TP.HCM trước cơ hội hiện thực khát vọng xây dựng trung tâm tài chính thế giới

P.V| 25/03/2021 08:08

UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. UBND TP cho rằng việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập; góp phần nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới.

TP.HCM trước cơ hội hiện thực khát vọng xây dựng trung tâm tài chính thế giới

Ý tưởng đề xuất xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đặt tại TP.HCM đã được Thành ủy, UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo trong những năm qua và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Lợi thế “riêng có và đặc biệt”

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Lựa chọn một số điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao” và “Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng TPHCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.

Theo UBND TP.HCM, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính. Trong đó, Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây là lợi thế “riêng có và đặc biệt” trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.

Ngoài ra, TPHCM chỉ cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của Châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Phillippines và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).

Ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, TP.HCM đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9,35% dân số và 0,63% diện tích, nhưng trong các năm qua, Thành phố đã đóng góp khoảng 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối...

Năng suất lao động của Thành phố đạt khoảng 293 triệu đồng/lao động mỗi năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực liên quan hỗ trợ dịch vụ tài chính như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư...

Đón đầu cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế

Thị trường tài chính của Việt Nam nói chung và tại Thành phố nói riêng đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn Thành phố hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác trên cả nước.

Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực TPHCM là rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.

Với các lợi thế nêu trên, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam. Thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại TPHCM sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế và sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ (bảo hiểm, quản lý rủi ro, quản lý tài sản...) không chỉ trên địa bàn Thành phố mà lan tỏa tới các bên có giao dịch liên quan; cùng với sự phát triển của nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường sống chất lượng cao...

Một yếu tố khác cần tính đến trong chủ trương xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TPHCM là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, những diễn biến mới của tình hình thế giới, khiến hình thành xu hướng dịch chuyển các dòng tài chính và các tổ chức tài chính đang tìm kiếm địa điểm mới ở các nước khác tại Châu Á.

Với những xu hướng toàn cầu đang diễn ra và cục diện chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư có nhiều thay đổi sẽ tạo ra cơ hội cho nhiều nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam để đón đầu các nguồn lực dịch chuyển từ các trung tâm này. Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong các nền kinh tế mới nổi Châu Á, với chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu có bước cải thiện vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới, độ mở của nền kinh tế vào nhóm cao nhất, cùng sự chủ động hội nhập và hợp tác giao thương rộng mở với các nền kinh tế thế giới.

Thanh-Pho-Phia-Dong-01-3900-1616637599.j

Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang đứng trước cơ hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới.

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, các địa phương cạnh tranh với nhau để trở thành điểm đến của giao thương, trung tâm tài chính quốc tế được hình thành dựa trên tiền đề về phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và hệ thống giao thông kết nối. Bước sang kỷ nguyên số, sự dịch chuyển của dòng vốn, các sản phẩm, dịch vụ tài chính (các giao dịch tài chính, huy động vốn, đầu tư tài chính...) sẽ ngày càng vượt ra ngoài biên giới truyền thống. Bên cạnh đó, các thị trường tài chính quốc tế đang trải qua thời kỳ chuyển biến cạnh tranh mạnh mẽ để củng cố và, hoặc bứt phá vị thế của mình, với các sản phẩm tài chính thế hệ mới ngày càng đa dạng và khó nắm bắt.

Những yếu tố cơ bản tạo nên lợi thế cạnh tranh sẽ không chỉ bao gồm  mạng lưới khách hàng trong nước, khu vực và quốc tế rộng lớn, đa dạng; nguồn nhân lực chất lượng cao hay cơ sở hạ tầng, mà đặc biệt quan trọng là hệ thống tài chính mở, phát triển ở mức độ cao, hệ thống quản trị tài chính kinh doanh linh hoạt, thích ứng với các thông lệ, chuẩn mực cao nhất trên thế giới, và hạ tầng luật pháp phát triển và hiệu quả.

Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là một biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới. 

Với lợi thế vốn có Thành phố hiện nay là đầu tàu phát triển kinh tế, trung tâm thương mại, xuất nhập khẩu năng động của cả nước thì định hướng mục tiêu phát triển trung tâm tài chính tại TPHCM trong ngắn hạn sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia, với các hoạt động đa dạng và tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều hàng hóa, phát triển các loại thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ theo chuẩn mực quốc tế.

Trong trung hạn, định hướng mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn.

Trong dài hạn, kỳ vọng với nền tảng thị trường tài chính cấp quốc gia cùng với các chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác (phù hợp với chuẩn mực hiện đại và tiêu chí quốc tế), TPHCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả khu vực và toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM trước cơ hội hiện thực khát vọng xây dựng trung tâm tài chính thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO