Tăng cường hợp tác phát triển du lịch (DL) giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm tạo ra sản phẩm dịch vụ mới mẻ, độc đáo để bổ trợ cho nhau cùng phát triển trong chuỗi liên kết mang tính hệ thống nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước là mục tiêu lớn nhất được các đại biểu tham dự diễn đàn quan tâm thảo luận.
Có 179 dự án được mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí. Trong đó: TP.HCM chiếm 51 dự án với tổng vốn đầu tư 39.933 tỷ đồng; cụm 6 tỉnh phía Đông ĐBSCL gồm Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh có 36 dự án, tổng vốn 6.705 tỷ đồng; cụm các tỉnh phía Tây ĐBSCL là TP. Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau kêu gọi 92 dự án với nguồn vốn đầu tư lên đến 147.053 tỷ đồng.
Năm 2018, TP.HCM cùng các tỉnh thành ĐBSCL thu hút 10,9 triệu lượt khách quốc tế, 66,3 triệu lượt khách nội địa (riêng TP. HCM chiếm 36,5 triệu lượt khách). Tổng doanh thu DL vùng đạt 24.000 tỷ đồng. Doanh thu DL (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 21,55% so với cùng kỳ. Cụm Đông ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng về địa hình, điều kiện sinh thái, khí hậu phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp và sản phẩm DL sinh thái, miệt vườn với nhiều sản vật nổi tiếng lứa gạo, trái cây, hoa kiểng thích hợp phát triển các dịch vụ DL trải nghiệm, nghỉ dưỡng và sản phẩm du lịch đặc thù, DL cộng đồng. Cụm Tây ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc (biển - đảo, sông - núi, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ) với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên rất thích hợp với DL văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ và DL lễ hội… Xây dựng được chuỗi liên kết vùng, phát huy tiềm năng giữa TP.HCM và ĐBSCL chắc chắn ngành DL của vùng đất phương Nam sẽ “cất cánh vươn xa”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: 5 cơ chế thúc đẩy liên kết vùng
Thứ nhất: hình thành Hội đồng phát triển du lịch ĐBSCL và TP.HCM gồm lãnh đạo chủ chốt các địa phương nhằm mục đích xây dựng chương trình hợp tác phát triển DL của toàn vùng đến năm 2025. Bên cạnh đó, cũng cần thành lập ngay Hội đồng các doanh nghiệp DL của 14 tỉnh, thành để cùng vào cuộc, chung tay phát triển liên kết vùng. Thứ hai: Rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã được công nhận tại mỗi tỉnh thành (xây dựng 100 địa chỉ di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là điểm đến cho du khách trong và ngoài nước). Thứ 3: Xây dựng thương hiệu “Du lịch Mekong Việt Nam - điểm đến du lịch Đông Nam Á”. Thứ 4: Kết nối giao thông hàng không với hạ tầng giao thông nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất. Thứ 5: TP.HCM sẵn sàng liên kết với các tỉnh thành để thực hiện dự án Thành phố du lịch thông minh vào năm 2021.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng: 6 kết nối hợp tác
Thứ nhất: Về giao thông, cần có chính sách ưu tiên xây dựng, nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với 6 tỉnh trong cụm. Thứ hai: Với vai trò đầu tàu, đề nghị TP.HCM kết nối, hỗ trợ các tỉnh mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực DL và phát triển hạ tầng. Thứ ba: liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù riêng của tỉnh, liên kết tạo tour - tuyến trong toàn hệ thống. Thứ tư: Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá tạo dựng thương hiệu và nâng cao hình ảnh của từng địa phương. Thứ năm: Hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đào tạo kỹ năng nghề du lịch. Thứ 6: Xây dựng quy chế phối hợp, cụ thể hóa nội dung thành kế hoạch để có lộ trình thực hiện
Bí thư tỉnh Ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương: 7 giải pháp quy hoạch chuỗi du lịch
Cần ký kết hợp tác chiến lược phát triển du lịch vùng giữa TP.HCM và các tỉnh toàn vùng ĐBSCL; gắn phát triển sản phẩm DL với cơ chế chính sách đầu tư phát triển hạ tầng; có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư, cơ chế hỗ trợ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, cơ chế điều phối và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết; quy hoạch chuỗi liên kết cho khu vực cụm Tây ĐBSCL và toàn vùng với TP.HCM. Tăng cường đầu tư địa bàn với các chương trình liên kết trong và ngoài nước; tăng cường quản lý nhà nước và thể chế hóa các chính sách phát triển DL giữa các địa phương; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình quảng bá DL giữa TP.HCM với các tỉnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu DL, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các gói kích cầu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; thành lập Ban chỉ đạo vùng gồm các đồng chí Bí thư tỉnh ủy 14 tỉnh thành (bí thư thành ủy TP.HCM làm trưởng ban) để trực tiếp chỉ đạo công tác liên kết chuỗi du lịch ĐBSCL và TP.HCM