Thời sự

TP.HCM quyết liệt phát triển tăng trưởng xanh

Hồng Nga 27/01/2024 07:00

Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu trong bối cảnh thế giới đang hướng đến môi trường không phát thải và TP.HCM đang quyết liệt thực hiện chuyển đổi hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu của một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu.

54343496775.jpg

TP.HCM là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước nhưng cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM, bình quân mỗi năm thành phố thải ra hơn 60 triệu tấn CO2. Bên cạnh đó, thành phố cũng đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nguồn nhân lực và khủng hoảng kinh tế.

Để giải quyết các vấn đề trên và cũng nhằm phát triển hạ tầng giao thông xanh và bền vững, phát triển đô thị xanh gắn với tái bố trí lại dân cư và chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống, gắn với các công nghệ xanh, thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng… Thành phố cần khơi thông các điểm nghẽn trong thể chế. Điều đáng mừng là hiện tại, những điểm nghẽn này đang dần được tháo gỡ nhờ vào Nghị quyết 98.

Bởi, với Nghị quyết 98, có đến 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau được đưa vào thực tiển, trong đó có nhiều nội dung liên quan tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các chính sách này giúp Thành phố chủ động, linh hoạt trong việc kêu gọi, triển khai các thủ tục đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) nhằm thu hút các nguồn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có vốn của cá nhà đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, theo đúng mục tiêu Quốc hội đã đặt ra cho TP.HCM. Đặc biệt, với cơ chế thí điểm mô hình giao dịch tín chỉ carbon được phép thực hiện, TP.HCM có cơ hội tốt trong tăng trưởng xanh và đang quyết liệt thực hiện để hướng đến một thành phố xanh, sạch.

Như chia sẻ của người đứng đầu TP.HCM, hiện Thành phố đã hoàn thiện khung chiến lược và đang hoàn thiện khung chính sách cho chiến lược tăng trưởng xanh TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn 2050 với mục tiêu góp phần thực hiện Net Zero và phát thải carbon thấp. Các lĩnh vực TP.HCM ưu tiên thực hiện để chuyển đổi năng lượng xanh, xây dựng xanh, quản lý nguồn nước… Thành phố cũng đang cùng với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu triển khai nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, vấn đề năng lượng áp mái được rà soát, kiến nghị để các doanh nghiệp có thể sử dụng năng lượng sạch. Thị trường tín chỉ carbon cũng đang quyết liệt triển khai và dự kiến sẽ hoàn thành khung trong quý I/2024, trước khi Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đến Việt Nam vào tháng 3 năm nay.

Cách đây vài tháng, người đứng đầu chính quyền thành phố cam kết sẽ sớm hoàn thành “Khung chiến lược phát triển xanh của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp thành phố làm trung tâm của chuyển đổi. Và ngay vào đầu năm 2024 này, cam kết ấy đã hiện thực hóa bằng một loạt các chương trình hành động cụ thể như tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư vào những dự án giúp TP.HCM trở thành thành phố xanh, sạch; lấy ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài về việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh… Với những hành động quyết liệt này, niềm tin của người dân và doanh nghiệp về mục tiêu tăng trưởng xanh mà TP.HCM đặt ra lại càng được nâng cao.

Phát triển xanh hướng đến Net Zero carbon là con đường bắt buộc phải đi và TP.HCM đang hướng đến mục tiêu trở thành hình mẫu của một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư toàn cầu. Vì vậy, để các giải pháp triển khai khả thi và thiết thực hơn, Thành phố cần có kế hoạch cụ thể về thực hiện, tài chính, giao đất, bồi thường, điều chỉnh sử dụng đất cho phù hợp với môi trường địa phương. Bởi hiện các luật về đất đai, nhà ở, xây dựng và môi trường chưa thật sự hoàn thiện cũng như những thách thức trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng… sẽ khiến các nhà đầu tư có thể gặp rủi ro, và như vậy sẽ khiến họ chùn chân trong việc “rót tiền” vào các dự án tăng trưởng xanh mà thành phố kêu gọi đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM quyết liệt phát triển tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO