn, thị xã hay các thành phố con.
Cơ quan quản lý hành chính mỗi cấp sẽ gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân nhưng không tổ chức ở cấp quận, huyện, phường, thay vào đó là cơ quan đại diện của cấp trên để thay mặt tiếp nhận và xử lý công việc với người dân.
Để đáp ứng mô hình mới này, TP.HCM cũng đề xuất thành lập 4 thành phố vệ tinh mới nằm ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và cả 4 thành phố này cùng đô thị lõi trung tâm sẽ thuộc thành phố mẹ trực thuộc Trung ương.
Quan trọng hơn cả, người đứng đầu chính quyền đô thị có thể sẽ do dân bầu chứ không phải do Hội đồng Nhân dân lựa chọn. Đây là hình thức đuợc nhiều thành phố lớn như New York, London áp dụng rất thành công vì quyền lực và trách nhiệm được quy định cụ thể đối với người đứng đầu này.
Hiện tại, tính hiệu quả của chính quyền ở Việt Nam còn ở mức kiêm tốn. Chỉ số năng lực chính quyền Việt Nam năm 2011 - một chỉ số được khảo sát dựa trên ý kiến của doanh nghiệp, người dân và các chuyên gia về chất lượng quản trị của chính quyền - khá thấp, chỉ đứng trong nhóm 25-50 theo thang điểm 100 của thế giới.
Xét trong khu vực, Việt Nam đứng trên Lào và Campuchia, thấp hơn một chút so với Indonesia, nhưng thấp hơn khá nhiều so với Philippines, Thái Lan và Trung Quốc.
Việc giảm bớt một cấp chính quyền quản lý theo đề án có thể sẽ mang lại những lợi ích to lớn. Về mặt quản lý hành chính, nó có thể giải quyết được tình trạng chồng chéo công vụ giữa cấp trên và cấp dưới. Đồng thời, quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp cũng sẽ được làm rõ hơn.
“Khi giảm bớt cấp chính quyền, thủ tục hành chính cũng sẽ được cắt giảm. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, mà còn mang lại lợi ích cho công dân”, Tiến sĩ Võ Trí Hảo nhận định.
Còn Tiến sĩ Trần Du Lịch thì cho rằng trong mô hình này, các đô thị mới thành lập của TP.HCM sẽ được tổ chức như đô thị độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm để quyết định sự phát triển của mình chứ không phải cái gì cũng xin và chờ ý kiến từ cấp trên.
Ngoài ra, nếu người đứng đầu thành phố là thị trưởng do dân bầu, trách nhiệm của người này trước dân sẽ cao hơn, thậm chí sẽ bị bãi chức trực tiếp bởi lá phiếu của người dân.
Mô hình thị trưởng sẽ tạo cho người đảm đương trọng trách ấy vị thế chính trị vững chắc, có quyền lớn hơn, được lựa chọn ê kíp làm việc. Điều đó cho phép thị trưởng có công cụ cần thiết để hoàn thành tốt công việc của mình.
Nhà đầu tư cũng hoan nghênh đề án này. “Các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thoải mái với mô hình chính quyền đô thị và đặc biệt là người đứng đầu thành phố do dân bầu”, ông Marc Townsend, Giám đốc Điều hành của Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, cho biết.
Thực sự, chiếc áo cũ đã quá chật và không còn phù hợp với TP.HCM nữa. Thành phố cần một cơ chế quản lý mới để giúp nó trở nên mạnh mẽ hơn, chủ động và nhanh hơn để theo đuổi những mục tiêu phát triển mới, đồng thời để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai như hệ thống giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dân số đông.
“Để có thể bắt kịp Kuala Lumpur, Bangkok và Manila, một trong các điều kiện là TP.HCM cần một giới lãnh đạo mạnh mẽ, có tầm nhìn”, ông Townsend nói.
Kết quả bất ngờ từ mô hình thí điểm
Việc muốn thoát khỏi mô hình quản lý cũ đã được nhiều địa phương mong chờ từ lâu, đặc biệt là các địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh. Ngay từ năm 2006, TP.HCM đã đề nghị Quốc hội xây dựng luật hay pháp lệnh riêng cho các thành phố lớn để có thể phát triển, trong đó có cơ chế thu hút vốn, xét duyệt dự án đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách đối với con người và bộ máy.
Một địa phương khác là Đà Nẵng cũng muốn có một cơ chế quản lý mới được quy định rõ ràng. Từ năm 2007, Đà Nẵng được giao nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị và đang áp dụng thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện và phường.
Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM cho thấy, do không còn hội đồng nhân dân cấp quận, phường, chủ tịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã tăng cường nhắc nhở, thậm chí chỉ đạo trực tiếp các sở, ngành, quận, huyện.
Nhờ đó, Đà Nẵng đã có được một môi trường quản lý khá hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính dân chủ, minh bạch thông tin, hòa lợi ích thỏa đáng của người dân vào lợi ích chung của Thành phố. “Tôi rất hài lòng với chính quyền các cấp tại Đà Nẵng vì tôi luôn có thông tin cần thiết từ họ. Hơn nữa, mọi việc được giải quyết rõ ràng và nhanh chóng”, ông Lê Văn Hiểu, Tổng Giám đốc Công ty Seatech, nói.
Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong việc áp dụng các chính sách mới. Dù có một số chính sách gây tranh cãi nhưng cũng có những chính sách mang lại lợi ích cho địa phương.
Ví dụ, theo báo cáo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế - Luật, thành phố Đà nẵng đã thực hiện chính sách “đổi đất lấy hạ tầng”, trong đó thực hiện phương thức thanh toán ngay từ đầu với giá chiết khấu 10% đối với đất hai bên đường dự định xây dựng.
Điều này trái với quy định của Trung ương, gây thất thoát ngân sách nhưng bù lại, chính sách này đã thu hút được một lượng vốn lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng, từ đó thúc đẩy đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế.
Nếu so sánh giữa hai phương án chiết khấu 10% thanh toán ngay từ đầu với phương án thanh toán chậm nhưng không chiết khấu (đúng theo Luật), phương án thứ nhất đã làm tổng sản phẩm nội địa của Đà Nẵng cao hơn 333,7 tỉ đồng so với phương án thứ hai trong giai đoạn 2003-2011.
“Cần trao quyền tự chủ cho các đô thị, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thu hút các nguồn lực phát triển để tạo nguồn thu cho phát triển hạ tầng, phát triển đô thị, quản lý sử dụng đất có hiệu quả”, báo cáo viết.