TP.HCM phấn đấu tỉ lệ nội địa hóa ngành cơ khí - tự động hóa đạt từ 80% trở lên
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành cơ khí - tự động hóa được duy trì ở mức 8-10%/năm. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành cơ khí - tự động hóa trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 15-16%. Tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 30-40%. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành đạt bình quân 5-6%/năm. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng tăng từ 3-5%/năm. Phấn đấu tỉ lệ nội địa hóa của ngành tăng từ 3-5%/năm.
Đến năm 2050, tỷ trọng giá trị công nghiệp công nghệ cao trong ngành đạt tối thiểu 60%. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành cơ khí - tự động hóa trong toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 16-20%. Phấn đấu tỉ lệ nội địa hóa của ngành đạt từ 80% trở lên.
Để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo nhân lực với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; tổ chức kết nối và tham gia hiệu quả các chương trình huấn luyện, hỗ trợ đào tạo từ các tổ chức trong và ngoài nước.
Đồng thời, tập trung phát triển một số loại vật liệu cơ bản phục vụ ngành cơ khí - tự động hóa có công nghệ tiên tiến, tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường. Hỗ trợ phát triển các đơn vị nghiên cứu, hoặc các doanh nghiệp thành lập trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ làm nền tảng để Thành phố nắm bắt công nghệ cốt lõi của ngành cơ khí - tự động hóa; hình thành giá trị công nghệ cao để tiến tới chuyển giao, đầu tư công nghệ cho các vùng kinh tế phía nam và cả nước; từng bước tiệm cận với công nghệ phát triển trong khu vực và châu Á.
Mặt khác, hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa tham gia Chương trình hỗ trợ lãi suất thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất những sản phẩm hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí - tự động hóa Thành phố tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp này.
Triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho các doanh nghiệp ngành cơ khí - tự động hóa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở hiệu quả của các dự án đầu tư, cho vay đối với các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, quy hoạch, phát triển quỹ đất đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển ngành cơ khí - tự động hóa trong giai đoạn mới. Tập trung chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang phát triển các khu công nghiệp hiệu quả cao. Rà soát, sửa đổi ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ. Ban hành cơ chế, quy định hỗ trợ mặt bằng sản xuất theo hướng đơn giản, tinh gọn, công khai, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, có những giải pháp về các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, truyền thông, kết nối cung cầu sản phẩm; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp nhóm các sản phẩm chủ lực, nhóm các sản phẩm tiềm năng.
Ngành cơ khí là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu được TP.HCM khuyến khích phát triển. Thời gian qua ngành đã có những đóng góp quan trọng cho công nghiệp Thành phố, chiếm khoảng 19% giá trị sản xuất, đóng góp 17% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Các nhóm sản phẩm chủ lực của ngành cơ khí - tự động hóa tại TP.HCM là sản xuất từ kim loại đúc sẵn; sản xuất thiết bị điện; sản xuất xe có động cơ; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân loại vào đâu; sản xuất phương tiện vận tải khác. Trong đó, ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn có số lượng doanh nghiệp lớn, doanh thu nhóm ngành cao, nhưng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh còn khá nhỏ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cơ khí - tự động hóa tại TP.HCM đang đối diện với không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.